img

uy vậy, vị CEO sinh năm 1979 vẫn dành cho Dân Việt một buổi trò chuyện tại Gia Lai, nơi diễn ra Lễ khởi công Tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao DHN Gia Lai, do Tập đoàn De Heus Tập đoàn Hùng Nhơn làm chủ đầu tư. Bởi theo anh, Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt và Tập đoàn De Heus có chung một mục tiêu, sứ mệnh, đó là "sát cánh cùng nông dân". 

Tổng Giám đốc châu Á Tập đoàn De Heus: "Người khổng lồ" ngành thức ăn chăn nuôi và chuyện phải lòng cô vợ Việt - Ảnh 2.

Lần đầu tiên gặp anh, tôi vô cùng ấn tượng không chỉ vì anh rất cao, mà còn nói tiếng Việt làu làu, thậm chí biết nhiều tiếng lóng. Anh học tiếng Việt lâu chưa, và điều gì đã đưa anh đến đất nước Việt Nam?

- Kể ra thì chuyện rất dài, nhưng tôi nói được tiếng Việt phần lớn là nhờ vợ. Năm 2001, tôi đến Việt Nam du lịch cùng một người bạn thân. Anh ấy là người gốc Việt, sống ở Hà Lan từ nhỏ. Chúng tôi học cùng nhau và tôi thường xuyên đến nhà bạn chơi, được mời ăn nhiều món Việt Nam như phở, bún bò, chả giò... Các dịp lễ, tết tôi cũng thường đến nhà bạn, do vậy tôi biết một chút về văn hoá Việt.

Khi đang học đại học, anh ấy rủ sang Việt Nam đi "phượt", tôi đồng ý liền. Chúng tôi đã đến nhà bạn ở thị xã Cam Ranh (nay là TP.Cam Ranh) và quyết định ở lại đó 1 tuần để đỡ phải thuê khách sạn. Lúc đó sinh viên mà, làm gì có nhiều tiền.

Như một duyên nợ, ngày thứ 2 tôi gặp một người con gái rất đẹp, có đôi mắt rất quyến rũ, tên là Sương. Tuy còn ít tuổi, nhưng cô ấy đã có một cửa hàng may quần áo nhỏ, đã kiếm được tiền phụ bố mẹ nuôi 4 đứa em ăn học. Nhìn vào đôi mắt cô ấy, tôi thấy như có "lửa". Có lẽ tôi đã gặp tình yêu "sét đánh". Tôi đã mua một cuốn song ngữ Anh - Việt để trò chuyện với cô ấy.

Khi đó tôi mới 22 tuổi, còn Sương 17 tuổi. Nhưng ngay trước khi trở về Hà Lan, tôi đã quyết định cầu hôn Sương. Một phần tôi cảm thấy sẽ không bao giờ có được tình yêu nào như vậy nữa, phần vì gia đình Sương không đồng ý cho cô ấy sang Hà Lan một mình khi chưa đính hôn. Đến năm 2003, chúng tôi tổ chức đám cưới và sang Hà Lan sinh sống.

Bạn bè tôi vẫn hay trêu đùa, tôi thật may mắn vì đi du lịch 1 tháng mà cưới được vợ.

Để hoà nhập với cuộc sống mới, vợ tôi quyết tâm học tiếng Hà Lan, dù đây là ngôn ngữ rất khó học. Hễ học được từ Hà Lan nào, cô ấy dạy lại cho tôi từ tiếng Việt đó. Tôi luôn nghĩ, ở quê vợ không ai biết tiếng Hà Lan, tiếng Anh cũng vậy, tôi không muốn khi về gia đình vợ cả ngày ngồi im một chỗ, không ai dám trò chuyện nên phải học nói cho được tiếng Việt.

Tổng Giám đốc châu Á Tập đoàn De Heus: "Người khổng lồ" ngành thức ăn chăn nuôi và chuyện phải lòng cô vợ Việt - Ảnh 3.

Tôi được biết tại Hà Lan, anh có công việc rất tốt ở một ngân hàng lớn. Vì sao anh lại quyết định sang Việt Nam sinh sống?

