Dòng tiền vẫn mất hút trên thị trường chứng khoán, vì sao?
Dòng tiền vẫn mất hút trên thị trường chứng khoán, vì sao?
Quốc Hải
Thứ năm, ngày 05/05/2022 15:50 PM (GMT+7)
Tổng giá trị và khối lượng giao dịch cổ phiếu trong tháng 4 lần lượt đạt khoảng 442.359 tỷ đồng và 13,67 tỷ cổ phiếu, giảm lần lượt 27,19% về giá trị và 26,31% về khối lượng so với tháng trước…
Số liệu thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 4/2022, chỉ số VN Index đạt 1.366,8 điểm, giảm 8,4% so với tháng 3, tương ứng giảm 8,78% so với cuối năm 2021; riêng VN30 đạt 1417,31 điểm, giảm 6,05% so với tháng trước, tương ứng giảm 7,71% so với cuối năm 2021.
Cùng với đà giảm của chỉ số chính, các chỉ số ngành cũng ghi nhận điều chỉnh giảm, trong đó các nhóm ngành giảm nhiều nhất bao gồm: Ngành năng lượng (VNENE) giảm 20,44%, ngành công nghiệp (VNIND) giảm 17,01% và ngành bất động sản (VNREAL) giảm 9,62% so với tháng trước.
Thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng 4 ghi nhận giá trị và khối lượng giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt trên 22.117 tỷ đồng và 683,68 triệu cổ phiếu, giảm lần lượt 16,27% về giá trị và 15,26% về khối lượng so với tháng 3.
Tổng giá trị và khối lượng giao dịch cổ phiếu trong tháng lần lượt đạt khoảng 442.359 tỷ đồng và 13,67 tỷ cổ phiếu, giảm lần lượt 27,19% về giá trị và 26,31% về khối lượng so với tháng trước.
Cũng như những phiên giao dịch trước kỳ nghỉ lễ, phiên giao dịch ngày 4/5 diễn ra khá buồn tẻ với sự thanh khoản khá yếu, tổng giá trị giao dịch trên sàn HoSE trong phiên chưa tới 14.500 tỷ đồng.
Bước sang phiên giao dịch hôm nay, dòng tiền vẫn tiếp tục "mất hút" trên thị trường. Gần 1 giờ sau khi mở phiên giao dịch sáng 5/5, tổng giá trị giao dịch toàn thị trường chỉ đạt hơn 3.000 tỷ đồng.
Đóng cửa phiên giao dịch, tổng giá trị giao dịch trên sàn HoSE trong phiên chỉ đạt 15.361 tỷ đồng.
"Về giao dịch cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài, tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng đạt trên 67.088 tỷ đồng, chiếm 7,58% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường.
Trong đó, giá trị mua ròng của khối ngoại trong tháng đạt giá trị trên 3.510 tỷ đồng"
Nguồn: HoSE
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, nhận định, có hai nguyên do khiến thị trường thanh khoản yếu.
Thứ nhất, thị trường hiện chưa có mấy thông tin tích cực đề thu hút nhà đầu tư, tạo ấn tượng để nhà đầu tư giải ngân mạnh vào thị trường.
Thứ hai, nhà đầu tư mới vừa vượt qua một cơn "bạo bệnh", nghĩa là số đông nhà đầu tư đều thua lỗ, chỉ ít nhà đầu tư là không có lời, lỗ nhẹ, còn đa phần là lỗ khá nặng. Cho nên đợt sóng giảm vừa qua đã làm cho số đông nhà đầu tư cảm thấy e ngại, lo lắng và chưa có thông tin gì khiến họ bình tâm để quay lại thị trường một cách mạnh mẽ. Đó là lý do khiến lực cầu nhiều phiên gần đây rất yếu.
Về phía nguồn cung, tới vùng giá hiện nay thì cũng không mấy nhà đầu tư muốn bán nữa. Tại vì nếu những nhà đầu tư còn "ôm" nhiều cổ phiếu thì ở vùng giá hiện nay có lẽ họ cũng đang lỗ là chính, hoặc là mới bắt đáy trong một vài phiên gần đây. Với những nhà đầu tư mới bắt đáy thì vài phiên xập xình gần đây thì gần như họ cũng không có lời hoặc lời rất ít, hoặc họ sẽ quan điểm đây là vùng giá tốt để mua đầu tư cho trung và dài hạn để kỳ vọng một mức lời tốt hơn.
"Nói chung hiện nay thị trường về phía cung cũng là bị "tiết cung", nghĩa là người bán cũng không có nhu cầu bán nhiều, dẫn đến cung cầu không gặp được nhau, không nhiệt tình giao dịch thì thanh khoản sụt giảm là điều dễ hiểu", ông Phương nhận định.
Tính đến hết ngày 29/4/2022, trên HoSE có 47 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỷ USD, trong đó, 3 doanh nghiệp có vốn hóa trên 10 tỷ USD, là: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB), Tập đoàn Vingroup (VIC), và Công ty CP Vinhomes (VHM).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.