Ông Sasin, người đã tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos vào tuần trước, nói với đài phát thanh Ba Lan hôm 29/5 rằng vấn đề tái thiết Ukraine "được nhắc đến rất nhiều" tại cuộc họp cấp cao.
Ông khẳng định: "Ba Lan là quốc gia cung cấp nhiều hỗ trợ nhất cho Ukraine".
Ba Lan, quốc gia tiếp nhận khoảng 3,7 triệu người tị nạn Ukraine, đã tích cực cung cấp vũ khí cho Kiev, bao gồm cả xe tăng. Bên cạnh đó, nhiều vũ khí và viện trợ do các nước khác gửi đến Ukraine cũng qua lãnh thổ Ba Lan.
Phó Thủ tướng cho biết: "Ba Lan sẽ đảm bảo ngũ cốc từ Ukraine có thể đến được thị trường".
Ukraine là nước sản xuất ngũ cốc lớn, nhưng việc đóng cửa các cảng ở Biển Đen do giao tranh khiến việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn
Theo ông Sasin, chính phủ Ba Lan mong muốn đóng một vai trò lớn hơn nữa trong việc khôi phục những thiệt hại mà nước láng giềng phải gánh chịu.
"LHQ đang tạo ra một quỹ quốc tế để hỗ trợ việc tái thiết Ukraine. Chúng tôi cố gắng đảm bảo rằng trung tâm của quỹ này nằm ở Ba Lan. Như vậy chúng tôi sẽ không chỉ có một trung tâm hậu cần mà còn có một trung tâm tài chính", ông giải thích.
Theo phó thủ tướng, Warsaw đã bắt đầu đàm phán với Kiev về sự tham gia của các công ty Ba Lan trong công cuộc tái thiết Ukraine.
Tháng trước, Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR) cáo buộc Warsaw đang tìm cách sử dụng cuộc xung đột để giành quyền kiểm soát một số khu vực ở Ukraine mà Ba Lan coi là "thuộc về lịch sử" của họ. Tuy nhiên phía Ba Lan đã bác bỏ các cáo buộc.
Đầu tháng này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hứa sẽ cấp quy chế pháp lý đặc biệt cho công dân Ba Lan, nhấn mạnh rằng "không nên có biên giới hoặc rào cản" giữa các nước láng giềng. Ông nói: "Về mặt tinh thần, Ukraine và Ba Lan dường như không thể tách rời trong suốt một thời gian dài".