Có những dự án sau điều chỉnh, dân số tăng thêm gần một phường
ĐBQH: "Có những dự án sau điều chỉnh, dân số tăng thêm gần một phường"
Thành An
Thứ hai, ngày 30/05/2022 12:41 PM (GMT+7)
Đại biểu Quốc hội Trần Việt Anh cho biết, có những dự án sau điều chỉnh, dân số tăng thêm gần một phường. "Qua đại dịch Covid-19 càng bộc lộ rõ, chúng ta không thể tăng thêm một đồn công an hay một trạm y tế, trường học…".
Vẫn còn thiếu công cụ quản lý quy hoạch chuyên ngành
Sáng 30/5, thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực, Đại biểu Trần Việt Anh (đoàn TP. Hà Nội) cho rằng, sau 3 năm thực hiện Luật Quy hoạch đã bộc lộ một số số hạn chế trong việc lập, thẩm định, phê duyệt. Đến nay, chỉ có 3 quy hoạch cấp vùng, tỉnh được phê duyệt theo Luật Quy hoạch 2017.
Theo ông, qua khảo sát thực tế tại địa phương, vẫn còn thiếu công cụ quản lý quy hoạch chuyên ngành, cụ thể là các di sản đô thị do phải tích hợp các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành trong quy hoạch tỉnh, TP.
Do đó, ông đề nghị cần một bản quy hoạch chuyên ngành và kỹ thuật chuyên ngành về di sản văn hóa và khảo cổ học để triển khai các dự án không bị dừng lại vì quy hoạch.
Đáng chú ý, ĐBQH Đoàn Hà Nội cho rằng, hiện nay chúng ta nhận thấy ngay lập tức các áp lực của gia tăng giao thông đô thị trong khu vực, nhưng áp lực lớn nhất được đặt lên chính quyền địa phương tại khu vực đó. Về an ninh, y tế, giáo dục hay thiết chế văn hóa, hạ tầng xã hội... Có những dự án sau điều chỉnh, dân số tăng thêm gần một phường.
"Qua đại dịch Covid-19 càng bộc lộ rõ, chúng ta không thể tăng thêm một đồn công an hay một trạm y tế, trường học và các thiết chế sẽ từ từ bộc lộ gánh nặng đặt lên chính quyền địa phương và ngân sách nhà nước sẽ phải đầu tư nhiều năm để khắc phục và đảm bảo quyền lợi cho người dân", ông Việt Anh nói và kiến nghị, cần có khảo sát đánh giá tác động các dự án đối với đô thị của các khu vực quy hoạch ổn định được điều chỉnh những năm gần đây để có cái nhìn chính xác về việc điều chỉnh quy hoạch.
"Đã đến lúc cần nghiên cứu các giải pháp mà quốc tế, các quốc gia trong khu vực đã áp dụng. Đó là chính sách chuyển quyền pháp triển không gian (TDR) với 4 lợi ích mà cơ chế đem lại. Trong đó có tái phân bổ lợi ích vượt khỏi ràng buộc về vị trí; chính quyền nắm quyền kiểm soát; sử dụng chính thị trường kiểm soát và ràng buộc các bên, giảm tham nhũng; chính quyền có thêm quyền lực để phát triển.
Cần quy định chặt chẽ trách nhiệm của người đứng đầu trong từng bước quy hoạch
Cũng thảo luận tại hội trường, Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho biết, cử tri và Nhân dân cả nước đánh giá rất cao khi Quốc hội lựa chọn chuyên đề giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành" để giám sát tối cao.
Đưa ra những giải pháp đảm bảo công tác quy hoạch được thực hiện có hiệu quả, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị Chính phủ kịp thời ban hành các văn bản pháp luật tháo gỡ khó khăn có liên quan đến công tác quy hoạch, quản lý ngành, lĩnh vực sau khi bãi bỏ các quy hoạch.
Cụ thể, ông Tạo đề nghị triển khai rà soát các quy hoạch hết hiệu lực theo quy định tại Khoản 1, Điều 59 của Luật Quy hoạch. Chính phủ cần kịp thời ban hành các văn bản tháo gỡ khó khăn có liên quan đến việc quản lý ngành, lĩnh vực sau khi bãi bỏ hàng hóa dịch vụ, sản phẩm. Sớm phê duyệt quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng để làm cơ sở định hướng xây dựng chuyên ngành trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu, phân cấp một số nội dung cho chính quyền địa phương như điều chỉnh cục bộ nội dung trong quy hoạch tỉnh, tạo thuận lợi cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.
Vị ĐBQH Đoàn Lâm Đồng cũng kiến nghị cần cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính, công khai công bố quy hoạch, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để kết hợp quy hoạch.
Ngoài ra, cần quy định chặt chẽ về tiến độ từng bước, thời gian hoàn thành, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp các ngành, quy định rõ đến từng bước quy hoạch, đảm bảo việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và của từng địa phương.
Còn Đại biểu Lê Thanh Hoàn (Đoàn Thanh Hóa) nêu rõ, việc thực hiện công bố, công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân chưa thực sự được coi trọng.
Đại biểu Hoàn cho rằng, đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễu loạn thông tin, sốt ảo đất đai, đầu cơ, thao túng thị trường đất đai, gây bất ổn thị trường, khiếu kiện về đất đai dẫn đến mất an ninh trật tự tại một số địa phương.
Tuy nhiên, vị ĐBQH Đoàn Thanh Hóa cho rằng, việc xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện được công bố công khai, thông tin chưa được thực hiện nghiêm túc…
Từ đó, Đại biểu đề nghị với Quốc hội, trong dự thảo Nghị quyết giám sát của Quốc hội cần bổ sung quy định về biện pháp, chế tài xử lý cụ thể với những trường hợp chậm hoặc không công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm những quy định của pháp luật về quy hoạch được thực thi nghiêm túc trên thực tế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.