Giá xăng dầu hôm nay 17/5 tiếp tục được hỗ trợ bởi sự suy yếu của đồng USD. Nhà đầu tư kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ được cải thiện mạnh khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động sản xuất được thúc đẩy mạnh, các chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hoá được khôi phục.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 17/5/2022, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7/2022 đứng ở mức 112,05 USD/thùng, tăng 0,23 USD/thùng trong phiên. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 7/2022 đứng ở mức 114,44 USD/thùng, tăng 0,20 USD/thùng trong phiên.
Nhà đầu tư kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, sẽ được cải thiện mạnh thời gian tới khi dịch Covid-19 được kiểm soát và các biện pháp hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng của nước này được đẩy mạnh.
Ngày 16/5, Trung Quốc cũng đã công bố dữ liệu kinh tế chính thức, cho thấy sự suy thoái đáng kể, với sản lượng công nghiệp trong tháng 4 giảm gần 3% so với cùng kỳ và doanh số bán lẻ giảm khoảng 11%, khối lượng giao dịch ở cảng của Thượng Hải cũng giảm 40%. Tất cả những điều này đã dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu đối với dầu mỏ từ Trung Quốc.
Trong khi đó, giá xăng tương lai của Mỹ vừa thiết lập mức cao nhất mọi thời đại một lần nữa ngày 16/5 khi kho dự trữ của nước này giảm, làm dấy lên lo ngại về nguồn cung.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết doanh thu từ dầu mỏ của Nga vẫn tăng bất chấp vấp phải chịu sự tẩy chay từ các công ty toàn cầu và nhiều quốc gia sau chiến dịch hoạt động quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Theo đó, Điện Kremlin đã thu về khoảng 20 tỷ USD mỗi tháng trong năm 2022 từ việc bán kết hợp dầu thô và sản phẩm với khối lượng lên tới khoảng 8 triệu thùng/ngày. Tổng doanh thu từ xuất khẩu dầu đã tăng 50% trong năm nay.
Xuất khẩu nhiên liệu của Moscow phục hồi trong tháng trước, tăng 620.000 thùng/ngày từ tháng 3 lên 8,1 triệu thùng/ngày, trở lại mức trung bình tháng 1 và tháng 2 khi Ấn Độ và Trung Quốc tìm đến nguồn cung đang chuyển hướng khỏi Mỹ và châu Âu.
Giá dầu hôm nay tăng còn do đồng USD suy yếu khi kỳ vọng vào một đợt tăng lãi suất mới của Fed hạ nhiệt.
Trong nước, một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho hay, trong kỳ điều hành tới (ngày 21/5), giá xăng trong nước có khả năng vượt mức 30.000 đồng/lít nếu giá dầu thế giới tiếp tục tăng lên.
Theo quy định, ngày 21/5 tới đây sẽ là kỳ điều chỉnh tiếp theo của giá xăng dầu. Nhiều dự báo cho thấy, trong kỳ điều chỉnh tới, giá xăng có thể còn tiếp tục tăng. Bởi theo các doanh nghiệp, hiện với giá cơ sở trong nước, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang lỗ khoảng 300-600 đồng với mỗi lít xăng, còn dầu lỗ khoảng 400-700 đồng. Song từ này tới kỳ điều hành còn khoảng 4 ngày nữa và với giá xăng dầu thế giới biến động mạnh như hiện nay, việc điều chirnh giá xăng dầu trong nước vẫn rất khó dự báo.
Chỉ trong vòng 2 tháng, giá bán lẻ xăng trong nước đã hai lần lập đỉnh. Gần nhất, hôm 11/5, mỗi lít xăng RON95 tăng lên mức 29.980 đồng, cao nhất lịch sử. Giá xăng lên sát 30.000 đồng/lít và còn có thể tăng thêm nếu giá thế giới vẫn xu hướng đi lên, sẽ ảnh hưởng tới tiêu dùng, phục hồi kinh tế và lạm phát. Nếu giá xăng dầu tăng 10% sẽ làm lạm phát tăng 0,36 điểm phần trăm và tăng trưởng giảm 0,5 điểm phần trăm.
Với đà tăng hiện nay, các chuyên gia nhận xét, giá xăng dầu bình quân sẽ tăng khá cao, ảnh hưởng trực diện tới vận tải, khai thác thuỷ sản và tiêu dùng. Nhà điều hành cần rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở xăng dầu và các loại thuế, phí để kìm đà tăng của loại nhiên liệu này.
Giá xăng dầu hôm nay 17/5: Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 17/5 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 28.959 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 29.988 đồng/lít; dầu diesel không quá 26.650 đồng/lít; dầu hỏa không quá 25.168 đồng/lít và dầu mazut không quá 21.560 đồng/kg.
Mức giá nói trên đã được điều chỉnh tăng tại kỳ điều hành giá của liên Bộ Tài chính - Công Thương ngày 11/5 với giá xăng tăng hơn 1.400 đồng/lít, giá dầu tăng hơn 1.000 đồng/lít, và giá dầu mazut giữ nguyên.
Đây là lần tăng thứ 3 liên tiếp của giá xăng trong nước.
Thực tế, giá xăng dầu hiện đang phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu thế giới và việc điều chỉnh thuế, quỹ Bình ổn giá (BOG). Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao, quỹ BOG cạn kiệt, thì việc hạ nhiệt giá xăng chỉ còn trông chờ vào việc giảm thuế.
Hiện mỗi lít xăng dầu bán ra thị trường phải gánh 4 loại thuế gồm thuế giá trị gia tăng 10%, thuế nhập khẩu 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10% và thuế bảo vệ môi trường. Trong số này, thuế bảo vệ môi trường đã giảm 50% từ 1/4. Thuế nhập khẩu đã ở mức thấp, chỉ còn thuế tiêu thụ đặc biệt là có thể giảm. Tuy nhiên, việc giảm thuế cho mặt hàng xăng dầu hiện nay là khó, do nguồn thu đang bị ảnh hưởng nặng nề. Thu thuế đối với mặt hàng nhiên liệu đóng vai trò rất lớn trong thu ngân sách.
Các chuyên gia cho rằng, bài toán giảm giá xăng dầu trong ngắn hạn là quá khó nhưng về lâu dài, điều chỉnh giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho mặt hàng xăng dầu là cần thiết. Nhà nước sẽ phải nghiên cứu rất kỹ và có giải pháp phù hợp, vừa kìm đà tăng giá xăng dầu, vừa đảm bảo nguồn thu cho ngân sách.