Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, việc áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi ngày càng được quan tâm.
Trong 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của thành phố thì có 39 mô hình chăn nuôi, với sự tham gia đầu tư của nhiều doanh nghiệp lớn như Japfa, CP, Dabaco, CJ Việt Nam, Minh Long, Công ty CP Giống gia súc Hà Nội…
Ông Sơn cho biết, điểm nổi bật nhất trong ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi của Hà Nội thời gian qua là khâu sản xuất con giống. 100% số lợn giống tại các trang trại là lai ngoại; 100% trang trại gia cầm nuôi giống lai có năng suất cao, như: Isa, Sasso, Brown, Ai Cập, Ross 308, Hubbard lai gà Mía…
"Nông dân muốn đi xa, bền vững phải đi thành "đoàn". Đó là tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi kiểu mới, tập trung chăn nuôi các giống vật nuôi chất lượng cao, trong đó HTX sẽ vận hành như một doanh nghiệp".
Ông Tống Xuân Chinh
Các trang trại bò sữa, bò thịt cũng sử dụng 100% giống được lai tạo với các giống lai cao sản.
Một số trại đã sử dụng tinh phân ly giới tính giống HF thuần chủng, cấy truyền phôi, với 2 cơ sở sản xuất tinh đông lạnh trâu, bò… Nhờ đó, chất lượng con giống của Hà Nội gần như cao nhất cả nước.
TS Tăng Xuân Lưu - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì cho biết, những năm gần đây đơn vị đã áp dụng các công nghệ hiện đại vào công tác tạo giống bò như công nghệ phân ly giới tính tinh trùng, công nghệ phôi, ghép gen, chuyển gen…
Đặc biệt là áp dụng công nghệ chỉnh gen tạo giống bò siêu thịt như bò BBB; giống bò siêu chất lượng thịt Wakyu có tỷ lệ thịt xẻ 64%, mỡ dắt giàu omega-3, omega-6…
Lập quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
Cũng theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, ngành chăn nuôi Thủ đô đã đạt được 5 điểm nhấn quan trọng, đó là xây dựng được 76 xã chăn nuôi trọng điểm; phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất giống, cung cấp giống cho các tỉnh, để các tỉnh cung cấp thương phẩm cho Hà Nội; đang hình thành nhiều cơ sở chăn nuôi hữu cơ; chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm tử A- Z...
Thành phố đã có 557 trang trại sử dụng công nghệ chuồng kín; 26 trang trại sử dụng công nghệ dây chuyền cho ăn uống tự động; 200 trang trại sử dụng công nghệ bán tự động; 35 trang trại sử dụng công nghệ nuôi trên sàn nhựa; 857 trang trại ứng dụng công nghệ cao trong xử lý môi trường, trong đó 75% số trại bò sữa; 44% số trại chăn nuôi bò thịt; 95% số trại chăn nuôi lợn quy mô lớn ngoài khu dân cư đã sử dụng hầm Biogas bằng Composite, nhựa HDPE và máy ép phân...
Tuy nhiên, ông Sơn cũng chỉ rõ những điểm yếu của ngành chăn nuôi Hà Nội.
"Trên địa bàn đã hình thành các cơ sở giết mổ tập trung, dù rất khó nhưng cũng đã có kết quả ban đầu. Tuy nhiên phải thừa nhận một điều, Thủ đô nhưng vẫn còn cảnh mổ lợn, mổ bò trên sàn nhà, lợn "khoả thân" chở đi khắp nơi..." - ông Sơn nói.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi hiện chưa đồng bộ, toàn phần mà chủ yếu ứng dụng một hoặc vài khâu trong sản xuất, sở chế, chế biến.
Do đó việc chứng nhận mô hình công nghệ cao còn gặp nhiều khó khăn. Công tác hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao còn khiêm tốn…
Phó Giám đốc Sở NNPTNT Tạ Văn Tường cho biết, để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi ứng dụng CNC, các địa phương cần quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tích hợp vào các quy hoạch phân khu, quy hoạch chung của thành phố; đồng thời, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các cơ chế, chính sách về hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Theo ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), hiện nay chúng ta đã có Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó có hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi.
"Chính sách đúng và rất ý nghĩa, nhưng đúng là hiện nay việc triển khai thực tiễn vẫn còn hạn chế, khó khăn. Nguyên nhân chính là do thiếu nguồn lực cả về con người và tài chính. Trong đó, vốn cho sản xuất công nghệ cao lớn hơn nhiều so với sản xuất truyền thống. Có chính sách mà không có tài chính thì làm gì cũng khó" - ông Chinh chia sẻ.
"Trong tương lai, chăn nuôi công nghiệp sẽ ngày càng phát triển, phổ biến hơn, nhưng người nông dân thì rất khó áp dụng. Vì vậy, bà con phải chọn con đường khác. Một là từng bước chuyển chăn nuôi lợn sang chăn nuôi gia cầm để sử dụng hiệu quả thức ăn hơn, xử lý môi trường dễ hơn.
Hai là, chuyển từ chăn nuôi con ăn tinh bột sang chăn nuôi con ăn cỏ để tận dụng phụ phẩm ở nông thôn, thức ăn xanh như trâu bò, dê, ngựa... Còn nếu vẫn chăn nuôi lợn, gia cầm, thì nên chọn các giống vật nuôi đặc sản, bản địa, để ít phải cạnh tranh" - ông Chinh nhấn mạnh.