Dân Việt

ĐBQH: "Không thể nào mài dao cả năm chém khách vài buổi", cần kéo dài hỗ trợ "cứu" du lịch

Huyền Anh 25/05/2022 11:53 GMT+7
Đại biểu Bùi Hoài Sơn cho biết, các doanh nghiệp trong ngành du lịch đã rất kiệt quệ, có tới 50% doanh nghiệp vận tải hành khách du lịch đã đóng cửa trong khi đó nhiều công ty lữ hành, khách sạn mở cửa hết sức dè dặt.

Theo chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 25/5 Quốc hội thảo luận ở tổ nhằm đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Đóng góp về lĩnh vực du lịch, đại biểu Bùi Hoài Sơn (đoàn Hà Nội) cho biết, sau đại dịch ông đã đến 2 tỉnh là Quảng Nam và Đà Nẵng, hình thức thì thấy du lịch có vẻ "hân hoan" khi lượng khách du lịch rất đông nhều khi quá tải. Nhưng trên thực tế lại không tươi sáng như thế, theo đại biểu Sơn.

"Chúng tôi đến các công ty du lịch, các thành phố nghe báo cáo thì thấy rằng, việc khách du lịch tăng đột xuất trong thời gian qua không mang lại sự phát triển bền vững cho ngành du lịch. Bởi thống kê cho thấy 70% khách du lịch của Việt Nam đến từ Đông Bắc Á nhưng số khách này lại chưa quay trở lại Việt Nam. Tức là chúng ta mở cửa và có nhiều hình thức xúc tiến nhưng khách chưa đến. Tất nhiên, khi mở cửa du lịch vẫn cần phải có thời gian để du khách quay trở lại nhưng điều đó cho thấy rất nhiều thách thức.

ĐBQH: "Không thể mài dao cả năm chém khách trong 1,2 buổi", kéo dài hỗ trợ "cứu" du lịch - Ảnh 1.

ĐBQH Bùi Hoài Sơn kiến nghị kéo dài hỗ trợ đối với ngành du lịch. (Ảnh: QH)

Một thực tế khác cũng được đại biểu Sơn nhấn mạnh, đó là việc các doanh nghiệp trong ngành du lịch đã rất kiệt quệ, có tới 50% doanh nghiệp vận tải hành khách du lịch đã đóng cửa trong khi đó nhiều công ty lữ hành, khách sạn mở cửa hết sức dè dặt. Bởi các doanh nghiệp thấy rằng, không thể trông đợi vào 1, 2 kỳ du lịch đột biến đó mà họ có thể sống sót được, "không thể nào mài dao cả năm chém khách vài buổi được", ông Sơn nói.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp đang thực sự gặp khó khăn. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ chưa phát huy được hiệu quả, và kéo dài tới hết tháng 6/2022.

Ví dụ như chính sách giảm tiền điện trước đây, theo đại biểu Sơn việc giảm tiền điện thực hiện trong thời gian các công ty trong ngành đóng cửa, không sử dụng đến điện, như vậy chính sách này "vô nghĩa". Hay như chính sách miễn giảm lãi vay, khoanh nợ,... cũng chỉ áp dụng đến tháng 6/2022.

ĐBQH: "Không thể mài dao cả năm chém khách trong 1,2 buổi", kéo dài hỗ trợ "cứu" du lịch - Ảnh 2.

Ngành du lịch còn nhiều khó khăn sau dịch Covid-19.

Nhấn mạnh ngành du lịch là ngành có sức lan tỏa lớn, khi du lịch phát triển các ngành liên quan đến du lịch như ẩm thực, giao thông, khách sạn sẽ phát triển theo. Chính vì vậy, đại biểu Sơn mong muốn các chính sách hỗ trợ cho ngành du lịch sẽ tiếp tục được kéo dài. Bởi không có sự hỗ trợ tiếp các doanh nghiệp sẽ còn đóng cửa nhiều - đại biểu Sơn nhận định.

Chẳng hạn chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% không chỉ áp dụng trong năm 2022 mà kéo dài trong các năm tiếp theo. Đồng thời, cho phép các doanh nghiệp du lịch được cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm lãi vay, khoanh nợ, miễn lãi chậm trả nợ đến hết năm 2022.

Đối với chính sách miễn visa chẳng hạn, theo đại biểu Sơn đây là một trong những yếu tố quyết định thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Nên hay không tính đến việc miễn visa với nhiều quốc gia hơn và thời gian dài hơn, ví dụ như 30 ngày thay vì 15 ngày.

"Những câu chuyện như thế, thông qua việc khảo sát giám sát hoạt động phục hồi sau dịch, chúng ta thấy bộc lộ ra nhiều vấn đề. Từ câu chuyện đó không chỉ giải quyết vấn đề trước mắt là dịch bệnh mà phải tính dài hơi hơn, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững", đại biểu Sơn nhấn mạnh.