Vùng lá me bay ở Đắk Lắk, dân không hiểu vì sao đất hợp cây me thế, trồng chơi chơi mà trái ra quá trời

Thứ tư, ngày 04/05/2022 13:04 PM (GMT+7)
Buôn Yang Làng (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) nổi tiếng với cây bồ đề trên trăm tuổi đã được xếp hạng là cây di sản. Thế nhưng ít ai biết rằng nơi đây còn có những cây me cổ thụ mang nhiều giá trị về kinh tế, môi trường…
Bình luận 0

Hầu như nhà nào ở buôn Yang Làng cũng đều trồng một vài cây me làm bóng mát, đẹp đường làng. Loại cây này thích nghi với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương nên phát triển tốt, ít sâu bệnh. 

Người già ở đây kể rằng, từ xa xưa không biết vì sao quanh buôn làng, khu vực Buôn Đôn lại mọc rất nhiều cây me. Cây me tự mọc, tự lớn lên rồi đơm hoa kết trái, người dân cứ thế tận hưởng "lộc trời". 

Vùng lá me bay ở Đắk Lắk, dân không hiểu vì sao đất hợp cây me thế, trồng chơi chơi mà trái ra quá trời - Ảnh 1.

Ở buôn Yang Làng, (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) nhà nào cũng trồng một cây me trước nhà.

Bà con trong buôn hiếm khi chặt hạ cây me trừ khi cây bị khô chết và cũng không bán cây cho dân buôn gỗ dù được trả giá cao.

Có lẽ vì điều này mà những cây me cổ thụ cứ sừng sững che chở, tỏa bóng mát cho buôn làng trong những ngày hè nóng bức.

Cây me bắt đầu cho quả từ khoảng cuối năm trước, đến tầm tháng 3, tháng 4 năm sau là chín rộ, hái một lần hết cả cây. Trái me mang lại một nguồn thu nhập kha khá cho người dân. Một cây me cổ thụ mỗi năm cho thu hoạch từ 5 - 7 tạ trái, mang lại nguồn thu khoảng vài triệu đồng. 

Như nhà chị H’Ka Knul chỉ trồng có 10 cây me rải rác nhưng mỗi năm cho thêm khoản thu 20 triệu đồng từ tiền bán trái. 

Chị H’Ka Knul chia sẻ: “Trái me ngon nhất là khi chưa chín hẳn, thịt bên trong màu xanh bột, vỏ bên ngoài đã bắt đầu khô dễ lột, ăn bùi bùi. Những ngày nắng gắt, khách du lịch vào Buôn Đôn mua me rất nhiều, chủ yếu mua quả me về làm nước cốt chế biến gia vị là món ăn mùa nắng nóng..."

"Người dân trong buôn cứ đến mùa me chín là vui hẳn lên, nhà nào không có me bán thì làm nghề hái me, lột me thuê với giá 5.000 – 6.000 đồng/kg. Nhiều năm nay, cứ vào mùa me chín, nhiều người dân trong buôn kiếm được tiền triệu nhờ làm gia công lột me”, chị H’Ka Knul cho biết.

Bên cạnh những cây me cổ thụ trái chua được thương lái đặt mua cả cây, thuê bà con hái và lột vỏ, nhiều hộ đã trồng thêm cây me ngọt cạnh nhà, ở vùng đất trống bên bìa rẫy, bìa rừng và chăm sóc theo kỹ thuật mới, được cán bộ khuyến nông hướng dẫn để có thu hoạch ổn định. 

Vì thế, đường vào các buôn làng ở xã biên giới Krông Na đang xanh lên nhờ những cây me trĩu quả.

Muôn đời nay, những cây me cổ thụ đã tỏa bóng che chở, bao bọc cuộc sống con người nơi vùng biên. Lặng lẽ như một nhân chứng lịch sử của vùng đất có những dũng sĩ săn voi huyền thoại, những cây me cổ thụ còn là điểm nhấn du lịch thú vị đối với du khách khi đến Buôn Đôn...

Xuân Hòa (Báo Đắk Lắk)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem