Dân Việt

Không có thương mại điện tử, nền kinh tế khó phục hồi nhanh như kỳ vọng

Hồng Phúc 10/05/2022 14:22 GMT+7
Đại diện từ NielsenIQ Việt Nam cho rằng không có kênh bán lẻ nào cạnh tranh kịp và đi nhanh hơn thương mại điện tử. 2 năm qua không có thương mại điện tử thì các chuyển biến tích cực cũng như nền kinh tế khó phục hồi nhanh như kỳ vọng.

Thương mại điện tử sẽ tiếp tục bùng nổ

Các chuyên gia và đại diện từ các sàn thương mại điện tử đều khẳng định kênh thương mại điện tử sẽ tiếp tục phát triển và bùng nổ hậu Covid-19, tại Diễn đàn Thương mại điện tử Việt Nam 2022 tổ chức ngày 10/5 tại TP.HCM.

Diễn đàn Thương mại điện tử Việt Nam 2022 có chủ đề "Thương mại điện tử thúc đẩy kinh tế sau đại dịch", thu hút hơn 1.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cũng như đại diện Sở Công Thương các tỉnh phía Nam, sinh viên các trường đại học tham gia.

Không có kênh bán lẻ nào cạnh tranh kịp và đi nhanh hơn thương mại điện tử - Ảnh 1.

Chuyên gia, đại diện từ các sàn thương mại điện tử chia sẻ tại Diễn đàn Thương mại điện tử Việt Nam 2022. Ảnh: VECOM

Bà Phạm Thị Quỳnh Trang - Giám đốc Thương mại Lazada Việt Nam, khẳng định sau thời gian mua hàng online được nhắc đến rất nhiều do ảnh hưởng của dịch bệnh thì hiện nhu cầu này vẫn rất mạnh mẽ, thậm chí tăng trưởng hơn nữa.

Những yếu tố để thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng và góp phần phục hồi kinh tế là thị trường còn nhiều dư địa phát triển tiềm năng. 

"Các doanh nghiệp đang ngày càng coi trọng, đầu tư nhiều vào việc chuyển đổi số và kinh doanh trên thương mại điện tử. Ngoài ra, tầm nhìn phát triển bền vững của các doanh nghiệp thương mại điện tử cũng hỗ trợ cho ngành", bà Trang nhấn mạnh.

Chẳng hạn, sàn này ghi nhận số lượng khách hàng, đơn hàng và nhà bán hàng trên toàn sàn trong hai ngày đầu tiên của lễ hội mua sắm dịp Tết 2022 tăng gấp 2 lần so với lễ hội mua sắm dịp Tết 2021. Doanh thu LazMall trong lễ hội mua sắm mừng sinh nhật vừa tổ chức hồi cuối tháng 3/2022 tăng gấp 18 lần so với ngày thường.

Đại diện VNPost cũng cho rằng thương mại điện tử vốn là xu thế của tương lai và dịch Covid-19 thực sự là chất xúc tác để quá trình này dịch chuyển mạnh mẽ hơn. 

Theo vị này, dịch Covid-19 cũng là lúc xảy ra các cuộc thanh lọc trên thị trường. Đây cũng là cơ hội dành cho những tay chơi mới, nếu thực sự nắm bắt tốt được thời cơ cũng như đầu tư bài bản, nghiêm túc.

Không có kênh bán lẻ nào cạnh tranh kịp và đi nhanh hơn thương mại điện tử - Ảnh 2.

Cảnh các sàn thương mại điện tử giao hàng tấp nập trước các tòa nhà văn phòng tại TP.HCM. Ảnh: Hồng Phúc

Tăng trưởng vượt bậc so với kênh bán lẻ truyền thống 

Ông Nguyễn Tấn Vương - đại diện NielsenIQ Việt Nam, cho biết kết quả nghiên cứu thị trường trên phạm vi toàn cầu cho thấy, tổng tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh chỉ khoảng 3,5% nhưng riêng tăng trưởng của ngành hàng này trên kênh thương mại điện tử trong quý lại tăng gấp 4-5 lần, với mức tăng trưởng lên đến 14,5% so với cùng kỳ.

Theo ông Vương, kênh mua sắm qua thương mại điện tử tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với kênh bán lẻ siêu thị, đại siêu thị. Tại Việt Nam, đợt Tết vừa qua, hầu hết các ngành hàng tiêu dùng nhanh đều có thể cảm nhận rõ rệt khi sức mua, doanh thu phục hồi sau ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.

"Trong thời gian dịch bệnh, từ khóa xuyên suốt được nhắc đến là sự thích ứng nhanh nhạy. Không có kênh bán lẻ nào cạnh tranh kịp và đi nhanh hơn thương mại điện tử. Hai năm qua không có thương mại điện tử thì các sự chuyển biến tích cực cũng như nền kinh tế khó phục hồi nhanh như kỳ vọng", ông Vương nhấn mạnh.

Qua khảo sát của Nielsen, ông Vương cũng cho biết hiện người tiêu dùng có xu hướng quan tâm sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Các sản phẩm ngành sữa, vệ sinh cá nhân, mẹ và bé sẽ còn tiếp tục tăng trưởng trên thương mại điện tử.

"Nhiều nhóm ngành hàng sẽ phát triển tốt trên kênh thương mại điện tử nhưng không phải ngành nào cũng bán tốt. Tỷ trọng đóng góp có thể chưa như kỳ vọng và bán hàng đa kênh sẽ là cứu cánh cho những ngành hàng chưa phù hợp", ông Vương nói thêm.