Áp dụng công nghệ hiện đại vào quản lý, sản xuất
Là mô hình kinh tế tập thể nổi bật ở miền Bắc, HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bình Định (HTX Bình Định) ở huyện Kiến Xương (Thái Bình) đang có hướng đi rất riêng và hiệu quả.
Ông Trần Thanh Sơn - Giám đốc HTX Bình Định tiết lộ: Điểm đặc biệt ở HTX Bình Định là người dân góp vốn bằng quyền sử dụng ruộng đất để hợp tác xã xoá bỏ bờ thửa, chỉnh trang đồng ruộng và đầu tư đồng bộ hạ tầng thuỷ lợi, giao thông nội đồng phục vụ cơ giới hoá tất cả các khâu trong quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản và bao tiêu sản phẩm. Cuối vụ, bà con sẽ được chia lợi tức với số tiền khoảng 1,6 triệu đồng/sào.
Nhờ đó, HTX Bình Định đã tạo dựng được 4 vùng liên kết sản xuất – tiêu thụ lúa giống với Tập đoàn ThaiBinh Seed và một doanh nghiệp khác, tổng diện tích hơn 200ha.
Ngoài ra, HTX cũng liên kết sản xuất và cung ứng theo đơn đặt hàng khoảng 3.000 - 4.000 tấn lúa thương phẩm chất lượng cao mỗi năm cho doanh nghiệp Hưng Cúc (tại địa phương).
Mô hình tích tụ ruộng đất của HTX Bình Định đặc biệt ở chỗ, người dân góp ruộng đất cho HTX đều được số hoá thông tin và quản lý bằng phần mềm chuyên dụng, công khai trên Website.
Trong trường hợp nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án vì lợi ích quốc gia, công cộng thì bà con vẫn được hưởng toàn bộ quyền lợi trên thửa đất đó (khác với việc nông dân cho doanh nghiệp thuê đất 10 – 20 năm).
Nhờ chỉnh trang đồng ruộng trên diện tích lớn, HTX Bình Định ứng dụng cơ giới hoá và thực hiện dịch vụ tất cả các khâu như làm mạ khay - máy cấy, làm đất, quy trình bón phân một lần/vụ; phun thuốc BVTV bằng máy bay không người lái, gặt lúa..., tiếp đến là bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Từ đó, lợi tức của các thành viên góp đất cho HTX tăng lên 430.000 đồng/vụ so với lợi nhuận bình quân của các hộ tự trồng lúa ngoài mô hình.
HTX Bình Định có 25 thành viên góp vốn và được trả lương hàng tháng, còn các xã viên góp ruộng sẽ được HTX trả lợi tức khoảng 1,6 triệu đồng/sào/vụ. Ngoài cung cấp các dịch vụ nông nghiệp, HTX còn cung cấp dịch vụ tín dụng nội bộ và các dịch vụ phi nông nghiệp khác, mang lại hiệu quả cao cho các thành viên.
Không dừng lại ở việc sản xuất theo quy mô hộ gia đình, nhiều người dân còn liên kết với nhau thành lập HTX để cùng nhau sản xuất trên diện tích lớn, đáp ứng nhu cầu thu mua nguyên liệu về sản xuất thuốc, chế biến của các doanh nghiệp.
Nội bật ở Lai Châu là HTX Sâm-Tam thất Sìn Hồ, đơn vị này ra đời lấy mục tiêu trồng rừng, trồng dược liệu dưới tán rừng gắn với du lịch sinh thái tại xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ làm nền tảng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho thành viên và người dân.
Hoạt động của HTX dựa trên sức dân là chính. Thành viên chủ yếu của HTX là người đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn các xã Sà Dề Phìn, Tà Ngảo, Phăng Sô Lin. Theo đó mọi người dân cùng góp đất, góp vốn tập trung trồng các loại cây dược liệu như sâm, tam thất… nhằm đảm bảo hình thành vùng chuyên canh cây dược liệu.
Để xác định được hướng đi này, HTX đã quan tâm, tìm hiểu cơ hội đầu tư trên địa bàn tỉnh Lai Châu; những ưu, nhược điểm trong phát triển kinh tế tại địa phương. Hiện nay, HTX đang tập trung liên kết cùng người dân trồng rừng, trồng dược liệu dưới tán rừng, sau đó làm nền tảng để phát triển du lịch.