- Lúc đó, vợ tôi đã có công việc ổn định, có quốc tịch Hà Lan, chúng tôi cũng đã mua được nhà. Nhưng một ngày, tôi nhận được lời mời về làm việc tại Tập đoàn De Heus – là doanh nghiệp gia đình rất nổi tiếng ở Hà Lan. Tôi chưa hề có kinh nghiệm gì về thức ăn chăn nuôi, nhưng họ nói đang có kế hoạch mở rộng sản xuất ở Việt Nam, cần một người giỏi quản lý tài chính, biết tiếng Việt để setup từ đầu.

Tổng Giám đốc châu Á Tập đoàn De Heus: "Người khổng lồ" ngành thức ăn chăn nuôi và chuyện phải lòng cô vợ Việt - Ảnh 4.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, De Heus có nhiều chuyên gia giỏi về dinh dưỡng động vật, chăn nuôi. Tôi nhận thấy đây là cơ hội tốt nên đã quyết định sang Việt Nam sinh sống.

Với sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hoá, tôn giáo, anh đã làm thế nào để thích nghi được với cuộc sống ở Việt Nam và phát triển nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi?

- Đa phần người nước ngoài khi đến Việt Nam thường chọn sống ở trung tâm các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, nhưng tôi nghĩ rằng, công ty mình rất mới, muốn khách hàng biết tới thì phải biết sống như người Việt.

Tôi đã tìm được khu đất ở Bình Dương – nơi gần nhà máy đầu tiên của De Heus và xây nhà ống một trệt, một lầu. Có lẽ tôi là người nước ngoài duy nhất sinh sống tại khu vực đó. Hàng ngày, tôi đi làm bằng xe máy và hay tranh thủ ghé vào các quán phở, cà phê, nhờ đó tôi quen dần với nếp sống của người Việt Nam.

Những năm đầu, tôi rất chăm chỉ đi gặp khách hàng. Cứ có hội thảo, có tiếp thị khách hàng là tôi đi. Lúc đó, De Heus Việt Nam vẫn là một công ty rất nhỏ bé, nên từ Ban giám đốc ai cũng phải lăn lộn thực tế, đi tiếp thị sản phẩm.

Từng bước từng bước, tôi hiểu được sâu hơn về sự khác biệt văn hoá giữa các vùng miền. Chỉ trong mấy năm đầu, tôi đã đi khắp 63 tỉnh, thành phố.

Đi công tác nhiều như vậy, anh có hay bị "chuốc" rượu say không?

- Có chứ. Tôi cũng hay nói giỡn với khách hàng, rằng tôi cao to giống như heo xuất chuồng, nặng trên 1 tạ, nên phải uống nhiều mới say.

Trải nghiệm ở nhiều nơi có phong tục tập quán khác nhau, tôi nghĩ có lẽ đó là một lợi thế. Đặc biệt với người nông dân, họ rất nhiệt tình, hiếu khách, nếu mình từ chối thì rất khó gần gũi với họ. Dĩ nhiên không phải chỗ nào bà con cũng hay uống rượu (cười). 

Tổng Giám đốc châu Á Tập đoàn De Heus: "Người khổng lồ" ngành thức ăn chăn nuôi và chuyện phải lòng cô vợ Việt - Ảnh 5.

Không biết gì về chăn nuôi, anh làm thế nào để đưa sản phẩm còn rất mới mẻ đến tay người nông dân Việt Nam?

- Doanh nghiệp làm gì cũng vậy, muốn mạnh thì phải có nhân sự giỏi. Tôi may mắn mời được một số người có kinh nghiệm ở một số công ty khác. Họ nhìn thấy cơ hội phát triển bản thân ở De Heus nên dù công ty còn nhỏ bé, họ đã chuyển về làm việc để đảm nhiệm chức vụ cao hơn. Nhiều đồng nghiệp này hiện vẫn đang gắn bó với công ty. Đó cũng là những người có vai trò rất quan trọng, tư vấn cho tôi tiếp cận thị trường Việt Nam.

Ngay từ ban đầu, tôi đã đặt ra các tiêu chí về chất lượng sản phẩm. Tôi hay nói chuyện với khách hàng: De Heus là thương hiệu thức ăn chăn nuôi rất mới, mời anh chị thử dùng sản phẩm. Nếu thấy De Heus giúp tiêu tốn ít thức ăn hơn, năng suất vật nuôi tốt hơn thì đến với chúng tôi.

Từng bước, chúng tôi tăng nhân sự ở bộ phận kinh doanh cũng như kỹ thuật. Tôi hiểu rằng người nông dân không chỉ cần những bao cám tốt, mà còn rất cần hỗ trợ kỹ thuật. Đặc biệt với những trại chăn nuôi mới, chúng tôi phải giúp họ áp dụng đúng quy trình chăn nuôi.

Sau khoảng 4-5 năm tập trung cho các sản phẩm dinh dưỡng động vật, De Heus bắt đầu mở rộng sản xuất giống gia cầm, tiếp đó là xây dựng trung tâm giống heo De Heus Genetics. Bây giờ, De Heus đã sở hữu những trung tâm giống heo, giống gia cầm quy mô lớn nhất nhì Việt Nam nhờ liên kết với các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Hùng Nhơn, Công ty TNHH Bel Gà…

Tổng Giám đốc châu Á Tập đoàn De Heus: "Người khổng lồ" ngành thức ăn chăn nuôi và chuyện phải lòng cô vợ Việt - Ảnh 6.

Hiện nay De Heus có bao nhiêu thương hiệu sản phẩm?

- Ngoài 3 thương hiệu thức ăn chăn nuôi lớn là De Heus, Windmill, Koudijs, cuối năm 2021 De Heus đã mua lại thành công mảng thức ăn chăn nuôi của Tập đoàn Masan, với những thương hiệu nổi tiếng nhiều năm nay như Con Cò, Anco, Big One… Thế mạnh của De Heus là có các sản phẩm thức ăn chuyên biệt, đa dạng và đồng đều, phù hợp với từng loại vật nuôi và điều kiện khí hậu tại địa phương.

Tổng Giám đốc châu Á Tập đoàn De Heus: "Người khổng lồ" ngành thức ăn chăn nuôi và chuyện phải lòng cô vợ Việt - Ảnh 7.

Trước đây một nhà máy chúng tôi sản xuất đủ loại sản phẩm cho gia súc, gia cầm, thủy sản, thì bây giờ chuyên môn hóa, mỗi nhà máy chỉ tập trung sản xuất một loại.

Anh có thể tiết lộ chuyện mua lại 14 nhà máy thức ăn chăn nuôi của Masan?

- De Heus muốn cùng người chăn nuôi và doanh nghiệp phát triển theo chuỗi liên kết thông qua cung cấp giải pháp dinh dưỡng, công nghệ, con giống.

Mà muốn đứng đầu lĩnh vực thức ăn chăn nuôi tự do, cơ hội mua lại các nhà máy của Masan là duy nhất.

Chiến lược phát triển mảng thức ăn chăn nuôi của Masan cũng rất phù hợp với chiến lược của De Heus, đó là cung cấp thức ăn tốt nhất, thuận lợi nhất cho khách hàng.

Vậy mục tiêu của De Heus khi đổ tiền mua 14 nhà máy là gì?

- De Heus muốn phát triển bền vững, lâu dài thì phải có sức cạnh tranh tốt. Mua lại nhiều nhà máy như vậy, chúng tôi sẽ có thêm lợi thế: Rút ngắn thời gian và khoảng cách vận chuyển, từ đó giúp giảm giá cám, giảm chi phí cho người chăn nuôi.

Thêm vào đó, khi có nhiều địa điểm sản xuất, chúng tôi có thể tập trung vào một số sản phẩm đặc biệt, phù hợp với chiến lược phát triển chăn nuôi ở địa phương đó.

De Heus rất tin tưởng vào chiến lược phát triển theo chuỗi như vậy. Các lãnh đạo của Tập đoàn đánh giá rất cao vai trò của thị trường Việt Nam trong chiến lược phát triển tập đoàn ở quy mô toàn cầu.

Đặc biệt, dịp khởi công Tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao DHN Gia Lai lần này, cả 2 vị đồng Chủ tịch Tập đoàn De Heus là ông Co De Heus và Koen De Heus đã bay từ Hà Lan sang Việt Nam. Họ đi thăm khắp các nhà máy từ Bắc vào Nam. Bình thường, chỉ có một vị CEO đi thôi.

Tổng Giám đốc châu Á Tập đoàn De Heus: "Người khổng lồ" ngành thức ăn chăn nuôi và chuyện phải lòng cô vợ Việt - Ảnh 8.

Bỏ ra số tiền chắc chắn rất lớn để mua lại các nhà máy, hẳn De Heus đã toan tính kế hoạch để chiếm lĩnh thị trường thức ăn chăn nuôi – một ngành được cho là "miếng bánh béo bở" cả ở Việt Nam cũng như khu vực châu Á?

- Vai trò của thị trường Việt Nam rất quan trọng, nên cách đây 6 năm, Tập đoàn đã quyết định thành lập cơ sở chính của De Heus châu Á tại Việt Nam.

Ngoài hệ thống nhà máy ở Việt Nam mà hiện chúng tôi đang dẫn đầu thị trường thức ăn chăn nuôi độc lập, De Heus còn có các nhà máy ở Indonesia, Myanmar, Ấn Độ. Mới đây đã khánh thành nhà máy tại Campuchia.

Hiện De Heus đã xuất khẩu nhiều sản phẩm thức ăn chăn nuôi ra nước ngoài, mạnh nhất là thức ăn thuỷ sản. Chúng tôi đặt mục tiêu mở rộng thị trường, nhưng không làm ăn theo kiểu "tiền trao cháo múc".

De Heus có đội ngũ chuyên gia, kỹ sư nghiên cứu thức ăn thuỷ sản. Chẳng hạn khi xuất khẩu sản phẩm sang châu Phi, các chuyên gia sẽ đến tận nơi để tư vấn cho người chăn nuôi sử dụng hiệu quả nhất.

Tổng GĐ châu Á Tập đoàn De Heus: "Người khổng lồ" ngành thức ăn chăn nuôi và tình yêu sét đánh với cô gái Việt - Ảnh 10.

Đã là doanh nghiệp, hầu như ai cũng muốn đạt lợi nhuận cao nhất. De Heus đang sở hữu nhiều nhà máy nhất Việt Nam, với hàng loạt trại sản xuất giống heo, gia cầm, tại sao De Heus không trực tiếp chăn nuôi, để "thâu tóm" từ đầu vào đến đầu ra?

- Đúng là trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, De Heus đang có nhiều nhà máy nhất Việt Nam. Thị trường chăn nuôi ở châu Á rất lớn, có nhiều công ty lớn hơn De Heus, nhưng chúng tôi đang là một trong những doanh nghiệp phát triển nhanh nhất châu Á.

Tổng Giám đốc châu Á Tập đoàn De Heus: "Người khổng lồ" ngành thức ăn chăn nuôi và chuyện phải lòng cô vợ Việt - Ảnh 10.

Tuy vậy, De Heus không so sánh nhiều với các công ty khác mà chúng tôi muốn làm tốt công việc của mình. Cái quan trọng nhất đối với De Heus, đó là luôn muốn hợp tác lâu dài với khách hàng. Khi được khách hàng hợp tác, có nghĩa họ đã tin tưởng mình. Giữ được khách hàng lâu dài, chúng tôi sẽ ngày càng lớn mạnh, bền vững.

Có một câu anh và các lãnh đạo cao cấp của Tập đoàn thường nói đó là: De Heus không cạnh tranh trực tiếp với người chăn nuôi. Anh có thể cho biết quan điểm về vấn đề này? Tại những nơi De Heus đang đầu tư, nông dân được hỗ trợ gì không?

- Thực tế hiện nay có nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lớn, nhưng chưa chắc họ đã đưa công nghệ mới nhất, con giống tốt nhất cho nông dân, bởi họ có hệ thống chăn nuôi nội bộ của mình.

De Heus không cạnh tranh với người chăn nuôi mà muốn cùng bà con phát triển lâu dài nên chúng tôi cung cấp cho họ thức ăn tốt nhất, con giống tốt nhất. Để làm được việc đó, chúng tôi đẩy mạnh áp dụng công nghệ cao, các dây chuyền sản xuất hiện đại. Điển hình là mới đây, chúng tôi đã khởi công Tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai.

Tại dự án này, De Heus sẽ sử dụng công nghệ sản xuất giống heo hậu bị tốt nhất châu Âu hiện nay. Với thế hệ heo hậu bị có nguồn gen tốt, người chăn nuôi Việt Nam có thể nâng cao năng suất heo con/nái/năm, từ đó giảm được chi phí, giá thành, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Thứ hai, trong chuỗi liên kết mà De Heus đang xây dựng, chúng tôi luôn giữ lời hứa của mình.

Điển hình là khi các tỉnh áp dụng giãn cách xã hội vì Covid-19, giá gà trắng tại miền Nam có lúc giảm còn 6.000 – 10.000 đồng/kg, nhưng chúng tôi vẫn mua gà cho các trang trại với giá như đã ký trong hợp đồng, là 28.000 đồng/kg. Có nghĩa, chúng tôi chấp nhận chịu lỗ một thời gian để giữ được sựổn định của chuỗi liên kết.

Ngược lại, khi giá gà trên thị trường tăng cao, lên hơn 30.000 đồng/kg, thì các trại vẫn giữ cam kết với chúng tôi. Đó là minh chứng rõ nhất cho việc De Heus giữ được khách hàng dù thị trường luôn có nhiều biến động.

Tổng Giám đốc châu Á Tập đoàn De Heus: "Người khổng lồ" ngành thức ăn chăn nuôi và chuyện phải lòng cô vợ Việt - Ảnh 11.

Như anh nói, thị trường vẫn có chỗ cho người chăn nuôi nhỏ lẻ phát triển, chứ không phải sẽ bị "bóp chết" khi làn sóng các tập đoàn lớn, có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư rầm rộ vào chăn nuôi tại Việt Nam?

- Đúng là nhiều người đang lo ngại điều đó. Chăn nuôi nhỏ lẻ như cách đây 14 năm khi De Heus mới bước vào Việt Nam, mỗi hộ nuôi 1-2 con heo nái, hay 50-100 con gà thì vẫn còn nhưng không nhiều.

Thời gian qua, ngành chăn nuôi Việt Nam đã trải qua rất nhiều sóng gió, như bão giá năm 2017, dịch lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi năm 2018, người chăn nuôi không xuất được sản phẩm sang Trung Quốc nên thua lỗ nặng nề, nhiều người phải bỏ nghề. Những hộ còn tồn tại đến giờ phút này, đều là những người giỏi.

Những hộ đó có thể chỉ nuôi vài trăm con heo thịt/năm, hay vài nghìn con gà, nhưng chỉ cần họ áp dụng đúng quy trình, tiêm phòng vaccine đầy đủ thì vẫn cạnh tranh được với trại lớn.

Tôi cho rằng, với xu thế hiện nay, quy mô vừa và lớn sẽ ngày càng phát triển, còn các hộ nhỏ lẻ sẽ giảm dần.

Tổng Giám đốc châu Á Tập đoàn De Heus: "Người khổng lồ" ngành thức ăn chăn nuôi và chuyện phải lòng cô vợ Việt - Ảnh 12.

Tuy nhiên, chăn nuôi quy mô lớn thì chất thải cũng rất lớn, khó kiểm soát vấn đề ô nhiễm môi trường, an toàn dch bnh. De Heus giải quyết vấn đề này như thế nào? 

- Chúng tôi đã xây dựng chiến lược chăn nuôi sạch. Chúng tôi rất ấn tượng khi tại Hội nghị cấp cao COP26 ở Scotland năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính là một trong số ít người ở quốc gia đang phát triển đưa ra cam kết áp dụng các biện pháp để giảm phát thải khí nhà kính, đến năm 2050 Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng bằng "0".

Do đó, các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực nông nghiệp như chúng tôi cũng tự nhận thấy có trách nhiệm tìm các giải pháp phát triển bền vững, hiện đại như công nghệ điện mặt trời, xử lý nước thải.

Tổng GĐ châu Á Tập đoàn De Heus: "Người khổng lồ" ngành thức ăn chăn nuôi và tình yêu sét đánh với cô gái Việt - Ảnh 14.

Tại dự án chăn nuôi công nghệ cao DHN Đắk Lắk (khánh thành năm 2021), chúng tôi sử dụng công nghệ xử lý nước thải tuần hoàn, giúp hạn chế lấy nước ngầm, giảm việc bơm nước mới vào chuồng trại. Còn chất thải chăn nuôi được thu gom, đưa vào nhà máy để sản xuất thành phân bón hữu cơ.

Chúng tôi áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn dịch bệnh với những hàng rào xung quanh trang trại, giúp hạn chế phát sinh dịch bệnh, từ đó giảm sử dụng kháng sinh, vừa tốt cho sản phẩm đầu ra, vừa tốt cho môi trường.

Lợi thế của De Heus là tập đoàn gia đình sống ở châu Âu – nơi áp dụng luật bảo vệ môi trường rất chặt chẽ, nên De Heus đã và đang chia sẻ những kinh nghiệm đó cho những quốc gia mình đang có mặt, trong đó có Việt Nam.

Chúng tôi tin tưởng với chiến lược đó, De Heus sẽ thành công, chăn nuôi sạch sẽ hơn, không gây ảnh hưởng đến môi trường, thậm chí còn giúp môi trường xanh - sạch hơn.

So với Hà Lan, ngành chăn nuôi Việt Nam đang có những điểm yếu gì?

- Có một vài vấn đề lớn mà ngành chăn nuôi Việt Nam chưa làm được. Thứ nhất, chưa xây dựng được các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh đạt tiêu chuẩn quốc tế. Điều này rất quan trọng, là "chìa khoá" để xuất khẩu thịt gà, thịt heo. Ví dụ, Việt Nam đang xuất khẩu gà đi Nhật, nhưng hiện nay không chia được vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, nên khi xảy ra dịch cúm gia cầm là tất cả phải dừng lại.

Thứ hai, Việt Nam có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt, nhưng chưa quan tâm chú trọng xây dựng thương hiệu. 2-3 năm gần đây, việc xây dựng thương hiệu đã có cải thiện nhưng so với các quốc gia khác vẫn cần quyết tâm lớn hơn.

Hiện nay đang có xu hướng đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trong khi De Heus là tập đoàn sản xuất thức ăn công nghiệp. Có bao giờ anh lo ngại thị phần sẽ bị ảnh hưởng?

- Tôi không nghĩ đó là điều phải lo ngại, bởi Tập đoàn De Heus cũng đang hợp tác với những người sản xuất hữu cơ. Theo kinh nghiệm ở châu Âu, sản phẩm bình thường cũng phải cải thiện lên, từng bước tốt hơn, có truy xuất nguồn gốc; những chuỗi liên kết cần sản phẩm hữu cơ thì De Heus sẵn sàng cung cấp thức ăn hữu cơ, cũng như giúp họ sản xuất hữu cơ.

Nhưng để toàn cầu được sử dụng sản phẩm hữu cơ, thì không bao giờ là đủ. Đó chỉ là một phân khúc trên thị trường.

Tổng Giám đốc châu Á Tập đoàn De Heus: "Người khổng lồ" ngành thức ăn chăn nuôi và chuyện phải lòng cô vợ Việt - Ảnh 14.

Tổng Giám đốc châu Á Tập đoàn De Heus: "Người khổng lồ" ngành thức ăn chăn nuôi và chuyện phải lòng cô vợ Việt - Ảnh 15.

Những năm gần đây, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên từ chính sách tới triển khai thực tế còn nhiều khó khăn. Theo anh, Việt Nam cần hoàn thiện, điều chỉnh những vấn đề gì để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển hơn nữa?

- Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được một số thành công trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn lớn. Điển hình là Việt Nam đã ký kết, áp dụng nhiều hiệp định thương mại tự do đa phương, song phương như EVFTA, ASEAN, USA- Việt Nam, CPTPP…

Thứ hai, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam khá cạnh tranh so với các nước khác trong khu vực. Thứ ba, Việt Nam có dân số gần 100 triệu người, nhu cầu sử dụng thịt, cá bình quân trên đầu người khá cao và ngày càng tăng. Đây chính là thị trường rất hấp dẫn với các nhà đầu tư.

Thứ tư, đất nước Việt Nam có nhiều người giỏi, ham học hỏi và siêng năng làm việc. Thêm nữa, chính trị tại Việt Nam rất ổn định.

Tuy nhiên, tôi cho rằng Việt Nam cũng cần cải thiện một số vấn đề để thu hút đầu tư lớn hơn, bền vững hơn.

Một là tiếp tục đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc Bắc – Nam, cao tốc đi các tỉnh miền Tây, hay hệ thống giao thông kết nối miền Trung với Tây Nguyên…

Hai là, chúng ta đã xây dựng được một số luật rất có ý nghĩa, cần thiết nhưng khi áp dụng, kiểm tra theo dõi, xử lý theo luật lại chưa được tốt. Điển hình là liên quan đến chuỗi giết mổ, chế biến thịt gia súc, gia cầm.

Đang có nhiều tỉnh, thành phố kêu gọi đầu tư vào mảng này, nhưng nếu chính quyền địa phương vẫn chấp nhận các lò giết mổ nhỏ lẻ vì chi phí thấp hơn (do không áp dụng đúng quy trình xử lý môi trường, xử lý nước thải), thì các doanh nghiệp FDI sẽ không dám đầu tư.

Ba là, nâng cao chất lượng giáo dục cho sinh viên các ngành nông nghiệp nói chung, chăn nuôi nói riêng. Tức là phải thực tế nhiều hơn, để người học có cơ hội thực tập liên tục.

Tổng Giám đốc châu Á Tập đoàn De Heus: "Người khổng lồ" ngành thức ăn chăn nuôi và chuyện phải lòng cô vợ Việt - Ảnh 16.

Là tập đoàn thức ăn chăn nuôi lớn, De Heus tuyển chọn nhân viên như thế nào? Khi tuyển trợ lý cho mình, anh đặt ra những tiêu chí gì?

- (Cười) Cũng bình thường thôi. Ví dụ làm trợ lý cho tôi thì phải chịu khó làm việc, chăm chỉ, thích học hỏi. Đặc biệt phải biết tiếng Anh, bởi tôi liên tục phải di chuyển giữa các quốc gia khác nhau.

De Heus được đánh giá là 1 trong 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam, nên sự đãi ngộ nhân viên là điều chúng tôi rất quan tâm. Tôi nghĩ rằng sựổn định nhân sự, con người trong bất cứ doanh nghiệp, cơ quan nào đều vô cùng quan trọng.

Hiện anh điều hành bao nhiêu nhà máy ở khu vực châu Á? Đã bao giờ anh đưa ra quyết định sai lầm chưa?

- Tôi đang quản lý 37 nhà máy, với nhiều nhân viên ở các quốc gia. Vì vậy để kết nối được các nhà máy với nhau thành hệ thống, "chạy" cũng rất mệt. 

Không có lãnh đạo, hay vịCEO nào luôn luôn đúng 100%. Điều quan trọng là khi nhận thấy mình chưa đúng, cần điều chỉnh lại càng nhanh càng tốt.

Tổng Giám đốc châu Á Tập đoàn De Heus: "Người khổng lồ" ngành thức ăn chăn nuôi và chuyện phải lòng cô vợ Việt - Ảnh 17.

Là người phải đi công tácthường xuyên, anh làm thế nào để chăm sóc gia đình, giữ gìn sức khoẻ?

- Vì đặc thù công việc điều hành nên tôi phải đi rất nhiều nơi, khiến vợ con bị thiệt thòi. Do đó mỗi khi không phải đi đâu, tôi luôn cố gắng tận dụng quỹ thời gian ít ỏi đó bên gia đình, hạn chế xài điện thoại. Khi rảnh sẽ cùng nhau đi chơi, ăn món gì đó, hoặc đi lễ chùa với vợ, dù tôi theo đạo Tin lành.

Tôi rất thích sống ở Việt Nam, một đất nước có khí hậu nóng, với nhiều món ăn ngon. Thật sự đồ ăn của Việt Nam ngon hơn so với ở Hà Lan, và rất khó chế biến.

Với chiều cao 2,10m, anh đi giày cỡ bao nhiêu? Có khi nào anh cảm thấy phiền toái vì mình cao quá không?

- Tôi đi giày size 52. Không có cửa hàng nào bán cỡ giày như vậy cả, nên thường phải đặt riêng, quần áo cũng vậy. Cao quá nên tôi cũng thường gặp phiền toái, nhất là khi đi ô tô, máy bay... Nhưng tôi nghĩ chiều cao cũng là một lợi thế khi đi đâu cũng được mọi người chú ý.

Điều quan trọng là phải giữ sức khoẻ để làm việc, đóng góp cho xã hội. Vào buổi tối, mỗi khi kết thúc công việc tôi vẫn cố gắng tập thể dục thể thao, như chạy bộ, bơi, đá bóng… Tôi đã to cao sẵn rồi, nếu để bị béo quá thì sẽ thành người "khổng lồ" mất (cười).

Xin cảm ơn anh!

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem