Dân Việt

"Túi cá đồng" của tỉnh Kiên Giang nằm ở huyện nào, vì sao cá đồng ngày càng đắt đỏ hơn cá nuôi?

Lê Sen 22/05/2022 19:00 GMT+7
Đến vùng đất U Minh Thượng thì ai cũng biết đến những sản vật được thiên nhiên ban tặng, như mật ong rừng, rắn, rùa, chim cò; trong đó nguồn lợi cá đồng một thời được xem là “túi cá đồng” của Kiên Giang.

Ấy thế, giờ đây tìm về nơi này chỉ nghe lại những câu chuyện kể, còn nguồn cá đồng ở đất U Minh đang dần bị mai một.

Có mặt ở các huyện vùng U Minh Thượng thời điểm bây giờ đi tìm mua cá đồng thật sự cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Có chăng, là những người dân đi giăng câu, thả lưới trong các tán rừng tràm hay những ao nằm trong vùng đệm U Minh Thượng, nhưng số lượng không được nhiều.

Ông Nguyễn Quốc Khởi, Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng cho biết, sinh ra và lớn lên trong vùng đất U Minh, nhưng chưa bao giờ ông nghĩ đến ngày nay nguồn lợi cá đồng, như cá lóc, trê, rô, sặt… bị suy giảm đến vậy.

Đi một vòng chợ Công Sự (trung tâm huyện U Minh Thượng), ông Khởi chỉ những con cá trê, cá lóc đang bày bán cân nặng độ 3 - 4 con/kg nhìn giống y như cá đồng thiên nhiên.

Thế nhưng, không như mọi người nghĩ, đó toàn là cá nuôi. Có khi họ nuôi trong ao, gần đến ngày đem bán thì bắt lên thả ra vuông bao nuôi tôm khoảng 15 - 20 ngày, rồi bắt đem ra chợ bán và dĩ nhiên họ nói với người mua là cá U Minh!

"Túi cá đồng" của tỉnh Kiên Giang nằm ở huyện nào, vì sao cá đồng ngày càng đắt đỏ hơn cá nuôi? - Ảnh 2.

"Túi cá đồng" của tỉnh Kiên Giang nằm ở huyện nào, vì sao cá đồng ngày càng đắt đỏ hơn cá nuôi? - Ảnh 3.

"Túi cá đồng" của tỉnh Kiên Giang nằm ở huyện nào, vì sao cá đồng ngày càng đắt đỏ hơn cá nuôi? - Ảnh 4.

"Túi cá đồng" của tỉnh Kiên Giang nằm ở huyện nào, vì sao cá đồng ngày càng đắt đỏ hơn cá nuôi? - Ảnh 5.

Cá đồng tự nhiên ở Kiên Giang có giá bán cao gấp đôi cá nuôi.

Con cá đúng là ở đất U Minh Thượng, nhưng là cá nuôi, còn loại cá thiên nhiên cũng có nhưng ít, thường những hộ gia đình đi giăng câu, thả lưới bắt được là những con cá từ trong vùng đệm hay ven rừng tràm, giá bán cao gấp đôi cá nuôi.

Ông Nguyễn Quốc Khởi, Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng băn khoăn: "Mình là dân cố cựu ở địa phương này, nhưng nhìn con cá nuôi và cá thiên nhiên còn khó phân biệt được, thì người dân nơi khác đến thì chào thua".

Cũng từ đó, ông Khởi chỉ đạo ngành nông nghiệp, Hội Nông dân phối hợp với nhau quyết tâm khôi phục nguồn lợi cá đồng vốn có ở vùng đất U Minh này.

Hiện nay, tổng diện tích nuôi cá nước ngọt của toàn huyện U Minh Thượng là 4.450 ha. Cá được nuôi với mật độ thưa, thả nuôi xen trong ruộng lúa, ao trong khu vực vùng đệm và trong vuông tôm, năng suất ước đạt 368 kg/ha, sản lượng 1.640 tấn.

