Tôi không phải người quê ở đây nhưng có thời gian mấy năm công tác trên địa bàn này và vài lần được dự hội làng. Sau này có điều kiện tìm hiểu thêm, tôi mới thấy Bình Đà là một làng Việt cổ với nhiều nét đặc sắc.
Thầy Lê Tiến Ký năm nay đã 85 tuổi (nguyên Hiệu trưởng trường cấp 3 Thanh Oai B) tâm sự: "Mình chưa được đến nhiều vùng miền trong cả nước thì không hiểu thế nào chứ làng Bình Đà quê mình có hơn 10 di tích lịch sử bao gồm: đình, chùa, đền, miếu; trong đó có những di vật quý hiếm cách đây hơn một nghìn năm như cuốn văn tự dùng để tế trong hội làng Bình Đà, trống đồng Đông Sơn Hêgơ 1, bức hoành phi với đôi câu đối có xuất xứ năm "Khải Định Kỷ Mùi thu"… Đặc biệt, theo truyền thuyết sau khi chia tay Âu Cơ, Lạc Long Quân dẫn 50 người con về miền biển để khai phá, đến vùng đất Bảo Đà, Bảo Cựu xưa (đời vua Minh Mạng đổi là Bình Đà), thấy địa hình ưng ý, đã dừng lại sinh cơ lập nghiệp.
Sau khi qua đời, Ngài được an táng ở đồi Tam Thai (còn gọi là Ba Gò). Tưởng nhớ công ơn của Đức Quốc Tổ nhân dân trong vùng đã xây dựng đình thờ cúng Lạc Long Quân (còn gọi là Đình Nội). Mùa Xuân năm 1077, Hoàng tử Linh Lang (con vua Lý Thái Tông) về tuyển quân, dựng lều trại ở đây. Sau khi cầm quân đánh giặc Chiêm Thành và hy sinh, ông được triều đình phong Linh Lang Đại Vương. Ghi nhớ công đức của ông, dân làng Bình Đà đã tôn ông làm Thành hoàng làng thứ hai và thờ ông ở Đình Ngoại. Điểm đặc biệt trong Đình Nội thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân là ngoài các sắc phong bia ký, chuông đồng, hoành phi có niên đại từ thời nhà Lý đến Lê Trung Hưng, còn có bức phù điêu có xuất xứ từ thời nhà Đinh, cách đây hơn 1000 năm.
Bức phù điêu được chạm trổ hết sức công phu với các hình họa Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân ngồi xem cảnh đua thuyền, bên cạnh có 18 thị nữ đang dâng hàm sớ; hơn 30 quan văn, võ đứng hầu và phụ họa, cùng binh lính, voi chầu hổ phục để bảo vệ Ngài. Chẳng thế mà năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận bức phù điêu là bảo vật quốc gia.
Chưa có một văn bản nào biên chép lễ hội làng Bình Đà có từ thời nào, chỉ biết là xa xưa lắm. Ông Trần Văn Mật, nguyên cán bộ tỉnh Hà Tây (cũ) sống cùng khu dân cư với tôi kể rằng: "Trước đây, Hội làng Bình Đà được tổ chức hằng năm nhằm tri ân công đức của hai vị Thành hoàng làng vào ngày giỗ chính của Linh Lang Đại Vương (26/2 Âm lịch) và ngày kỵ của Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân (mùng 6/3 Âm lịch).
Những năm gần đây để tiết kiệm thời gian và tập trung cho sản xuất kinh doanh, lễ hội của làng rút ngắn lại trong các ngày 3/3 đến ngày 6/3 hàng năm. Tôi có may mắn được công tác trong một đơn vị giáo dục đóng trên địa bàn bốn năm, nên ít ra hai lần được bạn bè người sở tại mời dự hội làng Bình Đà. Thường thì ngày lễ chính, người dân bảy thôn trong làng chuẩn bị các loại đồ lễ, các sản phẩm đồ chay (hương, hoa, oản quả) được dâng vào Đình Nội thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, còn lễ mặn thì mang ra Đình Ngoại để tế lễ Linh Lang Đại Vương".
Có một điểm độc đáo trong lễ hội làng Bình Đà là nghi lễ tế bò và thả bánh vía. Các cụ giữ vai trò thủ từ tại Đình Nội và Đình Ngoại cho biết: "Lễ tế bò nhằm tưởng nhớ lúc sinh thời Linh Lang Đại Vương cho người mổ bò khao quân trước khi ra trận đánh giặc. Bò chọn nuôi phải là bò đực và được vỗ béo trong các gia đình song toàn, làm ăn thịnh vượng. Trước ngày làm lễ gia đình được chọn bò tế phải tìm cỏ tươi cho bò ăn, dùng lá thơm như sả, hương nhu đun nước cho bò tắm. Bò được dắt ra Đình Ngoại, lễ tế bò sống tổ chức ngày hôm trước và hôm sau là "động tác" tế bò chín.
Con bò được thui chín vàng đều, đặt lên hương án, đầu quay vào trong đình. Sau khi tế xong, bò được xẻ thành các miếng nhỏ rồi chia cho các hộ gia đình trong thôn gọi là lấy "lộc" thánh để cuộc sống quanh năm yên bình, làm ăn phát đạt".
