Bộ GTVT cho biết, vẫn còn 9 dự án do Bộ GTVT quyết định đầu tư hoặc làm chủ đầu tư có kết quả giải ngân chưa đáp ứng yêu cầu.
Cụ thể, các dự án này chia làm 3 nhóm đó là chậm giải ngân do lựa chọn nhà thầu chậm (2 dự án) gồm kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc (Ban quản lý dự án 2); dự án Tân Vạn - Nhơn Trạch (Ban quản lý dự án Mỹ Thuận). Giải ngân chậm do hoàn thiện hồ sơ nội nghiệp là dự án đường cất hạ cánh sân bay Tân Sơn Nhất do Ban quản lý dự án Mỹ Thuận quản lý.
Dự án chậm giải ngân do tiến độ thi công chưa đáp ứng yêu cầu (6 dự án) gồm Diễn Châu - Bãi Vọt do Ban quản lý dự án 6 quản lý; (2 dự án thuộc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (Mỹ Thuận - Cần Thơ, tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên), Quốc lộ 279B - Sở Giao thông Vận tải Điện Biên quản lý, Quốc lộ 21B đoạn Chợ Dầu - Ba Đa do Sở Giao thông Vận tải Hà Nam quản lý, dự án Quốc lộ 15-Tiểu dự án 3 do Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa quản lý.
Để đảm bảo phân bổ, giải ngân hết kế hoạch năm 2022 được giao, Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT) đề nghị các chủ đầu tư, ban quản lý dự án xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết cho tất cả các dự án khởi công mới.
Đồng thới, các chủ đầu tư có kế hoạch phải cụ thể theo các mốc tiến độ hoàn thiện thủ tục, thực hiện đầu tư bao gồm dự kiến nhu cầu sử dụng vốn năm 2022 tương ứng với các mốc tiến độ, sớm trình lãnh đạo Bộ chấp thuận, làm cơ sở đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện với từng dự án và điều hành tổng thể kế hoạch vốn đầu tư năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao.
Cũng theo Vụ Kế hoạch và đầu tư, chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ các dự án đang thực hiện; rà soát, đề xuất nhu cầu bổ sung kế hoạch năm 2022 cho các dự án đang thực hiện từ nguồn vốn kế hoạch năm 2022 chưa phân bổ của bộ và phải bảo đảm giải ngân hết kế hoạch năm 2022 sau khi điều chỉnh.
Đối với các dự án khởi công mới, có dự kiến sử dụng kế hoạch vốn năm 2022 nhưng đến nay chưa hoàn thiện thủ tục phê duyệt dự án đầu tư, các đơn vị căn cứ tiến độ hoàn thiện thủ tục và kết quả rà soát lại nhu cầu sử dụng vốn trong năm 2022 để đề xuất điều hòa, điều chỉnh lại từ kế hoạch năm đã giao cho các dự án khác của đơn vị.
Theo kế hoạch các chủ đầu tư/ban quản lý dự án đăng ký, trong tháng 6/2022, Bộ GTVT phải giải ngân khoảng 3.950 tỷ đồng; lũy kế tới hết tháng 6/2022 giải ngân 19.030 tỷ đồng, đạt khoảng 37,9% kế hoạch Thủ tướng giao và 44% kế hoạch Bộ trưởng Giao thông Vận tải giao.
Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, để đạt được mục tiêu trên, lãnh đạo các đơn vị cần quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân tại các dự án có kế hoạch còn lại lớn, đặc biệt là tại các dự án trọng điểm, các dự án
Ngoài ra, phải hoàn thành trong năm 2022 như cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 1 (cần giải ngân 1.740 tỷ đồng); cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (140 tỷ đồng); dự án sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất (160 tỷ đồng); các dự án đường sắt cấp bách (174 tỷ đồng); cao tốc Tân Vạn - Nhơn Trạch (370 tỷ đồng); dự án Kết nối Tây Nguyên (126 tỷ đồng).
Về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT dự kiến đầu tư 66 dự án khởi công mới.
Đến nay, 48/66 dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, gồm: 1 dự án quan trọng quốc gia (dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025), 2/9 dự án nhóm A (cầu Rạch Miễu 2 và cao tốc Cao Hữu - An Lãnh) và 45/53 dự ám nhóm B,C.
Trong số các dự án được quyết định chủ trương đầu tư, đã phê duyệt đầu tư 14 dự án, gồm: dự án cầu Rạch Miễu; Dự án nâng cấp các đoạn tuyến quốc lộ: QL32 Phú Thọ, QL12 Quảng Bình, QL7 Nghệ An, QL2 Tuyên Quang, QL31 Bắc Giang; QL1 và cầu Tam Kỳ; QL1 qua Bình Định, QL26 Khánh Hòa.
Cùng đó là các dự án: đầu tư tuyến tránh TP Cao Bằng, dự án đóng mới tàu tìm kiếm cứu nạn xa bờ; Đài vệ tinh Cospas Sarsat; Đầu tư 2 tàu tiếp tế kiểm tra trên biển và dự án nâng cấp đường sắt Nha Trang - Sài Gòn.