ĐBQH: "Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí không phải là con lừa gánh hết các vấn đề xã hội"

Nguyễn Tố Thứ tư, ngày 25/05/2022 17:08 PM (GMT+7)
Thảo luận ở tổ về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Đoàn ĐBQH Hải Phòng) cho rằng Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn trong phạm vi hẹp, mới chỉ chú trọng đối tượng sử dụng ngân sách Nhà nước, trong khi ngoài xã hội tràn lan các hành vi lãng phí tiền của khác mà Luật chưa đề cập tới.
Bình luận 0

Lãng phí không còn là vấn đề đạo đức thông thường

Về kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí, một số đại biểu cho rằng, theo quy định của Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí, việc tiết kiệm là giảm bớt hao phí trong sử dụng vốn, tài sản, thời gian lao động và tài nguyên nhưng vẫn đạt được mục tiêu.

Đối với những lĩnh vực có định mức, tiêu chuẩn, chế độ được hình thành thì tiết kiệm là việc sử dụng ở mức thấp hơn định mức, tiêu chuẩn nhưng vấn đạt được mục tiêu. Bên cạnh đó, trường hợp thực hiện đúng mục đích, tiêu chuẩn nhưng đạt được kết quả cao hơn mục tiêu cũng được coi là tiết kiệm.

ĐBQH: “Cái kim sợi chỉ không tiết kiệm, còn lãng phí thì nói gì đến vấn đề lớn lao” - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi cho rằng cần coi lãng phí là vấn đề thiệt hại kinh tế chứ không phải đạo đức xã hội thông thường. Ảnh: QH

Trong báo cáo của Chính phủ đã rà soát và ban hành nhiều định mức, chế độ tiêu chuẩn, các đại biểu cho rằng cần có sự đánh giá đúng mức sự phù hợp về chế độ định mức, tiêu chuẩn đó về tính hợp pháp. Đồng thời cần lấy đó làm thước đo để đánh giá việc thực hành tiết kiệm. Nếu chỉ thực hiện đúng định mức tiêu chuẩn, thì chưa đạt được mục tiêu thực hành tiết kiệm.

Nói về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Đoàn ĐBQH Hải Phòng) nêu thực tế: "Về tiết kiệm chống lãng phí, chúng ta có Luật đầy đủ nhưng phạm vi và đối tượng chủ yếu vẫn thuộc ngân sách Nhà nước, nghĩa là những đối tượng sử dụng tiền của Nhà nước, trong khi ngoài xã hội không biết bao nhiêu vấn đề khác cũng đang gây lãng phí".

Đại biểu Hồi dẫn chứng: "Ví dụ trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, nếu chúng ta xử lý không cẩn thận thì tiền giải quyết hậu quả các vấn đề môi trường lớn hơn nhiều so dự toán ban đầu – đấy cũng là một hình thức lãng phí.

Hay ví dụ các tại các cơ quan công quyền đòi xây trụ sở rất hoành tráng, nhiều tiền, nhưng xây xong lại không sử dụng hết đem cho thuê trái với mục địch sử dụng ban đầu, cái đó cũng là lãng phí, không tiết kiệm cho Nhà nước".

ĐBQH: “Cái kim sợi chỉ không tiết kiệm, còn lãng phí thì nói gì đến vấn đề lớn lao” - Ảnh 2.

Các đại biểu tổ 12 thảo luận về thực hành tiết kiệm chống lãng phí sáng 25/5. Ảnh: QH

Rõ ràng từ cái kim sợi chỉ mà chúng ta không tiết kiệm thì chưa thể nói đến những vấn đề to tát, lớn lao hơn được. Do đó, chúng ta cần điều chỉnh lại phạm vi và đối tượng thực hành chống tham nhũng, lãng phí để Luật có tính thực tiễn cao hơn.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Chu Hồi cũng nhấn mạnh: Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí không phải là "con lừa" gánh hết tất cả các vấn đề xã hội mà chúng ta phải tham chiếu, yêu cầu các luật khác điều chỉnh lại sao cho phù hợp với quy định tiết kiệm, chống lãng phí. Cách làm này gọi là tích hợp giữa các ngành với nhau và đấy chính là cách làm luật.

Nhiều người nói vui "lãng phí chỉ là em của tham nhũng thôi" nhưng tôi cho rằng nó là vấn đề lớn, bây giờ lãng phí rất thoải mái, rất nhiều kiểu lãng phí và rất tinh vi. Lãng phí không còn là vấn đề đạo đức thông thường mà nó là vấn đề kinh tế, do đó chúng ta cần phải có lộ trình xây dựng các quy định thực hành tiết kiệm chống lãng phí sao cho có chế tài tích cực, phù hợp, đánh trúng, đúng. Vừa có tác dụng răn đe nhưng vừa tạo cơ sở để phát triển".

Đề xuất khen thưởng những người phát hiện lãng phí

ĐBQH: “Cái kim sợi chỉ không tiết kiệm, còn lãng phí thì nói gì đến vấn đề lớn lao” - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh cho rằng cần bổ sung thêm định mức, tiêu chuẩn, số liệu trong các lĩnh vực khác để giúp công tác điều hành, chỉ đạo và các cơ quan thực hiện được tốt hơn, nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ảnh: QH

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho rằng, báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí chỉ nêu các chỉ số định mức, tiêu chuẩn trong lĩnh vực xây dựng, cần bổ sung thêm định mức, tiêu chuẩn, số liệu trong các lĩnh vực y tế, công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn… để giúp công tác điều hành, chỉ đạo và các cơ quan thực hiện được tốt hơn, nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. 

Để khuyến khích tiết kiệm trong các cơ quan tổ chức, một số đại biểu cho rằng cần có cơ chế, phân chia lại những hiệu quả được tiết kiệm, cần có khuyến khích về mặt lợi ích cho các đối tượng thực hành tiết kiệm.

Các đại biểu cũng bổ sung thêm: trong phát hiện lãng phí, hiện tại luật mới quy định về việc bảo vệ, biểu dương người phát hiện lãng phí, vì vậy cần khuyến khích ở mức độ cao hơn. Ví dụ, có thể khen thưởng cho những người phát hiện lãng phí, để nâng cao hơn nữa hiệu quả thực sự của công tác này.

Với việc thực hành tiết kiệm trong nhân dân, các đại biểu cho biết, khi tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến mong muốn Đảng, Nhà nước quan tâm, nghiên cứu để phát động toàn dân tham gia công cuộc thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Cử tri mong muốn đặt vai trò, tầm quan trọng của tiết kiệm chống lãng phí ngang với công cuộc phòng chống tham nhũng mà nước ta đang quyết tâm thực hiện.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem