Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, dự thảo Luật đã kế thừa quy định về hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như Luật Thanh tra hiện hành, gồm: Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh và Thanh tra huyện.
Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí với việc tổ chức các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, gồm Thanh tra Chính phủ và Thanh tra tỉnh; đồng thời, đề nghị bổ sung quy định về việc thành lập cơ quan thanh tra tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Về mô hình tổ chức Thanh tra huyện, quá trình thảo luận còn có 2 loại ý kiến. Đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với loại ý kiến thứ nhất - tiếp tục duy trì mô hình tổ chức Thanh tra huyện, vì các lý do:
Tổ chức thanh tra hành chính ở cấp huyện đã có quá trình hình thành và phát triển ổn định, lâu dài.
Việc duy trì, củng cố cơ quan thanh tra hành chính ở cấp huyện là cần thiết, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ nguyên lý "ở đâu có quản lý thì ở đó có thanh tra"; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất về tổ chức với cơ quan thanh tra ở cấp tỉnh và Trung ương; phù hợp và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao cho Thanh tra huyện trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và Luật Phòng, chống tham nhũng.
Những bất cập trong tổ chức và hoạt động của Thanh tra huyện hiện nay không phải do thiết chế này không còn phù hợp mà do chưa được quan tâm bố trí đủ nguồn lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; do đó, cần có giải pháp hiệu quả khắc phục hạn chế này.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng cần nghiên cứu, có giải pháp đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra, theo đó không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện.
Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, các ý kiến lý giải, báo cáo tổng kết thi hành Luật Thanh tra đã chỉ rõ, ở cấp huyện không có nhiều nhu cầu thanh tra; biên chế rất ít nên không phát huy được hiệu quả nên khi đề nghị đưa dự án Luật vào Chương trình, Chính phủ đã đề xuất không duy trì Thanh tra huyện; khắc phục tình trạng "dàn đều" nhưng biên chế quá mỏng của các cơ quan Thanh tra huyện, bổ sung nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cho Thanh tra tỉnh.
Nếu bỏ thanh tra cấp huyện thì nhiệm vụ của cơ quan Thanh tra huyện sẽ được chuyển cho Thanh tra tỉnh, các cơ quan chuyên môn khác thuộc UBND huyện. Điều này thuận lợi cho việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thanh tra ở địa phương do quản lý tập trung. Giảm số lượng lớn đầu mối tổ chức Thanh tra huyện, phù hợp với chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy.
Tuy nhiên, quá trình xây dựng, hoàn thiện dự án Luật, nhiều ý kiến cho rằng, huyện là một cấp chính quyền quan trọng, cơ quan thanh tra hiện nay không chỉ thực hiện chức năng thanh tra mà còn có trách nhiệm giúp UBND thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Mặt khác, nếu không tổ chức Thanh tra huyện thì Thanh tra tỉnh cũng phải tăng thêm biên chế và tổ chức thêm các phòng chuyên môn phụ trách thanh tra địa bàn các huyện khi có yêu cầu, nên thực tế việc tinh giản bộ máy cũng không đáng kể.
Vì vậy, Tổng Thanh tra Chính phủ nêu rõ, dự thảo Luật đã tiếp thu các ý kiến và giữ nguyên quy định về Thanh tra huyện. Để khắc phục những bất cập hiện nay trong tổ chức và hoạt động của Thanh tra huyện đã được chỉ ra trong Báo cáo tổng kết thi hành Luật Thanh tra, cần tăng cường về tổ chức, biên chế cho các cơ quan Thanh tra huyện nhằm đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ được giao.