Nỗ lực từ ngày đầu thành lập
Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975), cùng với cả nước, quân dân Đồng bằng sông Cửu Long tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh và bắt tay thực hiện mục tiêu: "Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội".
Tuy nhiên, chỉ hai năm sau, bọn phản động Pôn Pốt - Iêng Xari được sự hậu thuẫn của các thế lực thù địch đã nổ súng xâm lược biên giới Tây Nam, gây nhiều tội ác dã man đối với đồng bào ở các tỉnh biên giới. Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, ngày 30/4/1977, Bộ tư lệnh Quân khu 9 quyết định sáp nhập Bệnh viện 12 và K20 thành Viện Quân y 120, đứng chân tại thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang). Cùng với việc củng cố nơi ăn, ở, xây dựng đơn vị, Viện Quân y 120 nhanh chóng tổ chức, triển khai thành lập các Đội điều trị cơ động theo các đơn vị làm nhiệm vụ chiến đấu trên tuyến biên giới Tây Nam.
Nhớ về những ngày đó, đồng chí Phạm Minh Hoàng, nguyên cán bộ Bệnh viện Quân y 120 nói: "Tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng cán bộ, nhân viên đã phát huy truyền thống của Quân y Quân khu 8 và Quân khu 9 trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thực hiện tốt nhiệm vụ thu dung điều trị. Viện Quân y 120 phải tận dụng nhà kho, căng mùng làm phòng mổ dã chiến, chất lên mái tôn nhiều tầng, nhiều lớp "chất bổi" để chống bức xạ nhiệt, chống nóng, bảo vệ kho dược liệu, dụng cụ y tế".
Ngày 9/5/1977, Bộ tư lệnh Quân khu 9 quyết định mở đợt tiến công tổng hợp đánh địch trên toàn tuyến biên giới tỉnh An Giang. Theo sự chỉ đạo, Bệnh viện Quân y 120 cùng với Bệnh viện Quân y 121, mỗi đơn vị thành lập một đội phẫu thuật có nhiệm vụ phục vụ LLVT Quân khu đánh địch xâm chiếm biên giới. Với phương châm: "Nhà dân là trại bệnh, xuồng dân là phòng mổ, hầm bí mật là chỗ nương thân, hộ lý nấu ăn nhờ dân phần lớn", Đội phẫu thuật cơ động đã xử lý sơ cứu vết thương ban đầu luôn bảo đảm an toàn. Thời gian này, Đội phẫu thuật còn phối hợp chặt chẽ với quân y các đơn vị thực hiện tốt việc phòng dịch, hướng dẫn chăm sóc nâng cao sức khỏe cho bộ đội.
Chiến tranh biên giới Tây Nam diễn ra ngày càng ác liệt, thương binh dồn về Đội phẫu thuật phía trước có lúc quá tải. Trước tình hình đó, Bộ tư lệnh Quân khu 9 quyết định sáp nhập Đội Phẫu thuật Bệnh viện Quân y 120 và Bệnh viện Quân y 121, bổ sung thêm lực lượng và trang bị, nâng cấp thành Đội điều trị với quy mô 100 giường bệnh. Sau đó, Đội Điều trị được tách ra thành Đội Điều trị 1 và Đội Điều trị 2. Đội Điều trị 1 đóng tại huyện Châu Phú (An Giang ngày nay) do bác sĩ Trần Văn Tuấn (Năm Tuấn) của Bệnh viện Quân y 120 làm Đội trưởng; đồng chí Bùi Ngọc Em làm Chính trị viên.
Ngày 23/12/1978, đáp lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia, LLVT Quân khu 9 tổ chức phản công, tiêu diệt bọn Pôn Pốt Iêng Xari, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Ông Vũ Viết Điến, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 120, kể lại: "Hoạt động trên địa bàn Campuchia, các Đội Điều trị gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong các chiến dịch mùa khô 1983-1984, 1984-1985; lúc cao điểm có 800-1.000 thương binh, bệnh binh…
Tuy nhiên, trong bất cứ hoàn cảnh, điều kiện nào, các Đội Điều trị vẫn kịp thời tiếp nhận, cứu chữa cho thương binh, bệnh binh; đồng thời mở được nhiều khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho lực lượng y tá, y sĩ của bạn. Qua đó giúp cho lực lượng quân y của các đơn vị bạn không ngừng lớn mạnh, góp phần cùng LLVT Quân khu 9 chiến đấu, chiến thắng kẻ thù, hoàn thành nhiệm vụ quốc tế vẻ vang. Với những thành tích xuất sắc đó, ngày 25/1/1983, Đội Điều trị 1 vinh dự được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Sau 10 năm vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, ngày 25/9/1989, cùng với các đơn vị, cán bộ, y bác sĩ của Đội Điều trị Bệnh viện Quân y 120 tạm biệt đất nước Chùa Tháp trở về Tổ quốc, hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Đại tá Phan Hồng Phúc, Giám đốc Bệnh viện Quân y 120 cho biết, bằng nguồn vốn tự có và trên cấp, cùng với việc nâng cấp, xây dựng nhà cửa khang trang, cảnh quang môi trường xanh, sạch, đẹp, thời gian qua, bệnh viện đã trang bị nhiều phương tiện kỹ thuật điều trị công nghệ cao như: Máy CT-scanner; máy siêu âm 3 chiều, 4 chiều; máy X-quang cao tần 500; máy xét nghiệm sinh hóa 1.800 test/giờ; máy mổ Pha cô; máy điện tim 6 kênh ECG-1250K; máy lọc máu ngoài thận; máy đo loãng xương…
Nhờ vậy, bệnh viện có thể thực hiện được hầu hết các xét nghiệm phức tạp, thuận lợi cho người bệnh tiếp cận với những dịch vụ kỹ thuật cao, không phải chuyển lên tuyến trên, cũng như nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị của đội ngũ thầy thuốc, y bác sĩ, nhân viên y tế.
Cùng với đó, Bệnh viện Quân y 120 còn đột phá trong công tác cải cách thủ tục khám, chữa bệnh ngay từ khoa khám bệnh. "Các hoạt động như: Lấy số thứ tự khám, xét nghiệm, quy tình khám, chữa bệnh, thủ tục ra viện, thanh toán viện phí được đơn giản hóa; hệ thống công nghệ thông tin phòng khám được cập nhật, bảo đảm kết nối mạng giữa Phòng khám-cận lâm sàng-viện phí-dược một cách liên thông, đạt hiệu quả cao.
Để tạo thuận lợi cho người bệnh, chúng tôi bố trí các phòng khám liên hoàn theo hệ thống khép kín, tăng cường bác sĩ cho phòng khám, thực hiện hiệu quả mô hình "Tổ hướng dẫn và tư vấn sức khỏe", nhằm đáp ứng mọi nhu cầu của người bệnh. Hằng năm, số bệnh nhân đến khám, điều trị tại bệnh viện tăng 15%, tỷ lệ sử dụng giường bệnh hơn 300%, tỷ lệ khỏi bệnh đạt hơn 92%", Thượng tá, Bác sĩ CKII, Lê Huỳnh Giáp Hổ, Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 120 chia sẻ.
Ngoài việc khám, chữa bệnh thông thường, Bệnh viện Quân y 120 còn tăng cường điều trị theo phương pháp mới, kỹ thuật cao; trong đó, một số kỹ thuật tiên tiến như: Điều trị đột quỵ bằng thuốc tiêu sợi huyết; tán sỏi niệu quản ngược dòng; cắt u xơ tiền liệt tuyến; cắt túi mật, buồng trứng bằng nội soi; đóng định kỳ tủy xương chày bằng đinh Sign qua C-arm; phẫu thuật nội soi khớp gối; nội soi tuyến giáp… Việc tăng cường điều trị theo phương pháp mới, kỹ thuật cao đã đáp ứng được yêu cầu khám và điều trị cho người bệnh, thể hiện khát vọng vươn lên của những thầy thuốc mặc áo lính.
Đại tá, Bác sĩ Chuyên khoa II Lê Mạnh Cường, Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 120 cho biết thêm: "Song song với giáo dục, rèn luyện về y đức, bệnh viện luôn coi trọng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ thầy thuốc. Với quan điểm phát triển y tế vừa đa khoa vừa chuyên sâu, phục vụ theo yêu cầu của người bệnh, chúng tôi đã cử nhiều y bác sĩ đi học tập, bồi dưỡng tại các trung tâm y khoa lớn, các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội. Từ đó, trình độ đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện ngày một nâng lên, hầu hết đã đảm nhiệm được tất cả các các phẫu thuật phức tạp, yêu cầu kỹ thuật cao".
Theo Trung tá Trung tá Nguyễn Tấn Đạt, Chủ nhiệm Chính trị Bệnh viện Quân y 120, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Lương y như từ mẫu, thầy thuốc như mẹ hiền", 12 điều y đức của Bộ Y tế, bệnh viện đã có nhiều chủ trương, giải pháp nêu cao tinh thần phục vụ, phương châm "Đến tiếp đón niềm nở, ở chăm sóc tận tình, về dặn dò chu đáo" trở thành thói quen hằng ngày của mỗi cán bộ thầy thuốc, nhân viên y tế. Đã xuất hiện nhiều phong trào, cá nhân, tập thể tiêu biểu. Đơn cử như phong trào "Giọt máu nghĩa tình", không chỉ kịp thời cứu sống cho những bệnh nhân cần tiếp máu, phong trào còn giáo dục cho các thế hệ nêu cao tinh thần "tương thân tương ái", củng cố lòng tin giữa bộ đội và nhân dân.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, 46 tuổi, xã Tân Hiệp, huyện Châu Thành (Tiền Giang), nhớ lại: "Khi chuyển vào viện, tôi trong tình trạng trụy tim mạch do vỡ khố thai ngoài tử cung gây chảy máu cấp cần phẫu thuật cấp cứu, đồng thời phải bồi phụ lại lượng máu mất mới đảm bảo khả năng thành công. Ngay lập tức, tôi được truyền máu. Chỉ chưa đầy 10 phút từ lúc lấy máu và truyền máu, ca mổ của tôi đã thành công. Bác sĩ đã sinh ra tôi lần thứ hai. Ơn này suốt đời tôi không bao giờ quên".
Thấm nhuần đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", cán bộ thầy thuốc, nhân viên y tế của Bệnh viện Quân y 120 luôn có mặt kịp thời ở những vùng khó khăn, giúp đỡ nhân dân trên địa bàn phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh. Hằng năm, vào các ngày lễ, Tết, bệnh viện tổ chức nhiều đoàn công tác về vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến để thăm khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hằng nghìn lượt người dân, nhất là các đối tượng chính sách, hộ nghèo.
Ngoài ra, bệnh viện còn duy trì hiệu quả cuộc vận động: "Xây dựng môi trường văn hóa xanh, sạch, đẹp" gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trên địa bàn đóng quân; quan hệ chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác dân vận, tham gia có hiệu quả các chương trình "Xóa đói giảm nghèo", phong trào "Xây dựng nông thôn mới"... các hoạt động đã góp phần xây dựng tình đoàn kết quân dân thêm gắn kết, bền chặt.
Ngày 16/7/2021, khi đại dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát, được sự chỉ đạo của Bộ tư lệnh Quân khu 9, Bệnh viện Quân y 120 đã kích hoạt Bệnh viện Dã chiến truyền nhiễm số 6 trên địa bàn xã Bình Đức, huyện Châu Thành (Tiền Giang).
Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", đội ngũ thầy thuốc, y bác sĩ, nhân viên y tế đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, vì nhân dân phục vụ, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công. Qua hơn nửa năm hoạt động, Bệnh viện Dã chiến truyền nhiễm số 6 đã tiếp nhận, điều trị 1.571 ca khỏi bệnh; đặc biệt điều trị thành công 150 ca nặng phải thở ô xy; chuyển viện 93 ca nặng và nguy kịch an toàn đến Bệnh viện Dã chiến số 2 và Trung tâm Hồi sức cấp cứu tỉnh Tiền Giang.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục y đức, nâng cao nhận thức về nhiệm vụ cao quý và ý thức, trách nhiệm cho đội ngũ thầy thuốc và cán bộ, nhân viên y tế. Qua đó, góp phần xây dựng đội ngũ thầy thuốc có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp trong sáng, trách nhiệm cao; không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh", Thượng tá Võ Minh Thảo, Chính ủy Bệnh viện Quân y 120 khẳng định.
* Bài có sự biên tập về title