Thảo luận tại phiên họp của Quốc hội ngày 30/5, về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, đại biểu Lê Thanh Hoàn (Đoàn Thanh Hóa) bày tỏ tán thành và thống nhất với những nhận định của Đoàn giám sát của Quốc hội về những kết quả đạt được cũng như tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, cơ bản báo cáo đánh giá toàn diện, khách quan về việc triển khai thực hiện Luật Quy hoạch.
Đại biểu Lê Thanh Hoàn cũng nhất trí với việc cần thiết phải ban hành Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng, một trong những nội dung quan trọng thì chưa được báo cáo rõ với Quốc hội, đó là công tác công bố công khai thông tin quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.
"Việc công bố công khai thông tin quy hoạch một số địa phương còn chậm, chưa thường xuyên, liên tục, chưa tăng cường áp dụng công nghệ thông tin để công khai và cung cấp thông tin quy hoạch có hiệu quả. Trên thực tế cho thấy, công tác công bố công khai thông tin quy hoạch nói chung thực sự còn rất hình thức, đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất và quyền xây dựng", đại biểu Lê Thanh Hoàn nêu rõ.
Từ thực tế nêu ra, nhằm đẩy nhanh tiến độ lập kế hoạch bảo đảm chất lượng quy hoạch, đại biểu Hoàn đề nghị Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo cụ thể hơn với Quốc hội vấn đề công khai thông tin quy hoạch. Ông nhấn mạnh, việc thực hiện công bố, công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân chưa thực sự được coi trọng.
"Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễu loạn thông tin, sốt ảo đất đai, đầu cơ, thao túng thị trường đất đai, gây bất ổn thị trường, khiếu kiện về đất đai dẫn đến mất an ninh trật tự tại một số địa phương. Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện được công bố công khai, thông tin chưa được thực hiện nghiêm túc", đại biểu Lê Thanh Hoàn nói và đề nghị trong dự thảo nghị quyết giám sát của Quốc hội cần bổ sung quy định về biện pháp, chế tài xử lý cụ thể với những trường hợp chậm hoặc không công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm những quy định của pháp luật về quy hoạch được thực thi nghiêm túc trên thực tế.
Đánh giá cao việc Quốc hội lựa chọn chuyên đề giám sát tối cao về nội dung này, ĐBQH Lê Văn Dũng (Đoàn Quảng Nam) cho rằng, nội dung giám sát rất đúng và trúng, có tác dụng rất lớn trong quá trình triển khai thực hiện...
Song, đại biểu Lê Văn Dũng chỉ ra rằng, về chất lượng quy hoạch, trong thời gian qua các đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn còn hình thức; tính khả thi không cao; thiếu đồng bộ với quy hoạch ngành có liên quan; tính kế thừa, tính dự báo chưa cao; việc điều chỉnh quy hoạch không theo nhu cầu khách quan, chạy theo dự án, xa rời thực tiễn.
Đại biểu Dũng nhấn mạnh, qua giám sát, công tác quy hoạch vẫn còn nhiều khó khăn về nguồn nhân lực, nguồn vốn; khó khăn về đơn vị tư vấn… dẫn đến chất lượng quy hoạch thấp.
Trong thời gian tới, đại biểu Dũng đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành quy hoạch tổng thể quốc gia. Đại biểu cho rằng, đây sẽ là nền tảng cốt lõi nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, kết nối hệ thống quy hoạch trong cả nước.
Đáng chú ý, trước khi quy hoạch tổng thể quốc gia được ban hành, để hạn chế mâu thuẫn phát sinh khi các quy hoạch được lập, đại biểu Dũng đề nghị thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về quy hoạch nhằm hạn chế mâu thuẫn và giải quyết các bất cập, vướng mắc phát sinh trong lúc chờ sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị liên quan đề cao công tác phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu, trao đổi, thống nhất quan điểm trong quá trình quản lý các loại quy hoạch để giảm thiểu hạn chế, sai sót trong công tác quy hoạch.
Phát biểu tại hội trường Quốc hội, đại biểu Hà Phước Thắng (Đoàn TP.HCM) kiến nghị cần có quy định đồng bộ các khái niệm về chức năng đất được quy hoạch giữa quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn và kế hoạch sử dụng đất để đồng bộ, thống nhất, làm cơ sở lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm đối với các tiêu chí sử dụng đất được duyệt, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất.
Đặc biệt, để đảm bảo hài hòa giữa yêu cầu phát triển nhanh, bền vững, tăng tính khả thi của các đồ án quy hoạch đô thị và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân trong khu vực có quy hoạch, đại biểu Hà Phước Thắng kiến nghị Chính phủ cần có những chính sách phù hợp về nhà, về đất đối với người dân trong khu vực quy hoạch theo hướng tạo sự công bằng, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến đời sống và quyền lợi hợp pháp của người dân, hạn chế điều chỉnh quy hoạch làm ảnh hưởng đến chất lượng đồ án quy hoạch. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác tổ chức thực hiện quy hoạch, đáp ứng yêu cầu phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo mục tiêu phát triển bền vững.
Đại biểu Thắng cũng kiến nghị Chính phủ cần có cơ chế, chính sách thu hút nhiều nguồn đầu tư để đầu tư nhanh vào những khu vực quy hoạch chức năng công cộng như công viên, trường học, bệnh viện để quy hoạch sớm được thực thi, tạo thêm nhiều thiết chế văn hóa, giáo dục, thể thao, y tế phục vụ cho người dân ngày càng tốt hơn và sớm ổn định cuộc sống của người dân trong khu vực có quy hoạch các công trình công cộng nêu trên.