Dê mắc bệnh lạ chưa từng thấy ở Bắc Kạn, đàn dê chết la liệt, thiệt hại cả trăm triệu đồng
Đàn dê bỗng dưng mắc bệnh lạ chưa từng thấy, một hộ nông dân ở Bắc Kạn thiệt hại cả trăm triệu
Thứ bảy, ngày 21/05/2022 18:47 PM (GMT+7)
Đàn dê gần 80 con đang phát triển tốt của gia đình ông Hà Văn Sao ở khu C, xã Bằng Vân (huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn) bỗng nhiên xuất hiện chứng bệnh lạ và chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân, thiệt hại ước tính gần 100 triệu đồng.
Ông Hà Văn Sao cho biết: Khu chăn nuôi của gia đình nằm biệt lập cách trung tâm thôn khoảng 2km. Đã chăn nuôi dê được gần 10 năm nay nhưng ông chưa từng gặp chứng bệnh như này.
Việc phun thuốc khử trùng tiêu độc, rắc vôi bột quanh khu vực chuồng trại chăn nuôi, tiêm phòng dịch bệnh được gia đình chú ý thực hiện. Tuy nhiên, khoảng tháng 12/2021 một số con dê trong đàn bắt đầu có hiện tượng như bị ghẻ.
Ban đầu ở tai nổi lên các cục u, sần sùi sau đó lan ra toàn thân và gây lở loét. Những con dê bị bệnh sẽ yếu dần, không ăn được và chết. Ngay khi phát hiện bệnh, ông đã tách những con dê bị bệnh ra khu vực riêng để chăm sóc, điều trị, tuy nhiên bệnh không thuyên giảm.
Tổng đàn dê của ông Hà Văn Sao cuối năm 2021 có gần 80 con, sau 5 tháng bị nhiễm bệnh đến nay đã có trên 30 con bị bệnh và chết gần 30 con, thiệt hại về kinh tế ước tính gần 100 triệu đồng.
Những con dê bị chết ông Sao đã đem đi tiêu hủy bằng cách đào hố và chôn lấp. Đáng chú ý, khi đàn dê bị bệnh được một thời gian thì đàn trâu gần 10 con được gia đình chăn nuôi ở gần đó cũng bị lây nhiễm mầm bệnh này.
Gia đình đang tiếp tục thực hiện các biện pháp chữa trị theo khuyến cáo của cán bộ chuyên môn thú y ủa huyện và xã.
Theo chị Nông Thị Ngân, cán bộ nông - lâm nghiệp xã Bằng Vân: Ngay khi biết hộ ông Hà Văn Sao có gia súc bị bệnh, chúng tôi đã đi kiểm tra đàn vật nuôi gồm cả đàn dê và trâu của gia đình. Qua kiểm tra thấy rằng, đây là bệnh ngoài da ăn sâu dưới tầng biểu bì, rất khó chữa.
Chúng tôi đã khuyến cáo gia đình thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng, bôi các loại thuốc điều trị theo phác đồ chữa trị bệnh thú y nhằm hạn chế sự phát sinh của mầm bệnh. Tuy nhiên mầm bệnh này đến nay vẫn chưa được chữa khỏi triệt để mà vẫn còn biểu hiện trên một số con khác và có sự lây lan trên đàn vật nuôi.
Chứng bệnh này mới chỉ xuất hiện trên đàn vật nuôi của hộ ông Sao, vật nuôi của các hộ khác ở trên địa bàn xã vẫn phát triển bình thường.
Xã Bằng Vân có tổng đàn gia súc hơn 1.000 con, trong đó phần lớn là trâu với hơn 700 con. Trong quý I, xã đã thực hiện tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng và lở mồm long móng theo định kỳ được hơn 50% tổng đàn.
Cán bộ chuyên môn đã khuyến cáo các hộ chăn nuôi chủ động thực hiện những biện pháp phòng, chống dịch bệnh, trong đó chú trọng thường xuyên vệ sinh chuồng trại, khu vực chăn nuôi, chủ động tiêm phòng cho đàn vật nuôi định kỳ, bảo đảm cho đàn vật nuôi đủ thức ăn, nước uống; khi phát hiện có dấu hiệu bệnh cần kịp thời thông báo cho cán bộ chuyên môn để được hướng dẫn chữa trị, cách ly.
Hiện nay gia đình ông Hà Văn Sao rất lo, mong muốn cơ quan chuyên môn của tỉnh và huyện có biện pháp phối hợp lấy mẫu, xét nghiệm để khẳng định bệnh và hỗ trợ gia đình tìm ra nguyên nhân, từ đó có phương pháp chữa trị hữu hiệu hơn, giúp giảm thiệt hại về kinh tế.
Lo nhất là đàn trâu của gia đình mới bị mắc bệnh, nếu không thể chữa trị được như đàn dê thì thiệt hại kinh tế sẽ còn lớn hơn rất nhiều.
Trao đổi với phóng viên, ông Nông Quang Hải- Trưởng Phòng quản lý Dịch bệnh và Chăn nuôi (Chi cục Chăn nuôi và Thú ý) cho biết: Đơn vị cũng mới nắm được thông tin về việc đàn dê mắc bệnh chết ở xã Bằng Vân. Tuy nhiên, qua hình ảnh cho thấy giống triệu trứng của bệnh đậu dê, loại bệnh này rất ít khi bị mắc nhưng nếu bị mắc thì tỷ lệ gây chết có thể lên đến 80%.
Đơn vị đang cho cán bộ chuyên môn tổ chức lấy mẫu xét nghiệm xác định chính xác bệnh để có biện pháp thực hiện triệt tiêu mầm bệnh. Nếu là bệnh đậu dê thì có vác xin phòng bệnh và thuốc điều trị. Đây không phải bệnh viêm da nổi cục vì bệnh viêm da nổi cục không xuất hiện ở dê.
Qua đây Phòng quản lý Dịch bệnh và Chăn nuôi cũng khuyến cáo người chăn nuôi trên địa bàn toàn tỉnh, nếu đàn vật nuôi bị mắc bệnh cần nhanh chóng báo cho cán bộ chuyên môn và chính quyền địa phương để phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh tổ chức lấy mẫu xác định bệnh và nguyên nhân gây ra bệnh để có biện pháp chữa trị phù hợp. Không nên tự chữa trị khi chưa biết rõ bệnh...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.