Còn lễ thả bánh vía để tri ân công đức của Quốc Tổ Lạc Long Quân trong lễ hội làng Bình Đà cũng là câu chuyện ly kỳ. Bởi lẽ, trong làng có bảy, tám dòng họ, nhưng chỉ có họ Nguyễn Văn được chọn làm bánh vía. Lý do tại sao thì không ai biết, chỉ biết là quy định này từ xa xưa để lại. Cách làm bánh, số lượng bao nhiêu chỉ có trưởng tộc họ Nguyễn Văn nắm giữ, bí quyết này được trao truyền cho các trưởng tộc của thế hệ kế tiếp trong dòng họ.
Nguyên liệu làm bánh là gạo nếp giã trộn với nhiều vị thuốc bắc; nơi làm bánh được quây kín bằng vải đỏ và các "công đoạn" làm bánh chỉ mình trưởng tộc họ Nguyễn Văn thực hiện. Sau khi bánh luộc xong, Trưởng tộc rước bánh ra Đình Nội thắp hương làm lễ đêm hôm trước, sáng hôm sau (mùng 6/3 Âm lịch) thì làm lễ thả bánh vía xuống giếng Ngọc.
Giải thích về tục thả bánh vía xuống giếng Ngọc, cụ thủ từ Đình Nội nói rằng, giếng này có mạch ngầm thông với thủy cung mà Quốc Tổ Lạc Long Quân vốn giống rồng, sống ở dưới sông nước nên bánh dâng cho Ngài phải được thả từ giếng Ngọc và theo mạch ngầm xuống thủy cung thì Đức Quốc Tổ mới nhận được… Có lẽ vì những nét độc đáo này mà năm 2014, ngành văn hóa và UBND Thành phố Hà Nội đã có Quyết định công nhận Lễ hội làng Bình Đà là Di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của Thủ đô.
"Nhất pháo Bình Đà, nhì gà Đông Tảo", câu ca ấy vốn lưu truyền trong dân gian từ trước năm 1995 để nhấn mạnh nghề làm pháo cổ truyền của làng Bình Đà có từ thời nhà Nguyễn. Ông Lê Văn Khiêm, nguyên giáo viên vật lý, một đồng nghiệp của tôi cách đây 38 năm, người thôn Minh Kha chia sẻ: "Những năm bao cấp cho đến khi Thủ tướng Chính phủ ra chủ trương cấm pháo (1995), dân các thôn trong làng Bình Đà của tôi, nhà nhà làm pháo, người người làm pháo.
Thời kỳ đó, ngoài giờ lên lớp tớ và những giáo viên trong làng, xã đều cùng vợ con tranh thủ làm pháo bởi nghề này cho thu nhập khá. Tuy nhiên, cũng do ham sản xuất pháo mà con em trong làng có phần chểnh mảng học hành. Khách mua pháo bấy giờ không chỉ các huyện trong tỉnh mà pháo Bình Đà còn được vận chuyển lên Yên Bái, Sơn La và vào tận Quảng Bình, Quảng Trị.
Hàng năm vào dịp lễ hội của làng, bên cạnh các nghi lễ chính còn có hội thi pháo bông, pháo hoa, pháo thăng thiên… Nhớ lại những năm tháng ấy, không ít cán bộ, viên chức (nhà ở Hà Đông và Hà Nội) nhưng làm việc ở Thanh Oai, trong đó có tôi tuần vài ba lần trên đường về vẫn tìm cách chở theo bịch pháo để kiếm thêm đồng tiền cải thiện cuộc sống cơ cực, khốn khó của thời bao cấp.
Phải nói rằng nghề làm pháo đã giúp người dân Bình Đà và các làng lân cận cho nguồn thu đáng kể, nhưng nó tựa như "cưỡi trên lưng hổ". Vì lẽ không năm nào là không có tai nạn pháo xảy ra; nhẹ thì bỏng mặt, cắt cụt tay, nặng thì có năm tử vong hai, ba nhân mạng. Lợi bất cập hại, tiếng pháo nổ đêm giao thừa Tết cổ truyền hay trong lễ cưới hỏi nghe cũng sướng tai, vui mắt nhưng đi liền là những hiểm họa khôn lường. Chính vì vậy, từ Tết Ất Hợi (1995) Chỉ thị 406/TTg của Thủ tướng Chính phủ đã cấm sản xuất, vận chuyển và đốt các loại pháo nổ.
Một học trò cũ của tôi người làng Bình Đà, hiện công tác tại quận ủy Hoàng Mai cho biết: "Vài năm đầu sau lệnh cấm pháo, một bộ phận người dân trong vùng cảm thấy sốc bởi lúng túng trong chuyển đổi làm ăn. Nhưng nhờ có sự lãnh đạo sát sao của huyện Thanh Oai, chỉ đạo quyết liệt của xã Bình Minh (đơn vị anh hùng lao động năm 1985), người dân các thôn trong làng Bình Đà phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm; phục hồi thêu ren; xây dựng mô hình trang trại; mở rộng mạng lưới dịch vụ…"
Và điều đáng mừng như thầy Lê Tiến Ký cho biết, hàng chục năm trở lại đây tỷ lệ con, em làng Bình Đà đỗ vào các trường đại học, cao đẳng tăng 30-40% so với thời kỳ còn phong trào làm pháo. Hơn 26 năm nghề làm pháo đã lùi vào dĩ vãng và trở thành "kỷ niệm xưa" mỗi khi nhắc đến. Giờ đây, thị tứ Bình Đà với mạng lưới đường làng, ngõ xóm đã được bê tông hóa, nhà cao tầng đua nhau mọc lên khiến nơi đây ngày càng khang trang và sầm uất.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.