Kết nối các thông tin để hình dung về anh-người đang tiếp nối hành trình các thế hệ đi trước, góp phần thắp sáng niềm tin, đánh thức "Đất với rừng Yên Bái bao la/ Tiềm năng lớn ngàn năm xưa để lại" đi tới mục tiêu xây dựng vùng đất nơi cửa ngõ Tây Bắc này phát triển nhanh, bền vững theo hướng "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc"...
Bám bản, an dân trong lúc nguy nan
Chúng tôi đến huyện Văn Chấn và được nghe nhiều câu chuyện về trận mưa lũ lịch sử gần 4 năm trước. Trong đó, hiện lên rõ nét hình ảnh đồng chí Đỗ Đức Duy, khi ấy đang là Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái xông xáo, xuyên rừng, vượt núi đến với dân trong lúc nguy nan. Đồng chí Mai Mộng Tuân, Bí thư Huyện ủy Văn Chấn nhớ lại: "Trận mưa lũ kinh hoàng năm ấy đã làm 8 người chết, 500 ngôi nhà bị hỏng, 300 gia đình phải di chuyển. Mưa lũ diễn ra trong đêm.
Lúc đó, tôi trên cương vị Chủ tịch UBND huyện cùng anh Chu Đình Ngữ, Bí thư Huyện ủy (nay là Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy) đều là cán bộ mới luân chuyển từ tỉnh về huyện và Thường trực đang tính toán các phương án khắc phục thì anh Duy đã kịp thời gọi điện hỏi thăm và chỉ đạo hàng loạt công việc cụ thể để giải quyết tình hình cấp bách ngay khi đang trên đường di chuyển từ tỉnh vào huyện. Do trời mưa lũ, đường vào huyện bị chia cắt, phải đi vòng qua địa bàn tỉnh Phú Thọ, tới nơi đã quá trưa. Sau khi cập nhật tình hình, anh quyết định thành lập ngay Sở chỉ huy hiện trường của tỉnh tại huyện, do Chủ tịch UBND tỉnh làm Chỉ huy trưởng. Đồng thời, anh yêu cầu được đến ngay hiện trường để thị sát và trực tiếp chỉ đạo khắc phục hậu quả tại địa bàn".
Đường vào các xã, bản lúc đó rất khó khăn, nguy hiểm. Quốc lộ 32 đã bị chia cắt, chỉ còn cách nhờ dân dẫn đường để đi tắt đường rừng. Có nhiều đoạn chênh vênh, nước vẫn chảy xiết và bên dưới là vực, nguy cơ sạt lở rất cao. Hình ảnh đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đầu đội mũ cối, mặc áo mưa, tay chống gậy, xông xáo đi đầu đội hình càng thôi thúc mọi người quyết tâm sớm đến với dân.
Chiều hôm ấy, đồng chí Đỗ Đức Duy đã có mặt ở thôn Bản Tủ, xã Sơn Lương, nơi bị thiệt hại lớn với 2 người bị chết, 7 ngôi nhà bị cuốn trôi, sập hoàn toàn, hơn 40 hộ bị ảnh hưởng nặng nề. Chia sẻ mất mát với bà con, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp của huyện và xã, huy động mọi lực lượng để tổ chức sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm và tìm kiếm những người đang bị mất tích. Đồng chí chỉ đạo Bộ CHQS tỉnh huy động 100 người cùng các lực lượng cứu hộ của địa phương tham gia công tác ứng phó, khắc phục hậu quả, đặc biệt là đã trực tiếp cùng đồng chí Phó tham mưu trưởng Quân khu 2 chỉ đạo giải cứu an toàn cho 8 người dân (gồm cả cụ già và trẻ nhỏ) mắc kẹt trên một dải đất nhỏ bị cô lập bởi hai nhánh của dòng suối Nậm Mười đang chảy xiết.
Anh Phạm Nguyên Bình, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Sơn Lương xúc động cho biết: "Ngày ấy, giữa mất mát và tan hoang, anh Duy đã có mặt kịp thời để an dân. Sau lũ, 50 hộ gia đình của Sơn Lương được tỉnh, huyện bố trí về khu tái định cư mới. Với nỗ lực vượt bậc, tháng 10/2021, Sơn Lương là một trong 3 xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Được như hôm nay, chúng tôi biết ơn anh Duy lắm".
Sau một tuần bám địa bàn và chỉ đạo giải quyết tạm ổn tình hình ở Văn Chấn, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy di chuyển sang Văn Yên, đến thôn Bản Lùng, xã Phong Dụ Thượng, một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của trận lũ quét lịch sử. Cũng với tác phong sâu sát, cụ thể, chỉ đạo quyết liệt, đồng chí Đỗ Đức Duy đã đến thăm hỏi, động viên từng gia đình và giao từng việc cụ thể cho các cấp, các ngành. Từ 1,5 tỷ đồng đầu tiên đồng chí Đỗ Đức Duy vận động được từ Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội, cùng với các nguồn vận động khác trong và ngoài tỉnh, chỉ sau 3 tháng, địa phương đã hỗ trợ khai phá đất đá, tạo lập bản tái định cư mới và xây nhà tái định cư cho 50 hộ gia đình nơi đây.
