Cà Mau: Nhiều nông sản OCOP là đặc sản bán sang cả thị trường Úc, Canada, Singapore

Chúc Ly Thứ tư, ngày 27/04/2022 08:05 AM (GMT+7)
Đó là nhận định của các nhà mua, doanh nghiệp tại hội nghị kết nối giao thương giữa chủ thể OCOP với các nhà mua, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh do UBND tỉnh Cà Mau tổ chức chiều 26/4.
Bình luận 0

Cà Mau có 77 sản phẩm OCOP 3 sao

Đây là sự kiện nằm trong chuỗi sự kiện Họp mặt doanh nghiệp và các hoạt động phát triển sản phẩm OCOP, được UBND tỉnh Cà Mau tổ chức từ ngày 26/4 đến ngày 29/4.

Hội nghị lần được tổ chức nhằm hỗ trợ phát triển và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tỉnh Cà Mau. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp cập nhật các thông tin thị trường cho doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất trong tỉnh.

Đặc biệt, hội nghị có sự tham gia của đại diện các nhà mua và hơn 90 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh trong tỉnh.

Thời gian qua, các sản phẩm đặc sản của Cà Mau luôn được các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, HTX, doanh nghiệp thường xuyên cải tiến chất lượng, mẫu mã để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài nước; đồng thời đáp ứng tiêu chí sản phẩm của chương trình OCOP.

Hãy bán sản phẩm OCOP theo nhu cầu của thị trường - Ảnh 2.

Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Chúc Ly.

Đến nay, tỉnh có 77 sản phẩm OCOP đã được công nhận 3 sao trở lên, trong đó có 3 sản phẩm đạt 4 sao. Năm 2022, tỉnh có 40 chủ thể đã đăng ký đánh giá xếp hạng cho 62 sản phẩm mới và 13 chủ thể có kế hoạch nâng hạng cho 22 sản phẩm được chứng nhận.

Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng: Các sản phẩm OCOP hiện nay đã tiêu thụ qua nhiều kênh bán hàng như điểm giới thiệu và bán sản phẩm đặc sản, đặc trưng OCOP gắn với các khu du lịch trên địa bàn tỉnh; một số sản phẩm được đưa vào các hệ thống phân phối hiện đại trong và ngoài tỉnh để giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ. Đặc biệt đã có một số sản phẩm xuất khẩu qua các thị trường Úc, Canada, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore...

Hãy bán sản phẩm OCOP theo nhu cầu của thị trường - Ảnh 3.

Gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của huyện Ngọc Hiển. Ảnh: Chúc Ly.

"Cà Mau rất vui mừng và hân hạnh khi có cơ hội kết nối với các nhà mua, các doanh nghiệp phân phối trong và ngoài tỉnh. Tôi hy vọng rằng sự kiện lần này chắc chắn sẽ là cầu nối hữu hiệu cho mối quan hệ giữa các doanh nghiệp Cà Mau, đặc biệt là các chủ thể sản phẩm OCOP trong hợp tác, liên kết phát triển lâu dài", ông Sử nhấn mạnh.

Bán sản phẩm OCOP theo nhu cầu của thị trường

Tại hội nghị, đại diện các nhà mua, doanh nghiệp cũng đã có nhiều đóng góp cho các cơ sở, chủ thể OCOP của tỉnh.

Hãy bán sản phẩm OCOP theo nhu cầu của thị trường - Ảnh 4.

Ông Lê Văn Sử giới thiệu về sản phẩm cua Cà Mau cho ông Lê Bình Hòa. Ảnh: Chúc Ly.

Ông Lê Bình Hòa - Giám đốc Kiến tạo Giá trị chia sẻ - Tập đoàn Central Retail, cho rằng: "Ở mỗi tỉnh luôn có những nghề đặc biệt, và tỉnh phải tìm cách giữ được nghề đó, sản phẩm đó. "Chúng tôi mong muốn xây dựng chương trình để tìm hiểu rõ các sản phẩm OCOP, cái gì là đặc trưng nhất ở mỗi tỉnh. Khi biết được những điều đặc biệt thì mới có thể xem sản phẩm nào có tiềm năng phát triển, thậm chí là sản xuất được ở nước ngoài".

"Xuống Cà Mau tôi được nghe giới thiệu về con cua, con tôm sú. Và cái chúng tôi cần là tư liệu về những đặc sản đó. Tỉnh phải làm sao để các nhà mua, doanh nghiệp đọc và hiểu được tư liệu về các sản phẩm OCOP. Từ đó, chúng tôi mới có thể truyền đạt cho khách hàng một cách tốt nhất. Và quan trọng nhất là ở mỗi sản phẩm OCOP phải có chữ ký, thương hiệu của chủ sản phẩm, của tỉnh Cà Mau", ông Hòa nhấn mạnh.

Hãy bán sản phẩm OCOP theo nhu cầu của thị trường - Ảnh 5.

Theo ông Sử, việc phát triển sản phẩm OCOP phải gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ảnh: Chúc Ly.

Trong khi đó, Tạ Minh Sơn – Giám đốc siêu thị Tứ Sơn, chia sẻ: "Các chủ thể OCOP cần hiểu rằng, khi ra mắt một sản phẩm thì phải xem có sản phẩm đồng dạng trên thị trường hay không. Để từ đó các đơn vị có hướng tính toán đến tính  cạnh tranh của sản phẩm".

Cũng theo ông Sơn, "đặc sản vùng miền" và "OCOP" là hai vế liền kề, cần đặt chung với nhau, bởi nó tạo sự gần gũi với người tiêu dùng. Các đơn vị hãy tận dụng địa lý vùng để đưa lên bao bì sản phẩm của mình. Làm sao khi khách hàng nhìn vào thì biết ngay đó là sản phẩm của tỉnh Cà Mau.

Hãy bán sản phẩm OCOP theo nhu cầu của thị trường - Ảnh 6.

Ông Lê Bình Hòa cho rằng, hiểu được câu chuyện về mỗi sản phẩm OCOP là điều kiện quan trọng để phát triển và bán sản phẩm. Ảnh: Chúc Ly.

"Bao bì đừng ôm đồm, đừng tải lên quá nhiều, người tiêu dùng sẽ thấy rối rắm. Chúng ta cần tập trung vào chất lượng, vào những giá trị nổi bật của sản phẩm. Và quan trọng nhất là hãy nhớ rằng, chúng ta bán hàng theo định hướng nhu cầu và linh hoạt của thị trường, chứ không phải theo ý muốn của chúng ta", ông Sơn nêu ý kiến.

Ngoài các góp ý từ nhà mua, doanh nghiệp tiêu thụ, các cơ sở, chủ thể OCOP của tỉnh Cà Mau cũng có dịp chia sẻ các kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm.

Hãy bán sản phẩm OCOP theo nhu cầu của thị trường - Ảnh 7.

Bà Trần Thị Xa mời ông Lê Bình Hòa nếm thử sản phẩm ba khía. Ảnh: Chúc Ly.

Chia sẻ tại hội nghị, bà Trần Thị Xa – Giám đốc HTX ba khía Đầm Dơi (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau), cho biết: "Được gặp gỡ các doanh nghiệp, nhà mua là cơ hội để các chủ thể OCOP như chúng tôi có cơ hội cải thiện chất lượng sản phẩm của mình".

"Các kinh nghiệm có được từ các cuộc gặp gỡ, chia sẻ rất bổ ích cho các đơn vị làm sản phẩm OCOP. Chúng tôi hiểu rằng, mình phải thay đổi nhiều hơn về mẫu mã, chất lượng và cách tiếp cận thị trường. Để từ đó, sản phẩm của chúng tôi vươn xa hơn ở các thị trường mới mẻ", bà Xa nhận định.

Tại hội nghị, UBND tỉnh Cà Mau cũng đã ký kết hợp tác với Tập đoàn Central Retail.

Cũng trong dịp này, các đại biểu cũng cắt băng khai trương và tham quan trưng bày sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau năm 2022. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem