Liên danh FPT trúng thầu dự án hơn 4.300 tỷ đồng, Bình Định giải trình gì với Chính phủ?

Dũ Tuấn Thứ năm, ngày 26/05/2022 14:54 PM (GMT+7)
Giải trình về dự án Trung tâm Trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ, UBND tỉnh Bình Định cam kết thực hiện các trình tự, thủ tục về pháp lý của dự án đúng theo quy định pháp luật.
Bình luận 0

Ngày 26/5, UBND tỉnh Bình Định cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long vừa ký báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ xem xét, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ về nội dung triển khai thực hiện dự án Trung tâm Trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ. 

Trước đó, UBND tỉnh Bình Định nhận được Văn bản số 10/AIQN-HCTH ngày 05/5/2022 của Công ty TNHH Trí Tuệ nhân tạo Quy Nhơn về việc Văn phòng Chính phủ yêu cầu làm rõ quá trình lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án trên.

Liên danh FPT trúng thầu dự án hơn 4.300 tỷ đồng, Bình Định giải trình gì với Chính phủ? - Ảnh 1.

FPT đang đầu tư dự án ở Bình Định. Ảnh: DT.

Ông Nguyễn Phi Long cho biết, năm 2012, UBND tỉnh Bình Định đầu tư xây dựng tuyến đường Long Vân - Long Mỹ có chiều dài hơn 7km đi qua 2 phường Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân, kết nối Quốc lộ 1A và Quốc lộ 1D, nối các phường Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân với trung tâm TP.Quy Nhơn. 

Căn cứ quy hoạch được phê duyệt, UBND tỉnh Bình Định đã triển khai mời gọi đầu tư dự án Khu đô thị trí tuệ nhân tạo đối với các vị trí quy hoạch đất giáo dục (trường Đại học), đất khu nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) và phát triển công nghệ, đất khu sản xuất công nghệ cao và các khu đất ở, thương mại dịch vụ. 

Dự án được tổ chức đấu thầu theo Luật Đấu thầu 2013, Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư. 

Ngày 27/4/2020, UBND tỉnh Bình Định ban hành Quyết định số 1574/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh mục dự án có sử dụng đất để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư với dự án: Trung tâm trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ.

Dự án được xây dựng tại phường Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân, với diện tích khoảng 94ha (không bao gồm diện tích Hồ Bàu Lát), trong đó: Đất xây dựng cơ sở khoa học và công nghệ 11,1ha, đất ở đô thị 41,2ha, đất công trình công cộng 3,0ha, đất giáo dục 3,3ha, còn lại là đất cây xanh, hạ tầng kỹ thuật. Tổng mức đầu tư: 4.362,310 tỷ đồng (bốn ngàn, ba trăm sáu mươi hai tỷ, ba trăm mười triệu đồng). 

Theo ông Nguyễn Phi Long, mục tiêu của dự án sẽ xây dựng mới một khu đô thị hiện đại về tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan. 

Đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội với tính chất chính là đô thị trí tuệ nhân tạo, cụ thể: nghiên cứu, đào tạo, sản xuất phần mềm, hỗ trợ chuyển đổi số, cung cấp giải pháp an ninh mạng, an ninh xã hội, trí tuệ nhân tạo phục vụ con người, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị dịch vụ; khu ở, đất công cộng - dịch vụ đô thị, cây xanh mặt nước và hạ tầng kỹ thuật. 

Đầu tư xây dựng khu đô thị mới trên phần diện tích đất 94ha bao gồm các công trình: Trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ, chuyên sâu trí tuệ nhân tạo (AI); Cơ sở sản xuất sản phẩm phần mềm; Khu nhà ở hiện đại, thông minh với khoảng 2.100 căn; xây dựng các công trình dịch vụ xã hội đô thị chất lượng cao để đảm bảo cung cấp các tiện ích thiết yếu cho cư dân trong và ngoài khu đô thị theo đặc thù khu đô thị trí tuệ nhân tạo. Tiến độ đầu tư 8 năm kể từ ngày ký hợp đồng. 

Trình tự, thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nêu trên thuộc thẩm quyền UBND tỉnh Bình Định và được UBND tỉnh Bình Định thực hiện đúng theo quy định tại Luật Đấu thầu ngày 26/11/2013 và Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư. 

Liên danh FPT trúng thầu dự án hơn 4.300 tỷ đồng, Bình Định giải trình gì với Chính phủ? - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long. Ảnh: DT.

Dự án này không thuộc đối tượng chấp thuận chủ trương đầu tư theo Điều 31 Luật Đầu tư 2014 (trong đó có quy định dự án đầu tư từ 5.000 tỷ đồng trở lên thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ). 

Sau khi thực hiện đầy đủ các bước theo trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư nói trên, nhà đầu tư trúng thầu thực hiện dự án là: Liên danh FPT Quy Nhơn, bao gồm các thành viên: Công ty CP Đô thị FPT Đà Nẵng (đại diện liên danh); Công ty TNHH Đầu tư FPT; Công ty TNHH Phần mềm FPT. 

Ngày 30/11/2020, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 4922/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, theo đó Liên danh FPT Quy Nhơn là nhà đầu tư trúng thầu dự án. 

Ngày 21/01/2021, Sở Xây dựng tỉnh Bình Định đã ký Hợp đồng thực hiện dự án có sử dụng đất với Công ty TNHH Trí tuệ nhân tạo Quy Nhơn (Doanh nghiệp dự án do Liên danh FPT Quy Nhơn thành lập để chuyên trách thực hiện dự án Trung tâm trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ). 

Cam kết thực hiện các trình tự, thủ tục về pháp lý của dự án đúng theo quy định của pháp luật, UBND tỉnh Bình Định cũng báo cáo Thủ tướng cho phép chuyển mục đích sử dụng 394.934m2 đất trồng lúa tại phường Trần Quang Diệu và phường Bùi Thị Xuân (TP.Quy Nhơn). 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem