Kể chuyện làng: Làng tôi cảnh mới, nếp xưa

Hà Giang Thứ tư, ngày 11/05/2022 06:30 AM (GMT+7)
Trong số hơn 2 triệu người dân Việt năm ấy chết đói, dân làng tôi cũng mất vài chục người. Nạn đói chưa qua thì tháng 7 cùng năm, vỡ con đê bối, dân làng lâm vào cảnh ngập lụt: "Ngoài đồng nước ngập trắng băng/ Lợn ngoi gầm bục, gà nằm mái tranh".
Bình luận 0

Làng Long Bối của tôi còn có tên tục gọi là làng Bái, xưa thuộc tổng Đông Động, huyện Thanh Quan, phủ Tiên Hưng nay thuộc xã Đông Hợp, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Làng tôi có ba lối để đi, đến. Cuối làng, phía Tây Bắc là đường đi lên làng Nguyễn. Cũng cuối làng, phía Tây Nam có một con đường đi sang Xuân Đài và lối rẽ phải đi Tăng, Khuốc... Còn con đường chính là đi từ đường 10 ở phía Đông vào làng. 

Lên đường 10, nếu đi theo hướng tay phải là đi sang thị xã Thái Bình (nay là TP. Thái Bình) mà bà con làng tôi mỗi khi có việc thường nói là "đi lên tỉnh". Còn rẽ trái là ra Phòng (cách mà dân làng tôi quen gọi TP. Hải Phòng). Đường đi và đến làng có đến ba đường nhưng ngày xưa làng tôi heo hút, khuất nẻo lắm. 

Từ đầu làng đi lên đường 10 cũng phải hơn cây số, làng lại ẩn mình sau luỹ tre vì thế làng tôi trở nên nhỏ bé và ít tăm tiếng giữa vùng châu thổ sông Hồng dày đặc những dấu tích cổ xưa. Hai con đường phía Tây đều là đường đất, to hơn bờ ruộng một chút. Chỉ duy nhất con đường chính dẫn từ đường 10 vào làng là rộng rãi được lát gạch nghiêng. Ngày trước dân làng thường đi bộ. Còn quan phủ, quan huyện mỗi khi có việc về làng thường cưỡi ngựa hoặc có người võng, đến sau này người dân mới có xe đạp nên đường làng lát gạch còn giữ được nguyên vẹn, đẹp đẽ đến những năm 60 của thế kỷ trước. 

Làng tôi nằm trong vùng đất trũng. Chữ "bối" có nghĩa là con đê bối. Theo các cụ, tên gọi làng Bái cũng từ "bối" mà ra. Dấu tích con đê bối bao quanh làng nay không còn nữa. Tuy nhiên có thảm kịch vẫn còn mãi in dấu ấn trong ký ức dân làng, đấy là nạn đói, nạn lụt năm Ất Dậu - 1945.

Kể chuyện làng: Làng tôi - Cảnh mới, nếp xưa - Ảnh 1.

Quang cảnh lễ hội đình làng Bái. Ảnh: Hà Giang

Theo truyền thuyết, làng Long Bối xưa là ấp Long Bối được hình thành từ đời Hùng Duệ Vương thứ 18, vào năm 218 trước Công nguyên. Có nghĩa làng Bái được lập cách đây khoảng hơn 2 ngàn năm. Người có công lập ấp là hai anh em sinh đôi Nguyễn Cao Sùng và Nguyễn Cao Hiển, quê ở động Năng Xương, phủ Hưng Hoá, trấn Sơn Tây. Sau này, hai ông giúp Vua Hùng đánh tan quân xâm lược phương Bắc nên được ban phong là Tả bố chính và Hữu bố chính. Khi mất, hai ông được nhà vua sắc phong là Cao Sơn đại vương thượng đẳng thần và Quý Minh đại vương thượng đẳng thần. 

Thuở ấy, trong khi hành du qua vùng Sơn Nam, phủ Thái Bình, huyện Thanh Quan, hai ông thấy vùng quê màu mỡ, dân cư thưa thớt nên dừng chân hô hào dân đến đây lập ấp. Nhận thấy mảnh đất có hình thế long linh nên hai ông đặt tên ấp là ấp Long Bối. Cái tên Long Bối được các cụ xưa giải nghĩa là lưng rồng. Sau này, Long Bối được tách đôi thành hai làng là Long Bối và Phong Lôi. Hiện hai ông được thờ phụng là Thành hoàng trong đình làng Phong Lôi.

Thời Pháp thuộc, làng Bái không chỉ có nhiều người tham gia mà còn là cơ sở hoạt động của phong trào Đốc Đen - Đốc Dẫn, một phong trào của những người nông dân Thái Bình hưởng ứng phong trào Cần vương nổi dậy chống Pháp. Đến thời tiền khởi nghĩa, làng tôi có cụ Hà Đức Văn sớm giác ngộ cách mạng từng tham gia tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Đến thời kỳ chống Pháp, làng Bái bé nhỏ của tôi nằm kẹp giữa 4 đồn bốt của giặc Pháp gồm bốt Gòi, bốt Đông Các, bốt Chùa Năm và bốt Cầu Năm nhưng đêm đêm dân làng vẫn bí mật chở che, dẫn cán bộ, bộ đội luồn lách đồn bốt địch vượt đường 10 nối liền mạch máu giao thông giữa vùng Tiên - Duyên - Hưng với miền đông duyên hải của tỉnh Thái Bình. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, có gần 80 thanh niên của làng hy sinh ngoài chiến trường.

Kể chuyện làng: Làng tôi - Cảnh mới, nếp xưa - Ảnh 2.

Khung cảnh lễ hội đình làng Bái. Ảnh: Hà Giang

Nếu ngồi điểm lại thì thấy người làng Bái rời làng ra đi rồi ở lại khắp nơi trong nước, từ địa đầu phía Bắc ở Hà Giang đến tận cuối đất biển Cà Mau nhưng tập trung đông nhất là ở các thành phố lớn Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trước đây bà con đi kinh tế mới như Đại Từ (Bắc Thái), Sơn Dương (Tuyên Quang), Lâm Đồng, Sông Bé... Tuy chưa thành công đến mức to lớn, rực rỡ nhưng người làng Bái có người lên đến cấp tướng, cấp tá trong quân đội, công an, có người từng đứng đầu cấp tỉnh, cấp huyện, có người giữ vị trí viện trưởng nghiên cứu hoặc là trưởng, phó các sở, ban ngành, một số người là chủ doanh nghiệp thành đạt...

Có bề dày lịch sử hàng ngàn năm nên làng tôi được lớp lớp các thế hệ dân làng gây dựng, bồi đắp bằng mồ hôi và thậm chí cả xương máu. Trong làng có gần sáu chục dòng họ, chi họ, hầu như họ nào cũng có nhà thờ được xây dựng khá trang nghiêm điểm tô cho diện mạo của làng. Chính nét văn hoá, sâu đậm nghĩa tình được toả ra một phần cũng từ các nhà thờ họ. Không chỉ là nơi để con cháu ở xa mỗi lần về quê có chỗ thắp hương ông bà, tổ tiên mà nhà thờ họ còn là gạch nối âm dương và là nơi để người làng gặp nhau thưa trình những thay đổi, tiến bộ trong cuộc sống. 

Văn hoá được bà con trong làng giữ gìn, nối bền qua các dòng họ với những phong tục, tập quán, lề thói ứng xử từ các dòng họ, từ làng xã mà toả đi là thế. Ngày trước, con đường chính vào làng tôi có cái cổng làng. Cái cổng xinh xắn, bề thế ôm trọn con đường lát gạch nghiêng. Ngay trước đình làng còn có Văn từ. Có lẽ trong khu vực, làng Bái là làng hiếm hoi xây được Văn từ. Điều đó chứng tỏ, dân làng hết sức tôn trọng sự học, tôn trọng chữ nghĩa, tôn trọng văn hoá. 

Ngôi Văn từ được xây trông giống như cuốn sách mở, cao hơn hẳn những ngôi nhà dân thời điểm ấy, hướng về Đông, xa dân cư, nhoi hẳn ra phía đồng. Đi đâu về đến cổng làng là nhìn thấy Văn từ. Một khi có ai đó rời làng ra đi, đứng ở cổng làng quay lại nhìn sẽ thấy Văn từ. Dường như các cụ xưa muốn nhắc nhở, dặn dò con cháu, đi đâu, làm gì cũng phải học, phải hiểu biết mới giàu sang, hạnh phúc, mới hoà vào với thiên hạ để mà vươn lên. Rất tiếc, ngôi Văn từ không thể tồn tại được đến ngày nay, bởi thời gian, mưa nắng.

Kể chuyện làng: Làng tôi - Cảnh mới, nếp xưa - Ảnh 3.

 Lễ hội đình làng Bái. Ảnh: Hà Giang

Bây giờ, cái làng Bái nhỏ bé khi xưa của tôi đã đổi khác đến khó mà tưởng tượng. Con đường vào làng khi xưa lát gạch nghiêng không còn nữa thay vào đó là con đường khang trang trải nhựa chạy thẳng từ đường 10 vào đến cuối làng. Cái cổng làng xưa cũng không còn. Ngay từ chiến tranh phá hoại, kho công nghệ phẩm của tỉnh sơ tán về đình làng, chiếc cổng bị phá đi cho xe ô tô ra vào vận chuyển hàng hoá.

Đoạn đường từ cổng làng lên đường 10 ngày xưa xa hun hút hàng cây số nay hoá ra rất gần. Bởi hai bên đoạn đường xưa trống vắng nay lấp đầy nhà cửa. Làng đã tràn lên đến tận đường 10. Rồi làng còn phình ngang, tràn lấp luôn con cừ trước đây lúc nào nước cũng trong văn vắt dẫn nước tưới tiêu cho cánh đồng và mang nước đến cho dân làng sinh hoạt hàng ngày.

Làng bây giờ chẳng khác gì phố xá ở các thành phố. Không ít ngôi nhà to đẹp, hoành tráng như biệt thự mọc lên. Và không chỉ xây dựng nhà cửa ở quê khang trang mà không ít người dân làng Bái quê tôi còn đầu tư mua chung cư, mua nhà đất cho con cái theo học đại học hoặc làm ăn ở trên TP. Thái Bình, Hà Nội và cả trong TP. Hồ Chí Minh nữa. Ngoài làm ruộng, trước kia dân làng tôi còn có nghề dệt vải nổi tiếng "Sồi xe, đũi nái, vải Bái nhuộm nâu" nhưng nghề này không sống được trước sự phát triển của công nghiệp, công nghệ nên dân làng bỏ nghề từ lâu. 

Thay vào đó, dân làng tôi năng động, nhạy bén với thị trường phát triển rất nhiều ngành nghề khác nhau. Và thế là trong làng xuất hiện nhiều ông, bà chủ doanh nghiệp. Kinh tế thì như thế, còn đời sống thì khỏi nói. Có ti vi, mạng internet... nên bà con không còn "đói" thông tin như ngày xưa. Chỉ ngồi ở làng nhưng bà con biết đủ mọi chuyện từ chuyện cuộc chiến Nga - Ukraine đến Triều Tiên phóng tên lửa...

Ngày xưa, khi lâm vào cảnh cơ hàn buộc phải rời làng ra đi kiếm sống thì nay người ta ra đi để học hỏi, để làm giàu. Công cuộc phát triển mới thời nay khiến làng tôi biến đổi khác xưa nhưng nếp cũ vẫn còn. Những cái mới đã và đang được lớp cháu con người làng Bái tiếp tục bồi đắp. Cái quý nhất, làng tôi vẫn giữ được nếp xưa, vẫn là nơi thư thái, yên ấm mỗi khi ta trở về.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!

                                                                                                      

 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem