Dân Việt

Cô gái ở Kon Tum 5 năm ròng rã vô rừng đốn củi kà sa, trước hôm cưới, bà mẹ chồng khen nức nở

Thùy Hương 02/05/2022 13:01 GMT+7
Bắt đầu tuổi cập kê, những cô gái dân tộc Rơ Ngao (dân tộc Ba Na) ở xã Pô Kô, huyện Đăk Tô (tỉnh Kon Tum) đã biết vào rừng kiếm củi mang về chất đầu nhà, sau bếp đợi đến khi tìm được ý trung nhân, tổ chức đám cưới sẽ mang tặng mẹ chồng.

Không chỉ là sính lễ về nhà chồng, củi hứa hôn còn là thước đo sự giỏi giang, khéo léo và tình yêu dành cho chồng của người con gái.

Sính lễ về nhà chồng là củi khô

Dù đã “theo chồng bỏ cuộc chơi” 4 năm rồi nhưng Y Nhung, làng Tu Peng, xã Pô Kô, huyện Đăk Tô (tỉnh Kon Tum) vẫn nhớ như in chuyện ngày còn thiếu nữ từng lặn lội vào tận rừng sâu, lên núi cao kiếm những bó củi đẹp đẽ để làm lễ vật mang tặng mẹ chồng lúc cưới.

Y Nhung kể: Mình lấy chồng năm 19 tuổi, nhưng từ hồi 14 tuổi, cha mẹ đã giục mình là phải lo kiếm củi để sau này làm lễ vật khi lấy chồng. Suốt 5 năm ròng, lúc nào có thời gian là mình đều đi kiếm củi mang về chất đầy đầu nhà, che đậy cẩn thận. 

Đến lúc cưới, mình kiếm được hơn 100 bó to bằng cái gùi. Trước hôm cưới 2 ngày, mình nhờ anh em, bạn bè đưa sang nhà chồng, mẹ chồng vui lắm. Bà đem củi chia cho anh em trong nhà, còn lại để đun mấy năm rồi vẫn chưa hết.

Ghé qua nhà hàng xóm của Y Nhung, tôi thấy, sau bếp có 2 đống củi được để riêng biệt, trong đó, có 1 đống củi được xếp đẹp đẽ, che đậy rất kỹ càng.

Thấy tôi có vẻ tò mò, chị chủ nhà tên Y Râm phân trần: Đống củi xếp lộn xộn, có cây to, cây nhỏ kia là củi để đun hằng ngày; còn đống củi xếp ngay ngắn, đều tăm tắp từ dưới lên đến lưng chừng tường là củi hứa hôn của con gái  mình tên Y Rủ. Y Rủ còn đang đi học, nhưng vợ chồng mình đã nhắc nó việc kiếm củi. 

Hè rồi, nó kiếm được một ít, vợ chồng mình đi làm gặp cây củi đẹp cũng lấy về giùm cho con, sau này, khi Y Rủ kết hôn, chắc chắn nó sẽ có nhiều củi tặng cho mẹ chồng và sẽ được cả nhà chồng thương yêu.

Theo già làng Tu Peng - A Hanh, củi hứa hôn hay nói cách khác là của hồi môn hay sính lễ các cô gái mang đến nhà chồng khi cưới là một tập tục lâu đời của người Rơ Ngao. 

Loại cây được chọn để làm củi có tên theo tiếng địa phương là kà sa (loại cây nhỏ, thuộc lâm sản phụ) thường mọc ở những khu vực rừng sâu, núi thẳm. 

Vì củi của loại cây này săn chắc nên cháy rất đượm, đặc biệt củi kà sa thẳng và suôn nên nhìn rất đẹp mắt, thích hợp với việc nấu nước, sưởi ấm. Sau khi nam nữ tìm hiểu nhau kỹ càng, quyết định tiến tới hôn nhân, hai gia đình sẽ chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức đám cưới. Trước hoặc sau cưới khoảng 1 tuần, các cô gái phải nhờ người mang lễ vật này về nhà chồng.

Củi hứa hôn có kích cỡ theo đúng quy định của làng xưa nay là, các thanh củi có chiều dài đồng đều 60cm hoặc 70cm, thanh củi phải thẳng, chắc, tất cả vỏ ngoài được lột sạch sẽ, đầu của mỗi thanh củi phải được chặt bằng hoặc nhọn, lóng nào to quá thì phải chẻ ra để cho các thanh củi to bằng nhau.

Nghe người dân bảo rằng, chỉ cần nhìn thấy thiếu nữ dân tộc Rơ Ngao đi tìm củi kà sa về để ở đầu hồi, sau bếp thì đó là thông điệp nói rằng trái tim cô gái “đã mở” để “dẫn lối” cho các chàng trai tìm đến.

Thước đo phẩm hạnh của người con gái

Theo quan niệm của người Rơ Ngao ở Pô Kô, củi hứa hôn chính là thước đo phẩm hạnh, sự đảm đang của các cô gái. Nhìn vào đống củi chất bên hông nhà, người ta biết ngay rằng cô gái đó có chịu thương chịu khó, có khéo léo hay không để các chàng trai chọn ý trung nhân.

Cô gái ở Kon Tum 5 năm ròng rã vô rừng đốn củi kà sa, trước hôm cưới, bà mẹ chồng khen nức nở - Ảnh 4.

Đây là lượng củi con gái chị Y Thoan, dân tộc Rơ Ngao-dân tộc Ba Na (xã Pô Kô, huyện Đăk Tô (tỉnh Kon Tum) kiếm được để chuẩn bị cho lễ cưới trong năm nay


 Nghĩa là cô gái nào có số lượng củi kiếm được càng nhiều, củi càng đẹp, các chàng trai sẽ đánh giá cô gái đó rất mạnh khỏe, đảm đang, tháo vát, có đôi bàn tay khéo léo và có tình yêu sâu đậm với chàng trai...

Từ đó mà các chàng trai sẽ để ý rồi đến tìm hiểu, cưới về làm vợ. Tất nhiên, những cô gái giỏi giang này chắc chắn sẽ lấy được một chàng trai khỏe mạnh và đẹp trai, có tài.

Ngược lại, cô gái nào đến tuổi lấy chồng mà vẫn có quá ít củi, chứng tỏ cô gái ấy không phải là người siêng năng; cũng không quan tâm đến chuyện vun vén hạnh phúc gia đình. 

Khi về làm vợ, các cô gái này sẽ thiếu đi sự cần cù, chịu khó, đảm đang cần thiết trong vai trò người “giữ lửa” gia đình. Dĩ nhiên, những cô gái này sẽ có ít chàng trai để ý và cũng khó lòng lấy được người chồng tài giỏi.

“Thậm chí, có trường hợp cô gái được chàng trai ưng bụng, cha mẹ người con trai cũng đồng ý “dạm hỏi”, nhưng đến khi cô gái đem củi qua tặng cha mẹ chồng làm của hồi môn mà ít quá, thì gia đình chàng trai sẵn sàng trả lễ vật và từ chối đám cưới” – già làng A Hanh cho biết thêm.

Vì không ai muốn mình bị đánh giá thấp, rồi lấy phải người chồng kém cỏi nên hầu hết các cô gái đều rất chăm chỉ kiếm củi, nỗ lực chặt, chẻ cho ra những bó củi đẹp nhất để “lọt vào mắt xanh” của các chàng trai tuấn tú. 

Từ việc làm đó đã hình thành thói quen hay lam hay làm, chỉn chu, khéo léo của các cô gái trong lao động, trong cuộc sống....

Xã Pô Kô hiện có 5 làng đồng bào dân tộc thiểu số, thế nhưng, theo người dân nơi đây, phụ nữ dân tộc Rơ Ngao làng Tu Peng là giỏi kiếm củi nhất, khi về nhà chồng luôn mang được nhiều củi đẹp để dành tặng cho nhà chồng. Có lẽ vì vậy mà các cô gái của làng Tu Peng luôn “đắt chồng”.

Tuy nhiên, hiện nay, vì việc kiếm củi ngày càng khó khăn, đời sống phát triển, tập tục này cũng được đổi mới theo xu hướng thoáng hơn, thuận lợi hơn cho người phụ nữ. 

Các cô gái có thể nhờ bố mẹ, người thân trong gia đình kiếm thêm củi giùm mình để có được lượng củi như ý.

Để đáp lại tấm lòng của cô gái, bố mẹ chồng sẽ tổ chức tiệc cưới thật đầm ấm cho đôi bạn trẻ với đầy đủ họ hàng đôi bên và bà con dân làng...