Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Ninh (tiền thân là Trung tâm Giới thiệu việc làm) là đơn vị sự nghiệp có thu, trực thuộc Hội Nông dân tỉnh được thành lập từ năm 2002 theo quyết định của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Thực hiện Kết luận của Thường trực Tỉnh ủy về việc thực hiện Kết luận số 61- KL/TW ngày 03/12/2009 của Ban Bí thư T.Ư Đảng và Quyết định số 673 QĐ- TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ, tháng 5/2012, Trung tâm được UBND tỉnh phê duyệt "Đề án Tổ chức bộ máy, biên chế Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Ninh".
Cùng với đó, Hội Nông dân tỉnh đã đề nghị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, UBND tỉnh Bắc Ninh đầu tư trên 32 tỷ đồng kinh phí cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, xây dựng giai đoạn II; mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động của Trung tâm. Đến tháng 10/2014, công trình đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Ông Trần Đăng Sâm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh cho biết: "Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân có chức năng giúp Hội Nông dân tỉnh đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ Hội Nông dân, nâng cao trình độ tay nghề, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho nông dân; giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động; tổ chức các hoạt động truyền thông tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ nông dân về sản xuất, thị trường, khoa học kỹ thuật, kết nối cung cầu, giới thiệu, tiêu thụ nông sản, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Sau 20 năm thành lập, bộ máy tổ chức của Trung tâm từng bước được ổn định. Đội ngũ cán bộ ngày càng được tăng cường về cả số lượng và chất lượng. Các hoạt động chuyên môn dần đi vào chiều sâu, nâng cao hiệu quả hoạt động trên mọi mặt."
Trong 20 năm qua, trong lĩnh vực dạy nghề, đơn vị đã trực tiếp và phối hợp với các sở, ngành chức năng mở 816 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 24.597 lao động nông thôn bao gồm các ngành thuộc nhóm nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có việc làm đạt hơn 75%.
Bên cạnh đó, Trung tâm đã ký kết hợp tác với các công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Tổ chức tư vấn, đào tạo lao động có trình độ đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài.
Hàng năm, Trung tâm đã phối hợp với các sở, ngành tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; xây dựng các mô hình trình diễn, hướng dẫn sử dụng các loại máy nông nghiệp. Phối hợp các công ty sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp thực hiện cung ứng 13.600 tấn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm vi sinh cho nông dân phục vụ sản xuất theo hình thức trả chậm. Thực hiện liên kết 4 nhà, tham gia các hoạt động quảng bá, hội chợ thương mại nhằm giới thiệu nông sản đến tay người tiêu dùng và hỗ trợ nông dân trong tiêu thụ sản phẩm.
Trung tâm duy trì "Cửa hàng giới thiệu và bán sản phấm nông nghiệp an toàn" tại Trụ sở Hội Nông dân tỉnh; định kỳ tổ chức Chợ phiên nông sản an toàn… Đặc biệt trong đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua, Trung tâm đã chủ động liên hệ với Hội Nông dân các tỉnh, các chủ trang trại, hộ sản xuất gặp khó khăn trong tiêu thụ nông sản, hỗ trợ tiêu thụ gần 1.000 tấn nông sản cho nông dân trong và ngoài tỉnh.
Ông Trần Văn Trọng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ kinh tế trang trại xã Đại Lai (Gia Bình) chia sẻ: "Câu lạc bộ thành lập từ năm 2004 với 24 thành viên, trung bình mỗi thành viên có khoảng 2,7 mẫu làm mô hình trồng trọt, chăn nuôi. Những ngày đầu mới thành lập cũng là thời điểm hầu hết các thành viên mới bắt tay vào làm mô hình nên khó khăn, thiếu thốn đủ thứ nhất là về giống, vốn, kỹ thuật… Nhờ có sự đồng hành, sát cánh hỗ trợ của Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh cùng Hội Nông dân các cấp, nên các thành viên trong câu lạc bộ nhanh chóng khắc phục được những khó khăn, sớm ổn định, duy trì và phát triển mô hình bền vững".
Theo ông Trần Đăng Sâm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: Để nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động của Trung tâm, thời gian tới, Trung tâm tập trung đổi mới phương thức hoạt động, tăng cường tổ chức các hoạt động dạy nghề và tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ sản xuất gắn với nhu cầu thực tế của hội viên nông dân cũng như phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế nông nghiệp.
Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của hội viên nông dân để họ thấy rõ trách nhiệm và lợi ích trong việc học nghề, tạo điều kiện để hội viên nông dân chủ động lựa chọn và đăng ký ngành học phù hợp với năng lực và nhu cầu của bản thân. Phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh dạy nghề cho lao động nông thôn; chú trọng việc nhân cấy nghề mới, đào tạo lao động có chất lượng; gắn với hỗ trợ giải quyết việc làm.
Đồng thời, mở rộng các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ hội viên, nông dân: cung ứng vật tư nông nghiệp theo phương thức trả chậm; liên kết sản xuất, quảng bá giới thiệu sản phẩm; hỗ trợ nông dân đăng ký tham gia Chương trình "Mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm", đưa nông sản lên các sàn giao dịch thương mại điện tử; tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; tư vấn, hỗ trợ thành lập Hợp tác xã, Tổ hợp tác, chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp…
Bên cạnh đó, triển khai xây dựng các mô hình kinh tế điểm, mô hình phát triển sản xuất, giúp nông dân tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản theo hướng phát triển các hình thức kinh tế tập thể nông nghiệp.
Với những kết quả đã đạt được qua 20 năm xây dựng và phát triển, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Ninh vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, UBND tỉnh và các sở, ngành biểu dương, khen thưởng. Mới đây, Trung tâm đã được tặng thưởng Cờ thi đua của UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước năm 2021. Đó là tiền đề động viên tập thể lãnh đạo và cán bộ Trung tâm tiếp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, hỗ trợ nông dân trong hành trình phát triển, hội nhập.