Mục tiêu của Đề án nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể và các hình thức hợp tác trong nông nghiệp gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Đồng thời, phát huy vai trò nòng cốt của các cấp Hội Nông dân liên kết, hợp tác để phát triển các sản phẩm truyền thống, sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương thành sản phẩm OCOP nhằm phát huy tối đa nội lực, nội sinh trong nông thôn và gia tăng giá trị sản phẩm. Góp phần thực hiện tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội nông thôn bền vững.
Giai đoạn 2022-2025, phấn đấu 100% cơ sở Hội tổ chức được các hoạt động tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ hội viên, nông dân về hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và tham gia Chương trình OCOP.
Mỗi năm xây dựng 1 mô hình sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị. Phấn đấu đến năm 2025 xây dựng 4 mô hình theo chuỗi giá trị hoạt động có hiệu quả. Hằng năm duy trì củng cố, nâng cao chất lượng từ 10-20 sản phẩm OCOP đã được công nhận.
Đến năm 2025, tổ chức hỗ trợ 200 sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử, từng bước khẳng định thương hiệu OCOP của tỉnh trên thị trường trong nước và quốc tế; 20-30 sản phẩm OCOP hình thành được chuỗi sản xuất gắn với vùng nguyên liệu ổn định, đặc biệt là đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương.
Đề án với mục tiêu: Hỗ trợ thành lập và hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã tại các địa phương có các sản phẩm truyền thống, sản phẩm đặc trưng để xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP. Hỗ trợ xây dựng mới 10 sản phẩm/năm trở lên; phấn đấu giai đoạn 2022-2025 hỗ trợ xây dựng được 40 sản phẩm đạt 3 sao trở lên. Hỗ trợ củng cố nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP đã được công nhận 20 sản phẩm/năm. Đồng thời, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội, hợp tác xã và các chủ thể tham gia Chương trình OCOP do Hội Nông dân hướng dẫn thành lập…
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang giao cho Hội Nông dân tỉnh chủ trì xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án bảo đảm đúng mục tiêu, nội dung, tiến độ của Đề án. Hằng năm, phối hợp các cơ quan thông tin truyền thông xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về Đề án. Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ hội các cấp, các chủ thể tham gia Chương trình OCOP; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia xúc tiến thương mại và đưa các sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử.
Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh, các ban chuyên môn của Trung ương HND Việt Nam, các doanh nghiệp, tổ chức khác trong việc lồng ghép, tranh thủ nguồn lực triển khai các nội dung của Đề án.
UBND các huyện, thành phố hối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức triển khai, thực hiện các nội dung của Đề án. Ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện Đề án của tỉnh, các huyện, địa phương xem xét cân đối, bố trí kinh phí hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã, các chủ thể tham gia Chương trình OCOP hằng năm nhằm bảo đảm các nội dung của Đề án được triển khai hiệu quả.