Trong phiên sáng 9/5, trong số hàng loạt mã chứng khoán bị bán thảo, giảm kịch sàn có nhiều mã thuộc nhóm ngành xây dựng, đầu tư công, bất động sản. Giao dịch chứng khoán trong trạng thái ảm đạm khi sắc đỏ phủ trên diện rộng bảng điện tử.
Nhóm VN30 không có mã nào giữ được mốc tham chiếu, toàn bộ 30 mã đều mất điểm. Nhóm ngân hàng, ngoại trừ NVB trên sàn HNX tăng nhẹ chưa tới 1%, còn lại đều giảm khá sâu như: TCB giảm 5,3%; BID giảm 4,46%; CTG giảm 5%; VPB giảm 5,42%; VIB giảm 4,31%; OCB giảm 5,86%...
Nhóm cổ phiếu bất động sản và xây dựng như HDC, LHG, FCN, DPG, HBC, HDG, VGC, SCR, DXG, DXS cũng la liệt giảm… Trong khi các mã lớn trong ngành như VHM, VIC, NVL đều giảm hơn 2%.
Chốt phiên sáng 9/5, toàn sàn HoSE chỉ có 28 mã tăng (1 mã tăng trần) và tới 424 mã giảm (79 mã giảm sàn), VN-Index giảm 47,23 điểm (-3,55%), xuống 1.282,03 điểm.
Tổng khối lượng giao dịch tại HoSE đạt gần 378 triệu đơn vị, giá trị hơn 10.291 tỷ đồng, tăng gần 35% về khối lượng và tăng 22,62% về giá trị so với phiên sáng 6/5. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 9,18 triệu đơn vị, giá trị hơn 390 tỷ đồng.
Chỉ số HNX-Index cũng giảm 17,53 điểm (-5,1%), xuống 325,93 điểm với 17 mã tăng (5 mã tăng trần) và 200 mã giảm (21 mã giảm sàn).
Tổng khối lượng giao dịch trên HNX đạt 42,72 triệu đơn vị, giá trị 911,37 tỷ đồng, tăng 42,6% về lượng và 28,63% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,75 triệu đơn vị, giá trị đạt 105,5 tỷ đồng.
Bước sang phiên chiều, tình hình càng "khốc liệt" hơn. Tính đến 14h30, các chỉ số chỉnh tiếp tục rớt điểm mạnh trước lực bán tháo mạnh, VN-Index bị ấn sâu, có lúc mất hơn 62 điểm và phá hàng loạt ngưỡng hỗ trợ quan trọng như 1.280 điểm, 1.270 điểm.
Gần sát giờ đóng cửa, chỉ số VN-Index phục hồi dần nhưng vẫn còn mất hơn 59,6 điểm, HNX-Index mất hơn 20 điểm. Tại thời điểm này có tới gần 290 mã giảm sàn. Thị trường hầu như chỉ có hai màu là đỏ và xanh lơ.
VN-Index chốt phiên tại sát 1.270 điểm, mất hơn 59 điểm so với tham chiếu, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất trong vòng hai tuần và trở về vùng giá thấp nhất kể từ tháng 7/2021.
Chỉ số đại diện cho sàn Hà Nội (HNX-Index) cũng mất 5,84%, tương đương 20 điểm.
Số lượng cổ phiếu giảm toàn thị trường lên đến 973 mã, trong đó có 357 mã giảm sàn. Thị trường chỉ có 120 cổ phiếu ngược dòng đi lên, nhưng biên độ tăng giá cũng không nhiều.
Thanh khoản sàn HoSE đạt 18.770 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ đồng so với cuối tuần trước.
Trong khi nhà đầu tư trong nước xả hàng ồ ạt thì khối ngoại lại tranh thủ gom vào. Nhóm này mua vào gần 1.820 tỷ đồng, tập trung ở các mã vốn hóa lớn, trong khi chỉ bán ra khoảng 1.240 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng mạnh nhất trong gần hai tuần qua của nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Phân tích, Maybank Investment Bank, nhận định, tình hình thị trường hiện tại, tâm lý nhà đầu tư rất bi quan. Với việc nhà đầu tư đang bi quan như thế, thì hiệu ứng "tuyết lăn" cứ như thế mà đi thôi.
"Phiên giao dịch hôm nay, hiện tượng force sell, bán bất chấp lại tiếp tục diễn ra một lần nữa, cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang ở mức rất yếu", ông Lâm nói.
Đặc biệt, một hiện tượng rất trái ngược, đó là thị trường từ đầu phiên chiều đến nay, thị trường thế giới cũng đang chững lại và bắt đầu ổn định lại hơn so với phiên sáng, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam lại đang giảm thêm, càng cho thấy tâm lý hoảng loạn của nhà đầu tư.
"Đứng về góc độ chuyên môn, với mức rơi của thị trường phiên hôm nay thì P/E của thị trường Việt Nam đến thời điểm hiện tại còn khoảng 12 lần, rẻ hơn đáng kể dù so với các tiêu chí nào như trung bình 5 năm hay so với các thị trường khác trong khu vực. Tuy nhiên, điều này cũng không đồng nghĩa với thị trường không thể rẻ hơn. Đây là một vấn đề rất khó đánh giá trong giai đoạn này", ông Lâm chia sẻ.
Cũng theo ông Lâm, thị trường trong giai đoạn này do tâm lý hoảng sợ của nhà đầu tư quyết định. Chừng nào tâm lý nhà đầu tư còn hoảng loạn thì áp lực bán vẫn còn.
"Chỉ dấu nào để cho thấy thị trường có thể sẽ ổn định trở lại?" – ông Lâm đặt vấn đề, và cho hay, hiện áp lực force sell một lần nữa cao hơn và có lẽ phải đợi thêm một đợt force sell lần này nữa, và đỉnh điểm có lẽ phải ngày mai nữa. Theo đó, cách testing của thị trường đến cuối giờ chiều nay và trong phiên ngày mai sẽ nói lên nhiều điều.
Thêm vào đó, mức đáy trước đó của thị trường nếu xét theo mức thấp nhất trong ngày vào khoảng 1.258 điểm. Do đó, sẽ tốt hơn nếu thị trường "cầm máu" được trên vùng này. Còn nếu bấy giờ mà "đoán" thị trường có thủng dưới vùng này hay không thì rất là khó.
"Hiện tại, tâm lý là cái quyết định thị trường chứ không phải là định giá hay bất cứ lý do gì. Do vậy, trong bối cảnh này, khi chưa có nhiều thông tin để có thể đoán được thì trường, một mặt nhà đầu tư không phải là lúc càng thêm bi quan nữa, nhưng mặt khác thì nên có sự kiên nhẫn.
Rất, rất kiên nhẫn chờ thị trường có tín hiệu cân bằng để tham gia tăng tỷ trọng, còn không thì chỉ nên giữ tỷ trọng ở mức nhỏ. Hy vọng tâm lý nhà đầu tư sớm ổn định lại thì cơ hội kiếm tiền mới rõ ràng được" – ông Lâm chia sẻ thêm.