Dân Việt

Cận cảnh cuộc sống của những người bảo vệ rừng Khe Bu ởThanh Hóa

Vũ Thượng 06/07/2022 06:08 GMT+7
Trở lại Khe Bu (thôn Thanh Sơn, xã Thanh Hòa), nơi đây đang có những người làm công việc thầm lặng nhằm bảo vệ “lá phổi xanh” giữa rừng đại ngàn. Công việc, cũng như cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của những người bảo vệ rừng rất khó khăn, vất vả,…nhưng họ luôn lạc quan, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Khe Bu điện, sóng điện thoại chập chờn

Băng qua những cánh rừng bạt ngàn, với những cung đường đá lởm chởm,...phóng viên Dân Việt đã có mặt tại Trạm bảo vệ rừng Khe Bu thuộc (thôn Thanh Sơn, xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa).

Clip: Cuộc sống sinh hoạt còn nhiều khó khăn của những người bảo vệ rừng Khe Bu tại Thanh Hóa

Phóng viên Dân Việt đến trạm Khe Bu vào cuối buổi chiều, cũng là lúc những người bảo vệ rừng vừa đi tuần tra về. Tranh thủ vẫn còn nhìn thấy mặt trời, những người bảo vệ rừng này chia nhau làm các công việc như: Hái rau, nhóm lửa, vo gạo nấu cơm,…

Cuộc sống những người bảo vệ rừng Khe Bu tại Thanh Hóa - Ảnh 2.

Cán bộ bảo vệ rừng Khe Bu dùng bếp củi để nấu thức ăn. Ảnh: Vũ Thượng

Chứng kiến điều kiện sinh hoạt, ăn ở thiếu thốn nơi đây khiến phóng viên Dân Việt không khỏi xót xa, không nghĩ rằng cuộc sống của những người bảo vệ "lá phổi xanh" giữa đại ngàn lại kham khổ, vất vả đến như vậy.

Cuộc sống những người bảo vệ rừng Khe Bu tại Thanh Hóa - Ảnh 3.

Không ngại vất vả, nguy hiểm những người bảo vệ rừng Khe Bu ((thôn Thanh Sơn, xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa) luôn hoàn thành nhiệm vụ. Ảnh: Vũ Thượng

Ông Lê Nhật Duyệt-Trưởng Trạm bảo vệ rừng Khe Bu tâm sự: "Mỗi ngày chúng tôi phải vượt đèo, lội suối gần 20km đường rừng để tuần tra, ngăn chặn kịp thời nạn khai thác gỗ, săn bắt động vật…nhằm bảo vệ tài nguyên rừng".

Cuộc sống những người bảo vệ rừng Khe Bu tại Thanh Hóa - Ảnh 4.

Tranh thủ trời tối, ông Duyệt đi soi đèn dưới suối bắt cá nhằm cải thiện bữa ăn. Ảnh: Vũ Thượng

"Do quãng đường từ Trạm Khe Bu tới chợ rất xa nên chúng tôi thường có gì nấu đấy, những mớ rau rừng hái được trên đường đi tuần tra về, một ít cá, cua anh em soi đèn tại các khúc suối từ đêm hôm trước. Đó là những món ăn hằng ngày của chúng tôi cùng anh em trong Trạm Khe Bu", ông Duyệt chia sẻ.

Cuộc sống những người bảo vệ rừng Khe Bu tại Thanh Hóa - Ảnh 5.

Những luống rau xanh được trồng giữa rừng đại ngàn. Ảnh: Vũ Thượng

Cũng theo ông Duyệt, tranh thủ những hôm đi làm về sớm, chúng tôi còn cuốc đất quanh nhà để trồng thêm ít rau như: Rau đay, mồng tơi, rau cải, trên các bờ rào tre trồng cây mơ lông, cây đu đủ…Và chúng tôi còn nuôi mấy con gà đẻ trứng để cải thiện thêm bữa ăn hằng ngày.

Quan sát của phóng viên Dân Việt, trong căn nhà ngói cấp 4 hai gian đã xuống cấp là nơi sinh hoạt của 3 cán bộ bảo vệ rừng. Họ đến từ những vùng quê khác nhau, vì tình yêu với rừng mà nhiều năm nay không ngại khó khăn, vất vả để bảo vệ rừng thêm xanh.

Cuộc sống những người bảo vệ rừng Khe Bu tại Thanh Hóa - Ảnh 7.

Để nấu cơm tối những người bảo vệ rừng Khe Bu phải dùng ánh sáng của đèn pin. Ảnh: Vũ Thượng

Ông Thìn (huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa), cán bộ bảo vệ rừng Khe Bu bộc bạch: "Công việc bảo rừng tuy vất vả, thiếu thốn nhưng tôi luôn xác định phải hoàn thành nhiệm vụ được giao".

"Nhiều hôm nhớ vợ, con chỉ nhìn, ngắm qua bức ảnh, bởi trong này điện, sóng chập chờn, muốn gọi về nhà phải đổi sim, tháo máy,…phóng xe ra tận bìa rừng mới nói chuyện được", ông Thìn tâm sự.

Bữa cơm tối giữa rừng Khe Bu

"Sự có mặt của phóng viên đã tạo thêm không khí vui tươi giữa rừng đại ngàn. Quãng đường về huyện cũng khá xa, trời tối đi lại rất nguy hiểm, mời chú ngủ lại rừng một đêm để thấu hiểu", ông Nam cán bộ bảo vệ rừng Khe Bu mở lời.

Cuộc sống những người bảo vệ rừng Khe Bu tại Thanh Hóa - Ảnh 8.

Món cá suối nướng "đặc sản" núi rừng Khe Bu. Ảnh: Vũ Thượng

Nhìn trên khuôn mặt của những cán bộ bảo vệ rừng Khu Bu vẫn còn đỏ, đẫm mồ hôi sau ngày đi tuần tra rừng về...Những cán bộ này vội vàng uống chén nước và bắt đầu tắm giặt chuẩn bị cho bữa cơm tối.

Cuộc sống những người bảo vệ rừng Khe Bu tại Thanh Hóa - Ảnh 9.

Về đêm

Mỗi cán bộ bảo vệ rừng tại Trạm Khe Bu chia nhau việc, người giặt quần áo, người chẻ củi, bơm nước lên bể…Trong căn bếp nhỏ, ánh lửa sáng lên đã tạo nên sự ấm áp, át đi cái lạnh giá giữa núi rừng Khe Bu.

Cuộc sống những người bảo vệ rừng Khe Bu tại Thanh Hóa - Ảnh 10.

Do quãng đường từ Trạm Khe Bu đến chợ rất xa, nên đa phần thức ăn hằng ngày tự túc. Ảnh: Vũ Thượng

Bữa tối giữa rừng Khe Bu với các món ăn "đặc sản"như: Cá kho, nướng, rau rừng luộc,…Bên cạnh đó, một nồi cơm trắng thổi đầy để mọi người cùng ăn, và đằng sau những bữa ăn tối là tiếng nói cười rộn vang cả cánh rừng.

"Ban quản lý rừng phòng hộ sông Chàng hiện được giao 8.250,3 ha rừng (bao gồm đất rừng phòng hộ và rừng sản xuất). Với 10 tiểu khu, chia đều 4 trạm bảo vệ rừng, điều kiện tại các trạm hết sức thiếu thốn, trạm xa nhất cách trung tâm gần 30km nằm sâu trong rừng, ở đó không có điện, không có nước sinh hoạt, không sóng điện thoại…Trạm bảo vệ rừng Khe Bu thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ sông Chàng, hiện có 3 người, được giao tuần tra, kiểm soát 2.041 ha rừng".