Dân Việt

Tâm tư, kiến nghị gửi Thủ tướng: Mong có thêm chính sách hỗ trợ nông dân để trồng rừng, bảo vệ, phát triển rừng

Trần Quang 24/05/2022 16:31 GMT+7
Ông Nguyễn Trần Văn - Giám đốc HTX Nông sản dược liệu cao nguyên Sìn Hồ (Lai Châu) mong muốn Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có chính sách để hỗ trợ sinh kế cho người dân đảm bảo cuộc sống. Từ đó nhằm duy trì diện tích rừng, phát triển rừng bền vững gắn với việc khai thác hiệu quả nguồn lâm sản dưới tán rừng ở Tây Bắc.
Tâm tư, kiến nghị gửi Thủ tướng: Nông dân mong có thêm chính sách hỗ trợ sinh kế để giữ, bảo vệ rừng - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Trần Văn - Giám đốc HTX Nông sản dược liệu cao nguyên Sìn Hồ (Lai Châu) chăm sóc vườn dược liệu quý tại đơn vị của mình. Ảnh: Trần Quang

HTX kiểu mẫu nổi bật ở Tây Bắc

Là một trong những HTX nổi bật ở Lai Châu, HTX Nông sản dược liệu cao nguyên Sìn Hồ tập trung trồng rừng, trồng dược liệu dưới tán rừng gắn với du lịch sinh thái tại xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ làm nền tảng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho thành viên và người dân.

Hoạt động của HTX dựa trên sức dân là chính. Thành viên HTX chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn các xã Sà Dề Phìn, Tà Ngảo, Phăng Sô Lin. Theo đó mọi người dân cùng góp đất, góp vốn tập trung trồng các loại cây dược liệu như sâm, tam thất… nhằm hình thành vùng chuyên canh cây dược liệu.

Để xác định được hướng đi này, HTX đã quan tâm, tìm hiểu cơ hội đầu tư trên địa bàn tỉnh Lai Châu; những ưu, nhược điểm trong phát triển kinh tế tại địa phương. Hiện nay, HTX đang tập trung liên kết cùng người dân trồng rừng, trồng dược liệu dưới tán rừng, sau đó làm nền tảng để phát triển du lịch.

Không chỉ hướng dẫn cách trồng, cung cấp cây giống mà HTX còn liên kết với doanh nghiệp đến tận ruộng thu mua cây dược liệu với mức giá hợp lý, khiến người dân càng thêm hồ hởi và tin tưởng.

Ông Nguyễn Trần Văn - Giám đốc HTX cho biết, được sự quan tâm của địa phương, HTX đã đứng ra làm đầu mối thu mua nguyên liệu thô cho người dân, sau đó cung cấp cho doanh nghiệp. Tham gia HTX, người dân được tập huấn kỹ thuật, biết cách gieo trồng và thu hoạch bền vững.

Để giữ gìn môi trường an toàn, dược liệu của HTX phải bảo đảm không chứa các tác nhân gây bệnh như chất độc sinh học và hóa chất... Bởi vậy, trong quá trình phát triển toàn bộ cây trồng gần như không sử dụng đến thuốc BVTV, phân bón cũng được sử dụng theo quy trình sản xuất dược liệu chung.

Ông Văn cho biết thêm: Mục tiêu của HTX là sau này xây dựng được vùng ươm cây dược liệu rộng 2.000ha, vừa nhằm bảo tồn các loài dược liệu đang cạn kiệt trong tự nhiên, vừa cung cấp cây giống cho thành viên và người dân trong, ngoài địa phương làm giàu.

Hiện các thành viên của HTX đều có nguồn thu ổn định 4-5 triệu đồng/người/tháng, chưa kể nhiều lao động làm công nhật với các công việc khác nhau như: vận chuyển, thu hái, chăm sóc… Chính vì vậy, nhiều hộ đã có điều kiện nâng cao đời sống.

Tâm tư, kiến nghị gửi Thủ tướng: Nông dân mong có thêm chính sách hỗ trợ sinh kế để giữ, bảo vệ rừng - Ảnh 3.

Nông dân thu hoạch dược liệu tại HTX Nông sản dược liệu cao nguyên Sìn Hồ. Ảnh: NVCC

Đặc biệt, đầu năm 2021, HTX Sâm-Tam thất Sìn Hồ đổi tên thành HTX Nông sản dược liệu cao nguyên Sìn Hồ. Đồng thời, HTX đã đầu tư công nghệ hiện đại trị giá hàng tỷ đồng nhằm tăng chế biến sâu các sản phẩm nông sản, dược liệu phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Dù đạt được nhiều thành công trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, dược liệu nhưng các thành viên trong HTX Nông sản dược liệu cao nguyên Sìn Hồ vẫn còn nhiều trăn trở. Họ bày tỏ mong muốn Nhà nước giúp đơn vị tiếp cận được với chính sách thuê đất rừng, giao đất rừng có cấp sổ cho người dân để bà con yên tâm bảo vệ đồng thời khai thác, trồng mới các cây dược liệu dưới tán rừng.

Thêm chính sách thiết thực hỗ trợ nông dân để bà con yên tâm sản xuất, bảo vệ rừng

Một trong những tiềm năng, thế mạnh nhất của Tây Bắc là trồng rừng, giữ rừng, người dân Tây Bắc cũng chỉ dựa vào rừng mà nhiều người có cuộc sống ổn định.

Tuy vậy, theo ông Văn, hiện việc tạo sinh kế cho bà con trồng, giữ rừng vẫn đang còn những hạn chế.  Mặc dù hằng năm Trung ương và địa phương đã có nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ cho người dân có sinh kế làm ăn vươn lên thoát nghèo nhưng do điều kiện tự nhiên khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, nhiều thiên tai, bão lũ; phong tục và trình độ dân trí chưa cao nên quá trình thực hiện công tác giảm nghèo ở một số địa phương gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng vùng miền núi còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Hiện vẫn còn một số thôn bản chưa được sử dụng điện lưới quốc gia, chưa có đường ô tô vào trung tâm.

Tâm tư, kiến nghị gửi Thủ tướng: Nông dân mong có thêm chính sách hỗ trợ sinh kế để giữ, bảo vệ rừng - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Trần Văn - Giám đốc HTX Nông sản dược liệu cao nguyên Sìn Hồ (Lai Châu) mong muốn Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có chính sách để hỗ trợ sinh kế cho người dân đảm bảo cuộc sống, từ đó nhằm duy trì diện tích rừng, phát triển rừng bền vững... Ảnh: Nông dân làm việc tại HTX Nông sản dược liệu cao nguyên Sìn Hồ. Ảnh: NVCC

Hiến kế cho Thủ tướng Chính phủ, đại diện HTX Nông sản dược liệu cao nguyên Sìn Hồ cho rằng: Để tạo sinh kế cho người dân thì Chính phủ cần sớm có cơ chế, chính sách phù hợp  hỗ trợ bà con phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp giá trị cao và lâm sản ngoài gỗ gắn với doanh nghiệp và thị trường đầu ra. Với việc lựa chọn các sản phẩm tiềm năng, công ty thương mại, cộng đồng và các tổ chức phi chính phủ, các chuỗi giá trị này có thể có tác động đáng kể về kinh tế và môi trường.

Bên cạnh đó, theo đại diện HTX, cũng cần phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, đào tạo kỹ năng nghề cho thanh niên và người dân địa phương, gắn với giới thiệu việc làm trong các công ty ở khu vực và địa phương; Nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế cho người dân vùng đệm, có sự tham gia của Ban quản lý rừng, doanh nghiệp và cộng đồng.

Có thể hướng tới việc xã hội hóa bảo vệ, phát triển rừng, rừng đặc dụng, huy động các nguồn lực ngoài nhà nước cho phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học. Xem lại vấn đề đất sản xuất, đào tạo giải quyết việc làm cho lao động.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng phải tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm đảm bảo nhu cầu đi lại và giao thương giữa các địa phương và vùng miền, từ đó từng bước làm thay đổi tư duy sản xuất để người dân vươn lên thoát nghèo bền vững...

Cần sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã 2012

Ông Nguyễn Trần Văn đề nghị Nhà nước sớm ban hành chương trình thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã bằng các chính sách cụ thể; ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số, tiếp cận vốn tín dụng, xây dựng thương hiệu, chính sách thuế để khuyến khích hộ cá thể tham gia hợp tác xã; quy định mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với hợp tác xã, thành viên hợp tác xã, phù hợp với mặt bằng chi phí sản xuất hiện nay; cấp bổ sung vốn cho các Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Trung ương và địa phương…

Ông Văn kiến nghị thêm cần sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã 2012 và các văn bản có liên quan, tạo môi trường thuận lợi thông thoáng tạo điều kiện cho hợp tác xã phát triển; có chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với nông dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, biển đảo.