Nhìn vào diện tích nuôi cá nước ngọt tương đối lớn, tuy nhiên, sản lượng cá đồng, như cá trê, cá lóc, rô, sặt rằn, thác lác… lại ít, mà chủ yếu một số loại khác, như cá cá chép, cá mè, rô phi…

Theo ông Nguyễn Quốc Khởi, do nhiều nguyên nhân dẫn đến nguồn lợi cá đồng ngày càng suy giảm. Bên cạnh việc biến đổi khí hậu và hiện tượng xâm nhập mặn, cộng với diện tích nuôi các giống cá lai, các loại cá trắng ngày càng nhanh; việc quản lý các đối tượng này còn hạn chế, cá thất thoát ra tự nhiên làm cho nguồn lợi và môi trường sống của chúng ngày càng hạn hẹp.

Các cơ sở sản xuất cá giống còn ít và nhỏ lẻ, không cung cấp đủ nhu cầu cho người nuôi.

Thêm vào đó, mô hình thâm canh nuôi cá đồng trong huyện không còn nhiều, chủ yếu diện tích còn lại nằm ở hai xã vùng đệm là Minh Thuận và An Minh Bắc.

Nông dân U Minh Thượng tuy có nhiều kinh nghiệm nuôi cá đồng, nhưng chỉ mang tính tự phát, thiếu quản lý, nên năng suất nuôi chưa cao và thất thoát nhiều.

Chính vì vậy, những năm qua, U Minh Thượng quyết tâm thực hiện khôi phục nguồn lợi cá đồng.

Ông Nguyễn Quốc Khởi cho biết, để tính đến hiệu quả bền vững và khôi phục nguồn lợi cá đồng ở U Minh Thượng vừa đủ cung cấp cho người dân trong vùng, UBND huyện U Minh Thượng kết hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang đã thống nhất triển khai mô hình kích thích sinh sản nhân tạo cá trê vàng bản địa vùng U Minh Thượng; Quỹ hỗ trợ Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang đã hỗ trợ cho huyện U Minh Thượng 500 triệu đồng để phát triển nuôi cá đồng.

Theo đó, huyện tiến hành thành lập các tổ hợp tác nuôi cá ở một số nông hộ trong vùng đệm (mỗi hộ được giao khoán 1 ha mặt nước), chứ hiện nay chủ yếu nuôi tự phát nhỏ lẻ nên khi đưa các quy trình nuôi theo mô hình mới cũng gặp khó khăn dẫn đến hiệu quả không cao.

Theo ông Khởi, vùng này nếu nói về “vắng bóng cá đồng” thì chưa đúng mà phải thừa nhận là trước đây chưa có hướng để khôi phục lại cá đồng.

Cá đồng vùng này giúp bà con nơi đây trong những năm tháng khó khăn thì nay việc khôi phục lại nguồn cá là cần thiết.

Hiện nay, huyện U Minh Thượng đang chỉ đạo cơ quan chuyên môn tập trung thực hiện ngay việc nhân giống cá đồng bản địa như sặt rằn, cá rô, lóc… để cung cấp cho bà con địa phương, nhất là người dân trong vùng đệm.

Ngoài ra, cán bộ khuyến nông huyện thường xuyên hướng dẫn bà con địa phương kỹ thuật nuôi, chăm sóc và phòng bệnh cho các loại cá đồng.

Sau khi nguồn cá đồng dần khôi phục, huyện sẽ đăng ký thương hiệu và chỉ dẫn địa lý địa danh U Minh Thượng để bảo đảm đầu ra, bà con an tâm đầu tư thả nuôi.

Lãnh đạo UBND huyện U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang) cho rằng, từ việc nhân giống, phục hồi cá đồng U Minh Thượng, đồng thời khuyến khích người dân thả nuôi cá đồng sẽ góp phần làm phong phú nguồn lợi thủy sản địa phương.

Qua trọng hơn, giúp nông dân tìm hướng đi thích hợp, phát huy thế mạnh sản xuất nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu cho gia đình, quê hương.