Dân Việt

Bí thư, Chủ tịch ở "thủ phủ cây ăn quả" Hoài Ân giúp nông dân quảng bá nông sản

Dũ Tuấn 28/05/2022 06:00 GMT+7
Tại Bình Định, "thủ phủ cây ăn quả" Hoài Ân là huyện tiên phong chủ động tổ chức cuộc trình diễn quy mô chưa từng có, sản phẩm “cây nhà lá vườn” của nông dân. Động thái này thể hiện quyết tâm rất lớn của lãnh đạo địa phương, sau nhiều lần phải đình hoãn do dịch bệnh.

Chỉ tốn 1 giây quét mã, cung cấp đầy đủ gốc gác nông sản 

Với đặc thù là huyện trung du, được bao bọc bởi hai dòng sông Kim Sơn và An Lão cùng 22 hồ chứa nước, với thổ nhưỡng, khí hậu đặc biệt thích hợp để phát triển các loại cây trồng, nhất là cây ăn quả. 

Trong những năm qua, bằng khát vọng, quyết tâm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hoài Ân đã không ngừng tìm tòi, học hỏi, sáng tạo để phát huy lợi thế của địa phương về phát triển nông nghiệp. 

Đặc biệt từ năm 2016, huyện Hoài Ân tập trung thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện đối với sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Từ nhiều năm qua, Hoài Ân là cái tên được nhắc đến với nền nông nghiệp sạch bền vững, thủ phủ cây ăn quả và là vựa heo lớn nhất miền Trung.

Bí thư, Chủ tịch ở 'thủ phủ cây ăn quả' Hoài Ân quảng bá nông sản sạch giúp nông dân - Ảnh 1.

Bưởi Hoài Ân sản phẩm sạch của chính người nông dân tạo ra, có truy xuất nguồn gốc. Ảnh: DT.

Ngày 27/5, UBND huyện Hoài Ân đã chính thức đưa các gian hàng nông sản tiêu biểu lên trưng bày, phục vụ cho Ngày hội nông sản Hoài Ân lần thứ I, năm 2022.

Đây được xem là sân chơi đầy trang trọng hiếm có của nông dân, lần đầu tiên tổ chức với quy mô lớn tại Bình Định. Hầu hết các gian hàng được bày biện rất đẹp mắt, mang hình ảnh văn hóa nông thôn Việt.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ân Tín Nguyễn Trọng Mật, đợt này xã trưng bày, quảng bá 12 sản phẩm nông nghiệp, gồm: chim trĩ, công xanh, gà lôi, mật ong dú, mật ong bộng, các sản phẩm gạo, thanh long ruột đỏ, nón lá, xơ dừa, dừa xiêm...

"Chúng tôi rất kỳ vọng các sản phẩm của người dân được giới thiệu quảng bá rộng rãi để mong tìm được thị trường, doanh nghiệp tiêu thụ nông sản cho bà con với giá thành ổn định", ông Trọng Mật cho hay.

Bí thư, Chủ tịch ở 'thủ phủ cây ăn quả' Hoài Ân quảng bá nông sản sạch giúp nông dân - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Khúc giới thiệu từng sản phẩm nông sản do người nông dân Hoài Ân làm ra trên mảnh đất quê hương. Ảnh: DT.

Từ nhiều ngày qua, Bí thư Huyện uỷ Hoài Ân Đỗ Thị Diệu Hạnh, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Khúc cùng nhiều lãnh đạo, cán bộ và nông dân của huyện…, tất cả đều bận rộn, trực tiếp xắn tay từng việc, chuẩn bị chu đáo cho ngày hội. Đặc biệt, Bí thư, Chủ tịch ở "thủ phủ cây ăn quả Hoài Ân rất nhiệt tình vào cuộc giúp nông dân quảng bá nông sản sạch trước báo giới, chuyên gia, đối tác doanh nghiệp và khách tham quan.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân Nguyễn Xuân Phong cho biết, dịp này có 17 gian hàng từ các địa phương, hợp tác xã, trung tâm nghiên cứu, viện nghiên cứu nông nghiệp triển khai trưng bày các gian hàng nông sản với 91 chủng loại sản phẩm. 

Trong đó, huyện tập trung trưng bày các sản phẩm đặc trưng có thế mạnh của huyện, có bưởi da xanh, dừa xiêm, trà Gò Loi, trà nụ hoa hòe, gạo hữu cơ, bún khô…

Bí thư, Chủ tịch ở 'thủ phủ cây ăn quả' Hoài Ân giúp nông dân quảng bá nông sản  - Ảnh 3.

Chỉ cần thao thác chụp ảnh, quét mã chưa đầy 1 giây, gốc gác nông sản sạch Hoài Ân hiện ra, cung cấp đầy đủ thông tin. Ảnh: DT.

