Báo cáo thị trường bất động sản quý I/2022 của Bộ Xây dựng cho thấy giao dịch trên thị trường có sự sụt giảm ở nhiều phân khúc so với cùng kì năm trước.
Theo đó, ở phân khúc căn hộ, cả nước có tổng lượng giao dịch chỉ bằng khoảng 45,5% so với quý 4/2021 và bằng khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng tại TP.HCM chỉ có 1.172 giao dịch thành công trong quý vừa qua.
Đáng chú ý, phân khúc đất nền lại có lượng giao dịch tăng đột biến. Cụ thể, lượng giao dịch đất nền trong quý đạt 153.537 giao dịch thành công. Tổng lượng giao dịch bằng khoảng 242% so với quý IV/2021. Khu vực miền Nam ghi nhận tới 90.089 giao dịch đất nền thành công.
Nhìn chung, giá đất nền trong quý vừa qua có biên độ tăng cao, bình quân tăng khoảng 5-10% so với quý trước.
Thị trường TP.HCM tiếp tục khan hiếm nguồn cung đất nền mở bán mới trong quý, các giao dịch trên thị trường chủ yếu là loại hình cá nhân đứng ra phân lô, quy mô nhỏ lẻ, dưới 2 ha. Đây cũng là thị trường có mức giá đất nền tăng cao. Đáng chú ý, các thông tin quy hoạch hành chính, giao thông hạ tầng đã tạo nên cơn sốt, đẩy giá đất khu vực Củ Chi, Hóc Môn lên cao.
Ghi nhận tại TP.HCM, đất nền dự án tại Thủ Thiêm Villa (quận 2) có giá khoảng 125,3 triệu đồng/m2, The EverRich III (quận 7) có giá khoảng 117,5 triệu đồng/m2, Kim Sơn (quận 7) giá khoảng 136,5 triệu đồng/m2, KDC Kiến Á (quận 9) giá khoảng 70,1 triệu đồng/m2.
Đáng chú ý, giá đất nền tại khu vực Củ Chi được ghi nhận tăng tới 42% kể từ đầu năm. Khu vực huyện Hóc Môn, đất đai có nơi cũng tăng tới 44,6%.
Bên cạnh thị trường TP.HCM, một số địa phương giáp ranh như Đồng Nai, Long An, Bình Dương… cũng ghi nhận lượng giao dịch và mức giá tăng 15-20% so với cuối năm 2021.
Theo đó, tại Bình Dương, dự án Green Square (TP.Dĩ An) có giá khoảng 140 triệu đồng/m2, dự án VSIP I Bình Dương (TP.Thuận An) có giá khoảng 90 triệu đồng/m2. Tại Đồng Nai, dự án tại Đại Phước Lotus (H.Nhơn Trạch) có giá khoảng 55 triệu đồng/m2, dự án tại Khu dân cư đường 5 nối dài (TP.Biên Hòa) có giá khoảng 70 triệu đồng/m2.
Ông Phạm Lâm - CEO DKRA Vietnam cho rằng, đất nền hiện chiếm ưu cả về nguồn cung lẫn sức cầu. Trong đó, đất nền vùng phụ cận tiếp tục chiếm giữ vị thế chủ lực trong tổng nguồn cung mới do quỹ đất tại TP.HCM ngày càng khan hiếm.
Chia sẻ với phóng viên, ông Trần Quốc Trường (giám đốc một sàn giao dịch bất động sản tại TP.HCM) cho hay trong bối cảnh thị trường nhiều biến động, dịch bệnh, lạm phát, giá cả leo thang… nhiều nhà đầu tư cảm thấy an tâm khi trú ẩn dòng tiền vào phân khúc đất nền.
"Từ đầu năm đến nay, 70% khách hàng của chúng tôi là chọn mua đất nền thay vì chung cư, nhà phố. Trong đó, một số ít là có nhu cầu thực, mua đất để xây nhà, làm của để dành, còn lại là dân đầu tư. Đa số khách chọn mua đất tại các khu vực vùng ven như Củ Chi, Bình Chánh… những nơi đang có "sốt" vì quy hoạch hành chính, hạ tầng giao thông. Đất nền khu vực trung tâm TP.HCM thì rất hiếm giao dịch vì không có nguồn cung", ông Trường chia sẻ.
Các chuyên gia đánh giá, đất nền vẫn tiếp tục là tâm điểm chú ý của giới đầu tư trong thời gian tới bởi tính bền vững cùng các thông tin quy hoạch, hạ tầng "tạo sóng" thị trường.
Theo đó, DKRA Vietnam dự báo, nguồn cung mới và sức cầu của phân khúc đất nền trong quý II/2022 có thể tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021, tập trung chủ yếu ở các thị trường giáp ranh TP.HCM như Đức Hòa, Cần Giuộc (Long An). TP.HCM tiếp tục khan hiếm nguồn cung mới. Đất nền tiếp tục được lựa chọn là kênh đầu tư hàng đầu.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc bộ phận tiếp thị nhà ở của CBRE Việt Nam - cũng nhận định, giá đất sẽ tiếp tục xu hướng tăng, tuy nhiên tăng nhanh hay chậm còn phụ thuộc yếu tố hấp thụ của thị trường.
Đối với các nhà đầu tư đất nền, ông Kiệt cũng lưu ý cần có sự lựa chọn phù hợp bởi tham gia các thị trường nóng sốt luôn hàm chứa rủi ro lớn. Những địa phương có quy hoạch tốt thì giá sẽ tăng nhưng nhiều nơi thông tin quy hoạch chỉ mang tính chất tham khảo hoặc không chính xác thì nhà đầu tư sẽ rủi ro lớn khi vướng vào.