Ngành bán lẻ TP.HCM phục hồi, siêu thị chen chân không lọt

Hồng Phúc Thứ hai, ngày 09/05/2022 14:47 PM (GMT+7)
Ngành bán lẻ, tiêu dùng tại TP.HCM đang phục hồi. Nhiều siêu thị sức mua đã tăng trở lại, khách mua sắm "chen chân không lọt".
Bình luận 0

Siêu thị đông khách trở lại

Cuối tuần, siêu thị Emart (quận Gò Vấp) tấp nập người. Không chỉ thực phẩm tươi sống, nhiều ngành hàng như thực phẩm chế biến, thực phẩm công nghệ, hàng gia dụng, quần áo cũng rất nhộn nhịp. 

Khách đông đến mức nhiều khu vực khó chen chân, xe đẩy kín lối đi. Tại khu vực thanh toán, tất cả hơn chục quầy thu ngân đều tíc cực hoạt động nhưng khách phải xếp thành hàng dài.

Ngành bán lẻ TP.HCM phục hồi, siêu thị chen chân không lọt - Ảnh 1.

Khách xếp hàng dài chờ thanh toán tại siêu thị Emart (quận Gò Vấp) chiều 8/5. Ảnh: Hồng Phúc

Nhiều người cho biết các ngày trong tuần, siêu thị này cũng đã rất đông. Nếu đi mua sắm vào buổi tối, vẫn phải xếp hàng dài chờ tính tiền.

"Khoảng nửa tháng nay, tôi đi siêu thị này giữa tuần hay cuối tuần thì đều đông. Siêu thị đang có nhiều sản phẩm khuyến mãi, giảm giá nên đông khách. Ai cũng mua nhiều thực phẩm và hàng hóa nên tính tiền hơi lâu. Nhìn xe đẩy kìa là biết, ít nhất cũng phải gần cả triệu", bà Thúy Bình (ngụ quận Gò Vấp) nói.

Siêu thị Aeon Tân Phú (quận Tân Phú) những ngày qua cũng nhộn nhịp khách. Sức mua tăng ở nhiều ngành hàng, không chỉ tập trung vào nhóm hàng thực phẩm như trước. Giá trị của giỏ hàng cũng trở nên cao hơn so với trước đây.

Bà Huỳnh Thị Kim Thanh - Giám đốc Trung tâm Bách hóa tổng hợp và Siêu thị Aeon Tân Phú đánh giá: "Nhìn chung trong tháng 4, lượng khách hàng tới siêu thị của chúng tôi đã đạt mức tương đương với giai đoạn trước khi bùng phát dịch". Sức mua trong các đợt nghỉ lễ dài ngày vừa qua cao hơn giai đoạn cuối tuần.

Ngành bán lẻ TP.HCM phục hồi, siêu thị chen chân không lọt - Ảnh 3.

Sức mua tại siêu thị đã phục hồi, Aeon đánh giá lượng khách hàng tới siêu thị đã đạt mức tương đương với giai đoạn trước khi bùng phát dịch. Ảnh: Hồng Phúc

Ghi nhận tại nhiều hệ thống siêu thị như Co.opmart, Big C, Lotte Mart… và các mô hình bán lẻ khác như Bách Hóa Xanh, Kingfood Mart, khách hàng mua sắm cũng khá đông. 

Trong khi đó, sức mua tại các chợ truyền thống đang dần phục hồi. Dù chưa thể bằng so với trước dịch Covid-19 nhưng theo các tiểu thương, đây là một tín hiệu vui để họ ra chợ mỗi ngày. Hiện số lượng tiểu thương ra chợ cũng đã nhiều hơn so với cách đây 1-2 tháng.

Ngành bán lẻ TP.HCM thu gần 220.000 tỷ 4 tháng đầu năm

Theo số liệu từ Cục Thống kê TP.HCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4/2022 ước đạt 95.612 tỷ đồng, tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 6,2% so với cùng kỳ. 

Trong tháng 4, hoạt động thương mại dịch vụ tại TP.HCM duy trì ổn định, nối tiếp đà phục hồi từ những tháng trước. Các đơn vị kinh doanh trên địa bàn đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi, kích cầu mua sắm, phục vụ người dân, nhất là các dịp lễ lớn.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 218.184 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ. Sức mua trong dân cư đã phục hồi, các đơn vị kinh doanh đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng các kênh bán hàng cả truyền thống và phương tiện điện tử, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Ngành bán lẻ TP.HCM phục hồi, siêu thị chen chân không lọt - Ảnh 4.

Khách hàng mua sắm tại siêu thị TP.HCM khá đông, một số nơi cuối tuần là chen chân không lọt. Ảnh: Hồng Phúc

Ước tính 4 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tại TP.HCM đạt 360.002 tỷ đồng, giảm 1,7% so với cùng kỳ. Cục Thống kê TP.HCM đánh giá mức giảm lũy kế qua các tháng đang hẹp dần và tiến đến mức kỳ vọng tăng trưởng dương khi tình hình dịch tại Việt Nam, cũng như Thành phố đã ổn định, các chính sách mở cửa sau dịch, bình ổn giá phát huy được hiệu quả.

Theo đánh giá của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai, một số lĩnh vực kinh tế đã có dấu hiệu khởi sắc, tăng tốc và phục hồi mạnh mẽ so với những tháng trước và so với cùng kỳ. Kinh tế TP.HCM tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ, tạo tâm lý và sự tin tưởng cho người dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết thêm, để hỗ trợ doanh nghiệp, Thành phố đang tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ khôi phục sản xuất, chuẩn bị nguồn hàng và đảm bảo lưu thông hàng hóa như tăng cường đối thoại doanh nghiệp, đẩy mạnh kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, thúc đẩy kết nối cung cầu, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ phát triển thị trường tiêu thụ hàng hóa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem