Nhờ sức mua ổn định từ thị trường Trung Quốc, giá cao su ở các địa phương giữ ổn định ở mức khá cao.
Theo đó, đầu tháng 5/2022, tại Bình Phước, giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty cao su Phú Riềng thu mua ở mức từ 310-350 đồng/độ mủ, giảm 10 đồng/độ mủ so với cuối tháng 4/2022.
Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa được giữ ở mức 345 đồng/độ mủ; giá mủ cao su tại Gia Lai được Công ty cao su Mang Yang thu mua với giá 310-320 đồng/độ mủ, ổn định so với cuối tháng 4/2022.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 4/2022, Việt Nam xuất khẩu được 78.330 tấn cao su, trị giá 141,43 triệu USD, so với tháng 4/2021 tăng 26,3% về lượng và tăng 28,3% về trị giá.
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su đạt 485.220 tấn, trị giá 856,98 triệu USD, tăng 3,7% về lượng và tăng 9,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Về giá xuất khẩu, tháng 4/2022, giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.805 USD/tấn, tăng 0,2% so với tháng 3/2022 và tăng 1,5% so với tháng 4/2021.
Tháng 4/2022, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 58,3% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 45.660 tấn, trị giá 78,97 triệu USD, so với tháng 4/2021 tăng 37,4% về lượng và tăng 42,6% về trị giá.
Giá cao su xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc ở mức 1.729 USD/tấn, giảm 1,2% so với tháng 3/2022, nhưng tăng 3,8% so với tháng 4/2021.
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 325.890 tấn cao su, trị giá 562,17 triệu USD, tăng 0,9% về lượng và tăng 8,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trung Quốc hiện là một trong những thị trường nhập khẩu nhiều cao su nhất thế giới. Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong quý I/2022, kim ngạch nhập khẩu cao su của Trung Quốc đạt 3,58 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Nhật Bản và Hàn Quốc là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Trung Quốc.
Trong quý I/2022, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc với 621,77 triệu USD, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Thị phần cao su Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong quý I/2022 chiếm 17,3%, giảm so với mức 19,2% của cùng kỳ năm 2021.
Về chủng loại nhập khẩu, trong quý I/2022, kim ngạch nhập khẩu cao su tự nhiên của Trung Quốc đạt 1,14 tỷ USD, tăng 33,3% so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhập khẩu từ các thị trường như: Thái Lan, Bờ Biển Ngà, Malaysia, Lào, Indonesia và Việt Nam.
Trong quý I/2022, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 6 cho Trung Quốc với 59,87 triệu USD, giảm 12,4% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam chiếm 5,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc, giảm so với mức 8% của cùng kỳ năm 2021.
Trong khi đó, Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu cao su tự nhiên từ các thị trường như Thái Lan, Bờ Biển Ngà, Indonesia, Lào…
Trong đó, kim ngạch nhập khẩu cao su tự nhiên từ Lào tăng mạnh nhất, tăng tới 12.838% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong quý I/2022, kim ngạch nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Trung Quốc đạt 1,49 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong quý I/2022, Việt Nam là thị trường cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp lớn thứ hai cho Trung Quốc với 557,47 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021.
Thị phần hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Việt Nam chiếm 37,4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Trung Quốc, giảm so với mức 40,4% của cùng kỳ năm 2021.