Không chỉ hướng dẫn cách trồng, cung cấp cây giống mà HTX còn liên kết với doanh nghiệp đến tận ruộng thu mua cây dược liệu với mức giá hợp lý, khiến người dân càng thêm hồ hởi và tin tưởng.
Ông Nguyễn Trần Văn - Giám đốc HTX cho biết được sự quan tâm của địa phương, HTX đã đứng ra làm đầu mối thu mua nguyên liệu thô cho người dân, sau đó cung cấp cho doanh nghiệp. Tham gia HTX, người dân được tập huấn kỹ thuật, biết cách gieo trồng và thu hoạch bền vững.
Để giữ gìn môi trường an toàn, dược liệu của HTX phải bảo đảm không chứa các tác nhân gây bệnh như chất độc sinh học và hóa chất... Bởi vậy, trong quá trình phát triển toàn bộ cây trồng gần như không sử dụng đến thuốc BVTV, phân bón cũng được sử dụng theo quy trình sản xuất dược liệu chung.
Ông Văn cho biết thêm: Mục tiêu của HTX là sau này xây dựng được vùng ươm cây dược liệu rộng 2.000ha, vừa nhằm bảo tồn các loài dược liệu đang cạn kiệt trong tự nhiên, vừa cung cấp cây giống cho thành viên và người dân trong, ngoài địa phương làm giàu.
Cần tiếp sức kịp thời
Hiện các thành viên của HTX đều có nguồn thu ổn định 4-5 triệu đồng/người/tháng, chưa kể nhiều lao động làm công nhật với các công việc khác nhau như: vận chuyển, thu hái, chăm sóc… Chính vì vậy, nhiều hỗ đã nâng cao được đời sống.
Đặc biệt, đầu năm 2021, HTX Sâm-Tam thất Sìn Hồ đổi thành HTX Nông sản dược liệu cao nguyên Sìn Hồ. Đồng thời HTX đã đầu tư dây chuyền chế biến nông sản, dược liệu bằng công nghệ hiện đại trị giá hàng tỷ đồng nhằm tăng chế biến sâu các sản phẩm nông sản, dược liệu phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Dù đạt được nhiều thành công trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, dược liệu nhưng các thành viên trong HTX Nông sản dược liệu cao nguyên Sìn Hồ vẫn còn trăn trở và mong muốn Nhà nước giúp đơn vị tiếp cận được với chính sách thuê đất rừng, giao đất rừng có cấp sổ cho người dân để bà con yên tâm bảo vệ đồng thời khai thác, trồng mới các cây dược liệu dưới tán rừng.
Ông Nguyễn Trần Văn và ông Trần Thanh Sơn đề nghị Nhà nước sớm ban hành chương trình thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã bằng các chính sách cụ thể; ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số, tiếp cận vốn tín dụng, xây dựng thương hiệu, chính sách thuế để khuyến khích hộ cá thể tham gia hợp tác xã; quy định mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với hợp tác xã, thành viên hợp tác xã, phù hợp với mặt bằng chi phí sản xuất hiện nay; cấp bổ sung vốn cho các Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Trung ương và địa phương…
Ông Văn kiến nghị thêm cần sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã 2012 và các văn bản có liên quan, tạo môi trường thuận lợi thông thoáng tạo điều kiện cho hợp tác xã phát triển; có chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với nông dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, biển đảo.
Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNNPTNT), không chỉ tăng nhanh về số lượng, mà chất lượng và hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã cũng có nhiều thay đổi.
Tỷ lệ các hợp tác xã nông nghiệp được đánh giá xếp loại khá, tốt đã tăng lên, đạt trên 60%, hợp tác xã yếu kém có thời kỳ chiếm 30%, nhưng nay còn khoảng 8,5%; các sản phẩm được bán trên thị trường đảm bảo được tính an toàn, mẫu mã…
Thông qua các mô hình hợp tác xã đã thu hút được các doanh nghiệp đầu tư, trở thành đối tác của nông dân. Nhiều hợp tác xã xây dựng được vùng nguyên liệu, phát triển thị trường.