Đồng chí Ngô Văn Minh, Bí thư Chi bộ thôn Bản Lùng chia sẻ với chúng tôi: "Vượt lên mất mát, đau thương, nhờ sự hỗ trợ của các cấp, nhất là tình cảm và trách nhiệm của Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy, đến nay, Bản Lùng đã hồi sinh. Tháng 11/2021, Bí thư Đỗ Đức Duy lần thứ 4 về thôn Bản Lùng nhân Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc và chứng kiến ngày thôn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Hôm đó, anh Duy rất vui, trực tiếp chơi ném còn, kéo co, đẩy gậy và uống rượu mừng với bà con. Tôi nhớ mãi hôm ấy có người dân đã nói vui một câu, nhưng cũng là thể hiện tình cảm chung của chúng tôi với người lãnh đạo tỉnh: "Bác Duy phải ở lại với Yên Bái, không được đi đâu nhé!".
Giữ lời hứa với dân
Đến Yên Bái, đi trên những con đường liên huyện, liên xã thênh thênh, chúng tôi được nghe nói nhiều về mô hình "Giải phóng mặt bằng 0 đồng" do Bí thư Đỗ Đức Duy khởi xướng...
Câu chuyện bắt đầu từ các chuyến khảo sát thực tế trên địa bàn huyện Lục Yên của đồng chí Đỗ Đức Duy vào tháng 8/2020 (lúc đó đồng chí Duy đang là Chủ tịch UBND tỉnh). Đến hai xã Tân Lĩnh, Minh Chuẩn, nhiều bà con ý kiến về tuyến đường từ Lục Yên đến huyện Bảo Yên (Lào Cai) đi lại khó khăn, ngày nắng thì bụi, mưa thì lụt lội, đe dọa đến an toàn tính mạng của người dân, nhất là các cháu nhỏ đến trường và kiến nghị tỉnh quan tâm.
Đồng chí Duy nêu vấn đề: "Ngân sách nhà nước có hạn, trong khi nhu cầu làm đường trong tỉnh rất lớn. Nhưng tỉnh sẽ ưu tiên những nơi nhân dân ủng hộ, tự nguyện hiến đất, giải phóng mặt bằng sớm. Nếu bà con đồng thuận như thế thì tôi hứa sẽ báo cáo với Tỉnh ủy, UBND tỉnh ưu tiên bố trí vốn để làm con đường này ngay". Bà con rất phấn khởi, nói rằng: "Nếu chủ tịch hứa như thế thì chúng tôi cũng quyết tâm cùng chính quyền vận động mọi người tham gia để sớm có mặt bằng sạch".
Sau đó, anh Duy về làm việc với chính quyền huyện và các xã, yêu cầu tuyên truyền, vận động đến từng gia đình. Đến cuối năm đó thì dự án đầu tư xây dựng công trình đường Lục Yên (Yên Bái)-Bảo Yên (Lào Cai) được Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 60 tỷ đồng. Hôm khởi công, nhiều bà con về dự đến gặp Bí thư Tỉnh ủy và bày tỏ cảm ơn, tin tưởng vì đồng chí đã giữ đúng lời hứa với dân.
Trong quá trình thi công tuyến đường này, qua kiểm tra, anh yêu cầu nhà thầu tăng tốc độ thi công, áp dụng các giải pháp kỹ thuật để rút ngắn thời gian từ 18 tháng còn 9 tháng. "Tiền thì tỉnh sẽ bảo đảm đủ cho các anh, nhưng tiến độ phải được như thế, vì sớm ngày nào thì dân đỡ khổ và được thụ hưởng sớm ngày đó", Bí thư Duy "chốt" với nhà thầu.
Và đúng như chỉ đạo của anh Duy, công trình đã hoàn thành và thông xe vào đầu tháng 4 vừa qua, sau 9 tháng thi công. Đồng bào các dân tộc huyện Lục Yên rất phấn khởi, và quan trọng hơn, từ đây đã trở thành "cú hích" cho phong trào hiến đất, giải phóng mặt bằng cho các địa phương khác. Với mô hình "Giải phóng mặt bằng 0 đồng", riêng Lục Yên năm 2021 đã khởi công được 3 tuyến đường; huyện Văn Yên có tuyến đường dài 22km đi qua 4 xã Xuân Ái-Viễn Sơn-Yên Phú-Yên Hợp, nhân dân đã hiến gần 25ha đất, có gia đình hiến cả đất ở, đất vườn đồi với hàng nghìn cây quế chưa đến tuổi thu hoạch, trị giá hàng trăm triệu đồng; huyện Văn Chấn có tuyến cải tạo, nâng cấp ở Sơn Lương-Nậm Mười-Sùng Lô dài hơn 20km, tuyến Văn Chấn-Yên Lập...
Không chỉ làm đường giao thông mà trong tìm đất để xây dựng các khu tái định cư cho dân khi bị thiên tai, bão lũ, Bí thư Đỗ Đức Duy cũng rất quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân tin tưởng, ủng hộ. Gần 4 năm qua, Yên Bái đã xây dựng hàng chục khu tái định cư cho hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ nhưng hầu như không mất tiền giải phóng mặt bằng. Những khu tái định cư ở thôn Bản Tủ (xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn), hay ở thôn Bản Lùng (xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên), Bản Cại (xã Thạch Lương, thị xã Nghĩa Lộ)... nay trở thành những khu tái định cư kiểu mẫu của tỉnh.
Bài học rút ra từ những thành công này, theo anh Duy, cán bộ nói phải đi đôi với làm, để dân tin, dân ủng hộ. "Đồng bào các dân tộc rất trọng chữ tín. Cho nên cán bộ đã nói thế nào là phải làm đúng, đừng hứa hươu hứa vượn. Khi bà con đã tin rồi thì việc gì, khó mấy cũng xong", anh Duy khẳng định.
Thắp sáng niềm tin nơi cửa ngõ Tây Bắc
Yên Bái được biết đến với những truyền thống văn hóa kết tinh từ lịch sử hàng nghìn năm của cộng đồng 30 dân tộc anh em, nơi có vị trí đặc biệt, đóng vai trò là cửa ngõ Tây Bắc, nơi giao thoa của hai khu vực Đông Bắc-Tây Bắc. Đến nay, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy đã có hơn 5 năm gắn bó với Yên Bái. Dấu chân người cán bộ này đã đi khắp các bản làng, huyện thị. Không cần văn bản, anh vẫn đọc vanh vách các địa danh, tên cán bộ và nhân dân tới cấp thôn, bản. Một cán bộ ở huyện Văn Chấn nói rằng, đó không chỉ là do anh có trí nhớ tốt mà quan trọng hơn, anh đi cơ sở nhiều, về với dân nhiều. Anh cũng là người khởi xướng Chương trình "Ngày cuối tuần cùng dân và doanh nghiệp", trực tiếp lao động, hoạt động với dân và "Cà phê với doanh nhân", thường xuyên sinh hoạt với chi bộ cơ sở ở thôn, bản...
Đứng đầu một tỉnh giàu tiềm năng nhưng người dân vẫn nghèo, anh và tập thể lãnh đạo còn biết bao trăn trở, mang theo khát vọng của Đảng bộ, chính quyền các dân tộc trong tỉnh đưa Yên Bái vượt lên. Từ nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh với triết lý phát triển-triết lý hạnh phúc đang từng ngày hiện hữu trong đời sống thực tiễn, với 3 đột phá chiến lược: Thể chế và chuyển đổi số; phát triển nguồn nhân lực và phát triển hạ tầng, Tỉnh ủy đã ban hành 11 nghị quyết chuyên đề, Ban Thường vụ cũng thông qua 47 nghị quyết, chương trình, đề án bao phủ hầu hết các lĩnh vực...
Trong câu chuyện với chúng tôi, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy say sưa, nhiệt huyết khi nói về tương lai phát triển, với nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp và "riêng có" của Yên Bái. Ví như trong một lĩnh vực cụ thể là chuyển đổi số, anh chủ trương phải có cách làm khác biệt để mặc dù là tỉnh miền núi, nguồn lực hạn chế, vẫn có thể "đi sau nhưng sẽ về trước". Anh chỉ đạo lựa chọn một số mô hình chuyển đổi số cụ thể, ở các cấp, loại hình, làm được ngay, mang lại hiệu quả ngay, sau đó nhân rộng.
"Trong chuyển đổi số, chúng tôi ưu tiên triển khai sớm các hợp phần về y tế và giáo dục, áp dụng công nghệ số để nâng cao chất lượng bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo, những lĩnh vực mà người dân sẽ được thụ hưởng ngay thành quả, cũng là góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân trong tỉnh. Đồng thời, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số để chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội, tổ chức hội nghị, làm việc từ xa, họp không giấy tờ, chữ ký số; đưa việc sử dụng các nền tảng công nghệ, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động của cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và người dân thành một thói quen".
Trong hành trình đi tới mục tiêu xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc", trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030, cần rất nhiều nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Dấu chân người Bí thư Tỉnh ủy chắc chắn sẽ lại tiên phong trên các nẻo đường, tiếp tục thắp sáng niềm tin nơi cửa ngõ Tây Bắc...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.