Dân Việt

Nhiều nơi tăng học phí năm 2022-2023 gần gấp đôi: Căn cứ vào đâu?

Tào Nga 21/05/2022 12:00 GMT+7
Hà Nội, TP.HCM đã có dự thảo tăng học phí ở các cấp học phổ thông. Nhiều trường đại học cũng thông báo mức học phí mới áp dụng từ năm học 2022-2023.

Tăng học phí căn cứ từ đâu?

Mới đây, HĐND TP.Hà Nội vừa đưa ra dự thảo Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội từ năm học 2022-2023 đến năm học 2025-2026. Theo đó, học phí đối với bậc THCS tăng gấp đôi so với năm ngoái, từ 19.000-155.000 đồng lên 50.000-300.000 đồng/tháng.

Sở GDĐT TP.HCM cũng có văn bản về góp ý dự thảo ban hành Nghị quyết quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2022-2023 và các năm tiếp theo trên địa bàn. Dự kiến năm học 2022 - 2023, học phí ở TP.HCM tăng 40.000-240.000 đồng/tháng tùy các cấp. 

Các trường đại học trên cả nước cũng dần thông báo học phí năm 2022-2023 và lộ trình tăng học phí theo các năm. Trong đó, một số trường như Đại học Y Hà Nội, mức học phí của một số ngành đã tăng lên khoảng 71,3%. Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã công bố học phí dự kiến với mức tăng hơn 12 triệu đồng so với năm ngoái.

Tăng học phí từ Mầm non đến Đại học năm 2022-2023 lên đến gấp đôi, căn cứ từ đâu? - Ảnh 1.

Nhiều nơi, nhiều cấp học thông báo tăng học phí. Ảnh: Tào Nga

Trao đổi với PV báo Dân Việt, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp, cho hay: "Việc tăng học phí phải theo quy định của pháp luật về luật giá, phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ, khung học phí với học sinh từ mầm non đến THPT được quy định như sau: Khung học phí căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định khung học phí hoặc mức học phí cụ thể nhưng không vượt mức trần khung học phí hoặc mức học phí do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã ban hành đối với từng cấp học và từng khu vực thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương.

Giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo là số tiền người sử dụng dịch vụ phải trả cho từng dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp, bao gồm: học phí (theo các cấp học và trình độ đào tạo) và giá các dịch vụ khác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Học phí là khoản tiền mà người học phải nộp để chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo.

Bộ GDĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với học phí, giá các dịch vụ khác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Nguyên tắc xác định giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo được xác định theo các quy định của pháp luật về giá và quy định của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Giá được điều chỉnh theo lộ trình phù hợp tương xứng với chất lượng dịch vụ giáo dục, đào tạo nhưng tỷ lệ tăng mức giá dịch vụ không quá 15%/năm.

Học phí đối với giáo dục mầm non, phổ thông: Khung học phí (mức sàn - mức trần) đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên như sau: 

Tăng học phí từ Mầm non đến Đại học năm 2022-2023 lên đến gấp đôi, căn cứ từ đâu? - Ảnh 3.

Từ năm học 2023 - 2024 trở đi, khung học phí được điều chỉnh theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm và khả năng chi trả của người dân nhưng không quá 7,5%/năm.

Học phí đối với giáo dục nghề nghiệp: Mức trần học phí từ năm học 2022 - 2023 đến năm học 2025 - 2026 như sau. 

Tăng học phí từ Mầm non đến Đại học năm 2022-2023 lên đến gấp đôi, căn cứ từ đâu? - Ảnh 4.

Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: Mức học phí tối đa không quá 2 lần so với mức học phí quy định.

Học phí đối với giáo dục đại học: Học phí từ năm học 2022 - 2023 đến năm học 2025 - 2026 như sau: (Đơn vị: nghìn đồng/sinh viên/tháng)

Tăng học phí từ Mầm non đến Đại học năm 2022-2023 lên đến gấp đôi, căn cứ từ đâu? - Ảnh 5.

Cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: Mức học phí được xác định tối đa bằng 2 lần mức trần học phí tương ứng với từng khối ngành và từng năm học.

 Cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: Mức học phí được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí tương ứng với từng khối ngành và từng năm học.

Đối với chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học công lập đạt mức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn do Bộ GDĐT quy định hoặc đạt mức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn nước ngoài hoặc tương đương, cơ sở giáo dục đại học được tự xác định mức thu học phí của chương trình đó trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ sở giáo dục ban hành, thực hiện công khai giải trình với người học, xã hội".

Luật sư Cường kết luận: "Căn cứ vào nghị định này thì các cơ quan chức năng sẽ tiến hành xác định mức học phí cụ thể đối với từng bậc học, cấp học theo quy định của pháp luật, phù hợp với nội dung nghị định mà chính phủ đã ban hành".