Trong những câu chuyện ôn cố là chính, bố tôi, một cựu Đại tá quân đội thường hay nhắc về "ngày xưa", của một Hà Nội đúng chất "36 phố phường". Hà Nội thời bao cấp khó khăn lắm, với những gia đình như tôi, khi bố thường xuyên công tác xa, mẹ làm nhân viên bách hóa mậu dịch, tôi cũng như bao bạn bè đồng trang lứa đã trải qua nhiều dấu ấn không thể phai mờ.
Cuộc sống hiện đại, khi công nghệ số lên ngôi, khi điện thoại thông minh thậm chí trở nên quen thuộc và mang tính đương nhiên với rất nhiều đứa trẻ (trong đó có con tôi), những điều đó chắc chắn không tồn tại ở thời điểm tôi là một cậu bé 6 tuổi cách đây hơn 30 năm. Vậy, Hà Nội của tôi khi ấy có gì?
Tôi sinh ra với giấy khai sinh ở "87 Hàng Gai, Hoàn Kiếm, Hà Nội". Khi còn quá nhỏ và cũng chưa bị cuốn vào cuộc sống với tiết tấu mạnh như hiện tại, tôi chẳng hiểu điều đó có ý nghĩa gì.
Thực tế, nơi tôi lớn lên trong một đại gia đình gồm ông bà nội, các cô dì, chú bác là ở phố Nguyễn Lương Bằng, nơi hiện tại đã được giải tỏa. Nhưng chính từ nơi đó, tôi lại có vô số kỷ niệm, cực nhiều điều để nhớ của thời niên thiếu không bao giờ trở lại.
Bố tôi là bộ đội. Bố phải đi công tác liên tục và chỉ cuối tuần mới có thể về nhà. Tôi, chính là tôi khi ấy, thuở nhỏ lúc học tiểu học thường phải đi học một mình.
Thời ấy, bố tôi nghĩ tôi là giỏi lắm khi thằng con 3 tuổi của ông đã biết đọc nên 5 tuổi, tôi đã đi học lớp 1. Chắc cũng ít ai như tôi, khi bố mẹ vắng nhà, sáng học lớp 1, chiều vẫn học mẫu giáo lớn.
Bà nội tôi, tần tảo với cuộc sống mưu sinh ở gia đình thời điểm ấy, sáng nào cũng gánh một gánh chè lên chợ Hàng Bè để bán. "Chợ Hàng Bè" với tôi thời đó là cả một sự háo hức, là tất cả những sự chờ đợi của một đứa trẻ.
2 tuần một lần, cứ vào cuối tuần, khi được về nhà, bố tôi lại đưa tôi và cả bà nội tôi lên chợ Hàng Bè. Bố dậy sớm, chuẩn bị mọi thứ cho bà và gánh cả gánh chè của bà ra đầu Ô Chợ Dừa để đợi tàu điện.
Tôi thì bố không phải nhắc, vì mỗi lần được lên phố chơi, tôi háo hức có ngủ được đâu, thậm chí còn dậy sớm để nhắc bố đã đến giờ chưa?
Tàu điện ngày xưa sơn xanh đỏ, ghế gỗ cũ kỹ, nhưng tiếng "leng keng" đặc biệt ấn tượng với những đứa trẻ như tôi. Tàu chạy trên đường ray, đi chậm rãi là một trong những hình ảnh khắc sâu trong tâm trí của tôi và những người sinh cùng thời.
Đưa bà lên chợ Hàng Bè, bố tôi tranh thủ đưa tôi đi bộ đến Hồ Gươm, đi một vòng đến Bodega ăn một chiếc bánh sừng bò, ra kem Tràng Tiền thưởng thức một que kem. Sau đó, bố cho tôi đến cầu Thê Húc, cho trèo leo lên Tháp Bút rồi quay lại gánh chè của bà nội.
Chợ Hàng Bè lúc ấy tất nhiên rất khác bây giờ. Tôi vẫn nhớ, gánh chè của bà ở cạnh cửa hàng bán đồ khô của ông Tư Hốt. Tôi được ăn một bát chè thật ngon của bà, lúc là chè sen, lúc là chè đỗ đen hoặc khi là chè đậu xanh.
Bây giờ, bà tôi đã mất, bố tôi cũng đã về hưu. Chợ Hàng Bè bây giờ cũng khác, khi chợ gốc đã chuyển đến phố Vọng Hà. Điều này, chắc cũng không phải người Hà Nội nào cũng biết.
Nhưng, khu phố từ Gia Ngư sang Cầu Gỗ vẫn được họp chợ, vẫn giữ khá nhiều nét xưa, với những món đồ đặc sắc mang phong vị và dấu ấn không thể lẫn của người Hà Nội. Người dân ở đây và chính tôi, theo thói quen, vẫn gọi là "chợ Hàng Bè".
Và tôi, một người Hà Nội gốc "trên giấy tờ", mỗi lần đi qua chợ Hàng Bè của tôi ngày xưa, những ký ức lại ùa về. Bởi, nơi đó từng có bà nội tôi với gánh chè, có những chuyến tàu điện leng keng cùng bố và những kỷ niệm chẳng bao giờ xuất hiện lần thứ hai trong cuộc đời.