Tại buổi giám sát, HĐND TP cho biết, về cơ chế, chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt thực hiện còn chậm.
Cụ thể, ghi nhận đến thời điểm giám sát, thành phố đã phê duyệt kết quả thu hút 5 chuyên gia, nhà khoa học làm việc tại Ban Quản lý Khu Công nghệ cao. Trong đó, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao đã ký hợp đồng làm việc với 1 chuyên gia.
Đối với 4 chuyên gia còn lại vẫn chưa thể ký hợp đồng làm việc do đang sinh sống tại nước ngoài, chưa sang Việt Nam làm việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trước đó, trong buổi họp báo chiều 28/4, Phó giám đốc Sở Nội vụ Lâm Hùng Tấn cho biết, kể từ năm 2019, thành phố triển khai chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học với 14 vị trí nhằm tạo động lực mới trong phát triển các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, công nghệ cao trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
Ngoài ra, tháng 2/2021, thành phố cũng triển khai việc thu hút, tuyển chọn người có tài năng đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và thể dục thể thao với 6 vị trí tuyển chọn.
Sau 3 năm, TP đã thu hút được 5 người, phân công về làm việc tại Ban quản lý Khu Công nghệ cao. Còn về tài năng đặc biệt cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và thể dục thể thao thì chưa tuyển được.
Theo ông Tấn, do tác động của đại dịch Covid-19, số lượng nhân sự đăng ký chưa nhiều nên số lượng chuyên gia thu hút được trong thời gian qua còn ít.
Ngoài ra, ông Nguyễn Trần Phú, Phó Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, cho biết một số nội dung triển khai Nghị quyết 54 còn chậm so với kế hoạch dự kiến.
Có nhiều nguyên nhân như có ý kiến khác nhau giữa các bộ, ngành; một số vấn đề mới, phức tạp, có tác động lớn, lâu dài, khi triển khai cụ thể cần nghiên cứu kỹ trước khi xem xét, quyết định….
Theo TP.HCM, cơ chế tài chính chưa được phát huy như mong đợi. TP chưa có đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư hạ tầng ngày càng gia tăng. Hơn bốn năm qua, không phát sinh khoản thu tiền sử dụng đất khi bán các tài sản công của các đơn vị Trung ương ở TP.
Do đó, TP chưa được hưởng 50% khoản tiền này đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của TP, do các cơ quan, đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp thuộc Trung ương chưa thực hiện các thủ tục bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy hoạch.
Công tác hậu kiểm và phối hợp rà soát việc thực hiện phương án sắp xếp lại và xử lý các nhà đất do các cơ quan, đơn vị thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn TP chưa đảm bảo theo tiến độ…
Tại buổi giám sát, UBND TP.HCM đã kiến nghị Quốc hội tiếp tục giữ ổn định tỷ lệ điều tiết 21% cho giai đoạn 2023 - 2025 như năm 2022. Từ đó, tạo điều kiện cho TP có nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, tập trung cho các nhiệm vụ đột phá chiến lược, ưu tiên cho đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là các dự án trọng điểm.
Cũng trong lĩnh vực tài chính – ngân sách, TP.HCM kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét khi giao kế hoạch vay hàng năm cho TP thì cho phép TP được chủ động điều chuyển nguồn vay trong nước và nguồn vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ trong quá trình điều hành, đảm bảo trong tổng mức vay và mức bội chi ngân sách địa phương được giao.
TP.HCM cũng đề xuất Quốc hội bổ sung vào Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 một chương về cơ chế đặc thù phát triển TP.Thủ Đức.