Đặc biệt, ngày hội cũng trưng bày, triển lãm, giới thiệu và đưa các sản phẩm an toàn đặc trưng, các sản phẩm có nhãn hiệu truy xuất nguồn gốc, sản phẩm được công nhận OCOP trong huyện tới đông đảo người tiêu dùng.

Dịp này sẽ có 7 hợp đồng được ký kết về thỏa thuận hợp tác, hợp đồng hợp tác nhằm bao tiêu, tiêu thụ nông sản giữa các đơn vị tại huyện với các doanh nghiệp, đơn vị bên ngoài, trong đó có các doanh nghiệp tại TP.HCM.

Bí thư, Chủ tịch ở 'thủ phủ cây ăn quả' Hoài Ân quảng bá nông sản sạch giúp nông dân - Ảnh 3.

Bí thư Huyện uỷ Hoài Ân Đỗ Thị Diệu Hạnh với trình độ chuyên môn là thạc sĩ Khoa học cây trồng, liên tục có mặt ở ngày hội, cùng nông dân lo công tác chuẩn bị. Ảnh: DT.

Chủ tịch huyện nhắn thông điệp lan toả nông sản Hoài Ân 

Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân Nguyễn Hữu Khúc cho biết, hiện nay, huyện đang chú trọng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa theo hướng gia tăng giá trị; tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh của địa phương. 

Với định hướng đúng đắn, bước đầu đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ; tạo ra sản phẩm hàng hóa gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Hoài Ân đã tổ chức quy hoạch các vùng chuyên canh cây ăn quả với diện tích trên 1.594,4ha/10 xã, dự án hỗ trợ phát triển một số loại cây trồng có thế mạnh của địa phương với nhiều mô hình được triển khai thực hiện, các tiến bộ kỹ thuật được áp dụng rộng rãi trong quá trình sản xuất.

Bí thư, Chủ tịch ở 'thủ phủ cây ăn quả' Hoài Ân giúp nông dân quảng bá nông sản  - Ảnh 5.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long, Phó Chủ tịch tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh tham gia ngày hội cùng nông dân Hoài Ân. Ảnh: TD.

Hàng năm, duy trì diện tích sản xuất, nâng cao sản lượng và chất lượng trên 8.000 ha lúa, trên 1.152 ha ngô và rau màu các loại. Toàn huyện có trên 3.120 ha cây ăn quả với các loại cây chất lượng như bưởi da xanh, dừa xiêm, bơ sáp, quýt đường…; đặc biệt là bưởi da xanh và dừa xiêm đã đem lại hiệu quả kinh tế cao (lợi nhuận trên 150 triệu đồng/ha/năm). 

Bên cạnh đó, chăn nuôi cũng là thế mạnh của huyện với thương hiệu heo Hoài Ân, gà ta thả vườn Hoài Ân. 

Trên địa bàn huyện có 5 trang trại chăn nuôi heo với quy mô lớn áp dụng công nghệ cao và 1.960 trang trại quy mô vừa và nhỏ. Hiện nay, tổng đàn heo đạt 235.300 con; đàn trâu, bò đạt 24.900 con; đàn gia cầm đạt 693.000 con.

Bí thư, Chủ tịch ở 'thủ phủ cây ăn quả' Hoài Ân quảng bá nông sản sạch giúp nông dân - Ảnh 4.

Quét mã truy xuất nguồn gốc trên bưởi da xanh. Ảnh: DT.

Với kết quả đạt được, giá trị kinh tế của ngành nông nghiệp chiếm hơn 60% trong  tổng cơ cấu giá trị kinh tế toàn huyện. Có thể nói, đây là kết quả nổi bậc thể hiện hướng đi đúng đắn, hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện trung du, miền núi Hoài Ân.

Ghi nhận thành quả đạt được, sản phẩm dừa xiêm, bưởi da xanh, trà Gò Loi đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể. Đồng thời, 14 sản phẩm được UBND tỉnh đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP và 28 sản phẩm đăng ký giao dịch trên sàn thương mại điện tử của tỉnh.

Các sản phẩm nông nghiệp huyện Hoài Ân được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, được phân phối thông qua các đại lý, cửa hàng trên nhiều tỉnh thành của cả nước.

Bí thư, Chủ tịch ở 'thủ phủ cây ăn quả' Hoài Ân quảng bá nông sản sạch giúp nông dân - Ảnh 5.

Nông sản sạch của nông dân Hoài Ân được trưng bày tại ngày hội. Ảnh: DT.

Theo Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, ngày Hội nông sản huyện Hoài Ân lần thứ nhất được tổ chức là hoạt động thiết thực, tôn vinh những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của huyện; giới thiệu, quảng bá những sản phẩm an toàn, chất lượng đến các doanh nghiệp, nhà phân phối và người tiêu dùng; giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh để thu hút các nhà đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp. 

Đồng thời, hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm và xúc tiến các hoạt động thương mại, tăng cường kết nối chặt chẽ giữa 4 nhà "Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học" trong việc liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm và cũng là hoạt động tôn vinh thành quả lao động của bà con nông dân. 

Bí thư, Chủ tịch ở 'thủ phủ cây ăn quả' Hoài Ân quảng bá nông sản sạch giúp nông dân - Ảnh 6.

Vườn cây ăn quả thanh bình giữa vùng quê Hoài Ân. Ảnh: DT.

"Thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó giữa nông dân cùng gặp gỡ để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong canh tác, sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ những mặt hàng trái cây, nông sản đảm bảo chất lượng và an toàn. Là nơi kết nối giao thương, tạo điều kiện để doanh nghiệp, doanh nhân với nông dân cùng hợp tác, liên doanh, liên kết trong chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, đặc biệt là giới thiệu và đưa các sản phẩm an toàn đặc trưng, các sản phẩm có nhãn hiệu truy xuất nguồn gốc, sản phẩm được công nhận OCOP trong huyện tới đông đảo người tiêu dùng", ông Hữu Khúc nói.

Bí thư, Chủ tịch ở 'thủ phủ cây ăn quả' Hoài Ân quảng bá nông sản sạch giúp nông dân - Ảnh 7.

Mãn nhãn với bưởi Hoài Ân, chất lượng siêu ngon được nhiều người thích thú, đã vào siêu thị, resort... Ảnh: DT.

Gửi gắm thông điệp trong sự kiện đặc biệt dành riêng cho người nông dân, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân Nguyễn Hữu Khúc mong rằng, ngày hội sẽ là điểm nhấn, là cầu nối để sản phẩm nông nghiệp Hoài Ân vươn xa hơn nữa, mở rộng thị trường trên mọi miền đất nước. 

Trong thời gian đến, huyện Hoài Ân mong nhận được nhiều sự quan tâm hơn nữa, nhất là việc xây dựng, thực hiện có hiệu quả chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho bà con nhân dân.

Chủ tịch tỉnh khen ngợi sự "cần cù, thông minh" của nông dân Hoài Ân

Hoài Ân, vùng đất anh hùng với bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa, là quê hương của chí sỹ yêu nước Tăng Bạt Hổ, là nơi khai sinh ra Sư đoàn 3 sao vàng anh hùng với những chiến công hiển hách.

Ở đây, có những con người giàu lòng mến khách, cần cù, sáng tạo, vượt khó vươn lên. Đến vùng đất này, nhiều người không khỏi bất ngờ khi tận mắt chiêm ngưỡng những vườn cây sum suê trĩu quả, những cánh đồng trù phú, xanh tươi.


Chiều 27/5, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cùng các đại biểu đã tham quan 3 mô hình sản xuất nông nghiệp của huyện Hoài Ân, gồm: Trang trại chăn nuôi bò thịt vỗ béo của ông Trần Văn Hướng (thôn Thế Thạnh 2, xã Ân Thạnh), nuôi hơn 200 con bò thịt vỗ béo mỗi năm và xuất bán 50 con bò thịt/năm, lợi nhuận 1 tỷ đồng/năm, góp phần tạo việc làm ổn định cho 7 lao động địa phương.


Mô hình nuôi chim trĩ và ong dú của ông Tô Vũ Thành Tín (thôn Vạn Hội 2, xã Ân Tín) có quy mô 3.200m2 nuôi chim trĩ, gà Brahman, các loại gà đặc sản, lợi nhuận 200 triệu đồng/năm.


Mô hình vườn tổng hợp của ông Đặng Văn Cấp ở thôn Lộc Giang, xã Ân Tường Đông có quy mô 10 ha, trồng tiêu, dâu, sầu riêng, bưởi da xanh, dừa xiêm..., hiện có 4 ha đã thu hoạch, lợi nhuận 300 triệu đồng/năm.


Khen ngợi sự chịu khó, cần cù, thông minh của nông dân Hoài Ân, ông Nguyễn Phi Long đánh giá cao các mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu đã tham quan. Mỗi mô hình đều thể hiện được các thế mạnh về trồng trọt và chăn nuôi của huyện trung du.


Ông Phi Long lưu ý, lãnh đạo huyện chú trọng lựa chọn các mô hình phù hợp với đặc thù địa phương. Nên chọn 3-4 loại cây trồng thế mạnh để xây dựng vùng chuyên canh (tập trung vào bưởi da xanh, dừa, sầu riêng).


Ngoài ra, trồng cây trái mùa so với các vùng miền khác trong nước để tạo ra lợi nhuận lớn hơn cho nông dân. Điều đặc biệt, các cấp chính quyền hỗ trợ nông dân phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo vùng sản xuất đủ tiêu chuẩn phục vụ người tiêu dùng.