Dù công việc khá bận rộn, lại thêm việc chăm sóc 2 con nhưng từ 2 tháng nay chị Nguyễn Lan Anh (Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng đã bắt tay vào học nghề sơn móng tay.
Vốn làm nghề bán ô tô, 2 năm rồi chị ở nhà sinh con, chăm con giờ mới bắt đầu quay lại làm việc nhưng khá khó khăn vì lượng khách giảm sút.
Chị Lan Anh quyết định học thêm nghề tay trái là nghề sơn móng để làm thêm khi tối về.
"Một phần là yêu thích, nhưng phần khác là vì muốn gia tăng thu nhập nên em đi học làm móng. Nếu thành nghề, một bộ móng trừ chi phí cũng kiếm được 100.000-150.000 đồng. Một giờ có thể làm được từ 1-2 bộ tùy độ phức tạp", Lan Anh nói.
So với một số công việc khác, chị Lan Anh thấy rằng đây là công việc thú vị, thời gian học nghề ngắn, học phí thấp chỉ 10 triệu đồng/1 khóa. Chị Lan Anh đánh giá, nghề chăm sóc sắc đẹp có xu hướng phát triển do nhu cầu chăm sóc, sắc đẹp tăng cao. Bên cạnh đó, nơi chị ở là chung cư, khá động dân cư nên chị có thể tranh thủ làm nghề vào bất kỳ thời gian nào, kể cả buổi tối. Từ những lý do đó, chị quyết định đi học và sẽ xem đây như nghề tay trái để gia tăng thu nhập.
Theo chị Lan Anh, công việc làm móng đòi hỏi người làm cần tỉ mỉ, biết quan sát đồng thời phải có chút năng khiếu nghệ thuật.
"Những ngày đầu mới học, mọi thứ khá gian nan. Loay hoay mãi, mất đến 2 tiếng mới làm xong 1 bộ, làm xong rồi thì thấy rất vui vì thành quả khá ưng ý và đáng yêu", Lan Anh nói.
Càng vui hơn, vì tuy là nghề tay trái, mỗi ngày làm 1-2 tiếng nhưng mỗi tháng chị cũng có thêm 6-7 triệu đồng để chi tiêu thêm cho bản thân và lo cho gia đình.
Không dừng lại ở công việc tay trái, nhiều lao động trẻ chọn nghề nail này làm nghề chính để lập nghiệp. Nghề giản đơn, tưởng rằng thu nhập thấp nhưng nói ra khiến nhiều người phải thèm muốn.
Nguyễn Thị Tuyết, 21 tuổi đã trở thành một thợ nail "cứng cựa". Sau 3 năm học đi làm thuê nâng tay nghề đến nay cô gái trẻ xuất thân từ Thanh Hóa đã mở cho mình một cửa tiệm làm nail nhỏ xinh chăm sóc sắc đẹp cho chị em.
Không riêng ở Việt Nam, nghề làm nail cũng rất thịnh hành ở các quốc gia phát triển. Theo tính toán, một thợ làm nail ở Mỹ có thể nhận mức lương từ 3.000 - 4.000 USD/tháng (khoảng 70-90 triệu đồng/tháng), còn ở Séc hay các quốc gia khác, mức thu nhập có thể vào khoảng 2.500-3.000 USD/tháng (Khoảng 60 - 70 triệu đồng/tháng). Thời gian làm việc của lao động làm nail ở các quốc gia phát triển cũng ngắn hơn. Thường lao động chỉ làm 8 -10 tiếng/1 ngày và tuần làm 6 ngày.
Rất đông lao động làm nail ở Mỹ, Anh hay các quốc gia châu Âu là lao động Việt Nam.
Tuy cửa hàng của Tuyết chưa đầy 30m2 trên đường không sầm uất của Hà Nội nhưng doanh thu mỗi tháng cửa tiệm này mang lại lại không hề bé. Tuyết dè dặt chia sẻ: "Giờ mỗi tháng cửa hàng mang lại cho mình khoản thu khoảng 30-40 triệu đồng. Mình thuê thêm 1 thợ làm cùng. Ngoài làm ở ở tiệm, mình còn nhận làm cho khách tại nhà có phụ phí thêm tiền đi lại".
Tính chung nếu là thợ chính, có tay nghề cứng, ngày làm liên tục từ 8-12 giờ thì thu nhập của lao động làm nail có thể đạt từ 20-30 triệu đồng/tháng.
Không chỉ riêng Tuyết nhiều cô gái cũng lựa chọn nghề nail - nghề làm móng làm nghề lập thân, lập nghiệp.
Lê Thanh Tâm, sinh năm 1995 sống ở Nghệ An tự cũng là một cô gái như vậy. Từ nhỏ Tâm đã thích hội họa và thích vẽ lên móng tay. Lớn dần cô không chọn vào đại học mà chọn đi học nghề nail. Sau 1 năm ra nghề, cô đi làm ở khắp các cửa hàng nail để có thêm kinh nghiệm. Lúc còn làm thuê, với tay nghề cứng, Tâm nhận mức lương 8 triệu đồng/tháng chưa kể tiền nếu doanh số vượt mức. Mức lương 8 triệu đồng cho một cô gái 18 tuổi, mới học nghề xong được 1-2 năm vào thời điểm năm 2006 là mức lương cao, thậm chí còn cao hơn cả lương của sinh viên đại học.
"Thủa mới vào nghề khổ lắm, phải tiết kiệm từng đồng để mua đồ làm, rồi vay mượn bố mẹ bạn bè khắp nơi để mở cửa hàng riêng. Thế rồi mọi thứ cũng ổn", chị Tâm kể.
Cũng theo chị Tâm, công việc làm móng không phải lúc nào cũng màu hồng. Có ngày quán đông khách, chị và nhân viên phải làm mờ mắt. Ngồi miết từ sáng tới chiều đau cọm lưng, hoặc có khi 8-9 giờ tối vẫn phải phi xe đến nhà khách làm móng theo lịch hẹn. Đó là chưa kể công việc thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất, thuốc tẩy móng, sơn móng… người làm nghề nếu không đeo khẩu trang hoặc đi găng tay rất dễ mắc bệnh nghề nghiệp.
Hiện nay cửa tiệm làm nail và chăm sóc sắc đẹp (chuyên chăm sóc da) của Tâm là cửa tiệm lớn ở Nghệ An. Tổng thu của cửa hàng khoảng 70-80 triệu đồng. Cá biệt có tháng có thể nhận về cả 100 triệu đồng (chưa trừ chi phí).
Cô dự định sẽ học nâng cao tay nghề và mở lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho các bạn trẻ có cùng đam mê.