Cách đây gần 2 năm, heo giống luôn trong tình trạng đắt hàng, thậm chí khan hiếm và có thời điểm giá đạt ở mức 2,5-3 triệu/cặp, tuy nhiên, hiện nay giá chưa đến một nửa.
Gần 5 năm trong nghề nuôi heo rừng lai, chưa năm nào ông Cao Văn Phương (ấp Bình Tiến, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) lại chứng kiến giá heo giống xuống thấp như vậy.
Gia đình ông hiện có tổng đàn heo gần 70 con, trong đó có 10 con heo nái. Thông thường các năm, nhiều người đã đặt mua heo giống khi heo nái vẫn còn mang thai, bao nhiêu heo con giống cũng đều có người đặt mua. Nhưng từ đầu năm tới nay, hầu như ông không bán được cặp heo giống nào.
Ông Phương chia sẻ, trung bình mỗi con heo nái sinh 2 lứa/năm với mỗi lứa 8-9 con. Trước đây, nguồn thu nhập chính của gia đình ông chủ yếu phụ thuộc vào việc bán heo giống. Nay do việc chăn nuôi khó khăn, nhiều người e ngại tái đàn nên việc mua bán con giống cũng trở nên ít hơn. Heo giống ế ẩm kéo theo mức giá cũng giảm đi rất nhiều.
Trước đây, mỗi cặp heo giống ông Phương bán dao động từ 2,5-3 triệu đồng/cặp, thì nay chỉ còn 1,5 triệu đồng/cặp.
“Chưa bao giờ heo giống lại ế hàng và rớt giá đến thế. Mọi năm, thời điểm này, heo giống sốt hàng, giá lên cao, nay xuống còn một nửa nhưng cũng không có người hỏi mua. Từ chỗ chuyên bán heo giống, gia đình tôi đành phải giữ lại nuôi thịt vì heo giống không có đầu ra”, ông Phương chia sẻ.
Để giảm bớt gánh nặng trong thời điểm chăn nuôi khó khăn, gia đình ông Vũ Ngọc Huấn (ấp Suối Lúp, xã Bình Ba, huyện Châu Đức) đã phải giảm hơn một nửa đàn heo nái. Gia đình ông trước đây luôn duy trì khoảng 250 con, trong đó có khoảng 70 con heo nái, chủ yếu phục vụ giống nuôi cho gia đình và người dân địa phương. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán, ông buộc phải giảm đàn heo nái xuống con 30 con do thua lỗ và không bán được heo giống.
Theo ông Huấn, heo giống ít người mua, trong khi đó chi phí chăn nuôi ngày càng tăng cao. Nếu để nuôi heo thịt, người chăn nuôi khó lòng trụ vững trong thời buổi giá thức ăn tăng phi mã như hiện nay.
“Mọi năm, thời điểm này, heo đẻ ra bao nhiêu là có người đến đặt cọc chờ đủ ngày đủ tháng là bắt. Nhưng năm nay ế ẩm. Giá heo giống bây giờ chỉ còn 900 ngàn đồng/con, giảm một nửa so với thời điểm trước. Tuy giá thấp là thế, nhưng việc mua bán cũng khó khăn”, ông Huấn nói.
Tương tự, gia đình ông Lê Trung Lập (xã Bình Ba) cho biết, với 14 con heo nái, trung bình mỗi năm cho ra đời khoảng 100 heo con. Khi heo giống có giá, đây được xem là nguồn cung cấp để ông phát triển thành heo thịt, đồng thời bán thêm cho người quen.
Nhưng bây giờ, với giá thức ăn chăn nuôi cao như vậy, heo giống đẻ nhiều lại trở thành gánh nặng, bởi không ai mua, để nuôi thì lỗ.
Theo những người có kinh nghiệm về chăn nuôi, hiện dịch bệnh đã tương đối ổn định, là thời điểm khá thích hợp nhất để tái đàn. Tuy nhiên, phần lớn những người nuôi heo hiện nay không xuất phát từ nhu cầu thật sự, do rủi ro cao.
Hộ không bán được con giống nên để nuôi, hộ thì đã lỡ đầu tư chuồng trại nên không thể bỏ trống. Còn những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ 1-2 con thì chủ yếu lấy công làm lãi, tận dụng bã rượu, cơm thừa mới mong có lời chút ít.
Giá thức ăn chăn nuôi thời điểm này liên tục biến động tăng, trong khi đó đầu ra của sản phẩm chăn nuôi lại không ổn định và ở mức thấp. Hơn nữa, phần lớn người chăn nuôi đều ở dạng quy mô nhỏ lẻ, mang tính tự phát, tiềm lực tài chính yếu, nên khá e dè trong việc tái đàn heo. Do đó, giá heo giống thời gian qua có xu hướng giảm mạnh so với thời điểm trước.
Trước thực trạng trên, ngành chăn nuôi khuyến cáo người nuôi heo cần tính toán kỹ lưỡng khi tái, tăng đàn. Đồng thời, có thể tận dụng thêm các nguồn thức ăn như: cám, bắp, củ mì… để giảm chi phí, tránh thua lỗ.