Đến vùng rừng núi này của Tây Nguyên, nghe đồng bào nói "chuột nó ăn sâm, mình ăn chuột như là ăn sâm"

Thứ năm, ngày 12/05/2022 19:03 PM (GMT+7)
Trong chuyến hành trình của Chương trình Caravan Famtrip “Về miền quốc bảo sâm Ngọc Linh Kon Tum K5” do Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Dương tổ chức, chúng tôi có dịp khám phá các cung đường đẹp tại các tỉnh Tây nguyên.
Bình luận 0

Vượt ngàn lên vùng trồng sâm quý

Sáng ngày thứ 4 trong chương trình, sau khi nai nịt gọn gàng, các thành viên trong đoàn Caravan Famtrip di chuyển đến núi Ngọc Linh để tìm “quốc bảo”. 

Từ trung tâm TP.Kon Tum, hơn 60 xe với hơn 200 thành viên bắt đầu chinh phục những cung đường đẹp của huyện Tu Mơ Rông. Để dễ dàng liên lạc và hỗ trợ nhau, mỗi xe được cấp một máy bộ đàm. 

Vượt qua quãng đường “êm ả” hơn 60km từ TP.Kon Tum, sau khi tham dự lễ phát động trồng cây của huyện Tu Mơ Rông, đoàn bắt đầu chinh phục cung đường khó nhất của hành trình.

Đến vùng rừng núi này của Tây Nguyên, nghe đồng bào nói "chuột nó ăn sâm, mình ăn chuột như là ăn sâm" - Ảnh 1.

Đoàn xe di chuyển lên núi Ngọc Linh phải vượt qua các cung đường đèo ngoằn ngoèo và hiểm trở

Đoạn đường này quanh co, khúc khuỷu, lên dốc, đổ dốc liên tục. Có những đoạn cua gấp khuỷu tay khuất tầm nhìn. Nhiều đoạn có những vực sâu hoắm, có đoạn lại băng qua những dãy núi đá lởm chởm, dựng đứng với những khối đá chông chênh tưởng chừng như có thể lăn xuống bất cứ lúc nào. Đẹp nhưng đầy nguy hiểm! 

Xen lẫn giữa các đoạn cua là những thung lũng nhỏ yên bình. Trên các triền đồi, các ngôi nhà gỗ của đồng bào Xơ Đăng xa xa xây vắt vẻo lưng chừng núi trông như những mô hình đồ chơi của trẻ nhỏ; những ruộng bậc thang xanh mướt màu lúa mới trồng nhưng trông khỏe khoắn, hứa hẹn mùa gặt no đầy cho đồng bào. 

Đôi khi con đường luồn qua các thôn bản của đồng bào với những mảng vàng rực của hoa dã quỳ hai bên. Lấp ló sau những cánh cửa gỗ cũ kỹ là ánh mắt đen láy của các em nhỏ khi lâu rồi mới thấy nhiều xe ô tô đến thế.

Xe chúng tôi có 4 thành viên và được sắp xếp đi trong nhóm dẫn đầu. Đoàn xe hơn 60 chiếc kéo dài hàng cây số uốn lượn qua các đoạn đường đèo quanh co như con rắn khổng lồ không thấy đầu đuôi. Càng lên cao, đường càng hẹp và dốc. 

Máy bộ đàm của chúng tôi liên tục vang lên lời cảnh báo, chỉ dẫn của thành viên Ban Tổ chức. Các thành viên cũng liên tục thông tin cho nhau các thông tin xuất hiện trên đường như đoạn đường xấu, có xe đi ngược chiều hay chỉ để động viên nhau vững tay lái. 

“Bác tài” của chúng tôi dù đã có hơn 20 năm cầm vô lăng và cũng đã “chinh chiến” qua nhiều đường đèo của các tỉnh miền Trung và Tây Bắc nhưng cũng không dám một giây lơ là. Anh bảo: “Đi đường đèo phải có kinh nghiệm, nếu không sẽ rất nguy hiểm. 

Chỉ sợ các “cua rơ” của mình quen chạy trên các tuyến đường nhựa rộng thênh thang có chục làn xe, không đủ tự tin để xử lý các tình huống”.

Lời của anh chưa dứt thì máy bộ đàm của xe chúng tôi vang lên tiếng của thành viên Ban Tổ chức yêu cầu các xe ngừng di chuyển vì có xe bị tuôn bánh, trôi dốc trên đoạn dốc đứng khi chỉ cách vườn sâm tầm 3km. Đó là chiếc xe số 7, đi trước xe chúng tôi 3 xe.

 Không khí của các thành viên trong đoàn trở nên trầm lắng vì còn đến hàng chục chiếc phía sau chưa lên. Cũng may xe số 7 được chèn bánh kịp thời nên không nguy hiểm. Xe số 7 được cho “nghỉ” lại bên vệ đường, tài xế được “quá giang” xe khác để tiếp tục hành trình. 

Quả thật đây là đoạn dốc nguy hiểm khi vừa cua gấp, dựng đứng và đường lại hẹp. Khi xe chúng tôi đi trên khúc cua này chỉ thấy khoảng không trời mà không thấy mặt đường do đầu xe hếch lên cao. Cũng may do được hướng dẫn cách vượt dốc và được lên tinh thần, tất cả các xe đã vượt qua đoạn cua này an toàn.

Đến vùng rừng núi này của Tây Nguyên, nghe đồng bào nói "chuột nó ăn sâm, mình ăn chuột như là ăn sâm" - Ảnh 4.

Ông A Din cho biết, tuy nhìn nhỏ và thấp nhưng cây sâm Ngọc Linh này đã được 10 năm tuổi Đặc biệt, trong sâm Ngọc Linh có 2 hoạt chất cực kỳ quan trọng đó là MR2 và GB1. 2 hoạt chất này chỉ có duy nhất trong sâm Ngọc Linh, có khả năng ngăn ngừa gốc tự do, chống lại oxy hóa cơ thể, hỗ trợ phục hồi sức khỏe và điều trị bệnh tật rất tốt và đã được Chính phủ phê duyệt là sản phẩm mang thương hiệu quốc gia, là “quốc bảo” của Việt Nam.

“Quốc bảo” dưới tán rừng già

Sau hơn 1 giờ đồng hồ di chuyển từ trung tâm huyện Tu Mơ Rông, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm khi thấy chiếc xe cuối cùng đến được bãi xe của vườn sâm Ngọc Linh cách mặt nước biển hơn 1.600m. Dù lúc này là chính Ngọ nhưng không khí nơi đây mát mẻ và trong lành. 

Sự háo hức với “quốc bảo” đã đánh tan đi nỗi lo âu của các thành viên trên các đoạn đường đèo. Chúng tôi lại phải “lội bộ” khoảng 800m đường dốc mới được diện kiến “quốc bảo”.

Các thành viên trong đoàn không khỏi thích thú và ồ lên vui sướng khi thấy thấp thoáng trên những sườn dốc thoai thoải dưới những tán rừng già râm mát là những bồn đất trồng một loại cây nhỏ màu xanh lục. 

Thấy chúng tôi xuất hiện, các công nhân trong các lán trại gần đó tản ra các góc vườn để canh giữ “quốc bảo”. Ông A Din (57 tuổi), công nhân lao động tại đây cười tươi nói: “Tại là quốc bảo nên phải bảo vệ kỹ như vậy”. 

Rồi ông kể cho chúng tôi về quãng thời gian gắn bó tại nơi núi rừng hoang sơ này. Ông cho hay đã làm việc tại đây kể từ khi bắt đầu hình thành các vườn ươm, kể ra cũng đã được hơn chục năm. Thấy ông làm việc có thu nhập ổn định, bạn bè và đám thanh niên trong thôn tại xã Măng Ri cũng kéo lên đây làm cùng với ông.

Sâm Ngọc Linh chứa 52 hợp chất saponin, trong đó có 26 hợp chất saponin không có trong các loại sâm khác. Trong khi đó, các loại sâm nổi tiếng trên thế giới chỉ chứa khoảng 25 loại saponin khác nhau.

Nâng niu cây sâm nhỏ cao khoảng nửa mét, ông A Din cho biết thấy nó nhỏ vậy nhưng đã được 10 năm tuổi và đã có thể thu hoạch. 

Ông cho hay, vào thập niên 80 - 90 của thế kỷ trước, sâm Ngọc Linh tự nhiên trên núi đã bị khai thác tràn lan và tận diệt. Giờ đây để tìm được 1 gốc sâm rừng đúng nghĩa là rất khó. Khi thấy vùng sâm này đang được gây dựng lại với diện tích lớn, ông vui vẻ làm việc mà không tính thu nhập cao thấp như là cách trả ơn với núi rừng đã phù hộ cho dân làng hàng đời nay.

Tại lán công nhân vườn ươm số 1, ngồi hơ tay bên bếp củi đang nấu dở nồi cơm, ông A Puôi, người cùng làng với ông A Din cho hay mình không nói sành tiếng Kinh cũng không nói chính xác về kỹ thuật trồng cây sâm Ngọc Linh nhưng ông cho biết, để bảo đảm cho sự phát triển của cây sâm Ngọc Linh tại các vườn ươm, các công nhân phải căng màn che chắn vì mưa quá, nắng quá hay lạnh quá cũng đều gây hại đến cây. 

Bên cạnh đó, thỉnh thoảng cũng có các loại thú rừng phá vườn cây, nhất là loại chuột đất. Các công nhân phải đặt các bẫy chuột quanh các vườn cây giống, khi màn đêm buông xuống thì chia nhau ra đi soi chuột phá sâm. Ồng A Puôi hóm hỉnh nói: “Mình là công nhân, không được phép ăn sâm. Nhưng chuột nó ăn sâm, mình ăn chuột cũng như ăn sâm vậy”.

Theo ông Nguyễn An, Giám đốc Thương mại Sâm Ngọc Linh Kon Tum K5, mỗi năm, hơn hai triệu cây sâm giống được ươm từ hạt dưới tán cây rừng trên núi Ngọc Linh. Đây là nguồn sâm giống để khôi phục lại giống cây dược liệu quý này. Với đặc điểm là phát triển dưới tán rừng già, cây giống sau đó được đem về rừng trồng hoàn toàn tự nhiên.

Sau khoảng hơn 2 giờ đồng hồ ngắm nghía “quốc bảo” trên non cao chúng tôi chuẩn bị khởi hành xuống núi thì sương mù ập xuống nhanh và trời bắt đầu mưa. Hành trình về miền “quốc bảo” tuy khá vất vả, mạo hiểm nhưng tôi và tất cả các thành viên đều khá thỏa mãn vì đã “tận mục sở thị” “quốc bảo”. Trong hành trình xuống núi, lan man trong đầu tôi là câu chuyện về bảo tồn, phát triển và “quốc kế dân sinh” từ loại cây dược liệu quý này.

Cao Sơn (Báo Bình Dương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem