Dân Việt

Phi Thanh Vân: “Tôi từng bị bạn đánh tại trường, không dễ để triệt tiêu bạo lực học đường”

Mỵ Lương 01/06/2022 07:23 GMT+7
“Dù có chuyển trường cho con sau vụ bạo lực học đường nhưng chúng ta có chắc không xảy ra chuyện tương tự”, Phi Thanh Vân chia sẻ với Dân Việt.

Trước sự vụ phụ huynh trường quốc tế American Academy ở TP.HCM (ISHCMC-AA) tố con bị bạn đánh được dư luận quan tâm những ngày qua, diễn viên Phi Thanh Vân hiện đang đảm nhận vai trò Phó trưởng Văn phòng đại diện Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam (VACHE) đã có cuộc trò chuyện cởi mở với Dân Việt về quá khứ từng là nạn nhân của bạo lực học đường. Ngoài ra, chị cũng "mách nước" cho các phụ huynh đồng hành khi con là nạn nhân của bạo lực học đường và hé lộ "tuyệt chiêu" bảo vệ con trai Tấn Đức (6 tuổi).

Phi Thanh Vân từng im lặng khi bị bạn đánh tại trường

Phi Thanh Vân từng chia sẻ về quá khứ bản thân là nạn nhân của bạo lực học đường. Chị nhìn nhận thế nào khi hiện tại tình trạng này tiếp diễn khiến các bậc phụ huynh hoang mang, lo lắng?

- Bạo lực học đường vốn đã xảy ra từ rất lâu rồi. Và tôi nghĩ ngay từ các bậc phụ huynh cho đến học sinh ở thời điểm hiện tại cũng từng ít hoặc nhiều lần chứng kiến sự việc bạn bè đánh lộn, bắt nạt nhau… Sự việc này xảy ra kể cả tại các trường chuyên, trường bán công… 

Trước đây, khi học lớp 10, tôi cũng từng bị vậy các bạn được coi là "đầu gấu" trong trường bắt nạt, đánh đập. Những bạn học sinh đó không chịu học hành mà suốt ngày kiếm chuyện này, chuyện kia để gây sự với tôi và những học sinh khác yếu thế khác.  

Phi Thanh Vân: “Tôi từng bị bạn đánh tại trường, không dễ để triệt tiêu bạo lực học đường” - Ảnh 1.

Phi Thanh Vân: “Tôi từng bị bạn đánh tại trường, không dễ để triệt tiêu bạo lực học đường”. (Ảnh: NVCC)

Tôi cho rằng, bạo lực học đường hiện nay vẫn tồn tại mà chúng ta chỉ có thể cố gắng kiểm soát tới mức tối đa. Tôi rất tâm đắc và đồng tình với quan điểm của TS. Hoàng Trung Học, chuyên gia tâm lý học trường học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục: "Bạo lực học đường là một hiện tượng học đường bình thường và sẽ tồn tại cùng hiện tượng giáo dục. Chúng ta chỉ có thể tìm cách kiểm soát, hạn chế chứ không thể triệt tiêu được nó".

Thực tế, để triệt tiêu hoàn toàn 100% bạo lực học đường là điều cực kỳ khó. Bởi vì, học sinh có thể bị bạn đánh ở trong lớp học, nhà vệ sinh, sân sau của trường hoặc sau khi đi ra khỏi trường sự việc học sinh bị bạn bè đánh đập mới xảy ra… Điều này ngay cả đối với các thầy cô giáo chủ nhiệm, các bậc phụ huynh cũng rất khó kiểm soát, nắm bắt được sự việc.

Lý do chị từng bị bạn bè bắt nạt, đánh đập thời đi học là gì? Thời điểm đó, Phi Thanh Vân có cách giải quyết sự việc thế nào?

- Thời thơ ấu, tôi đã không ít lần bị bạn bè ức hiếp. Có tin được không khi lý do tôi bị bạn bè bắt nạt chỉ vì mình… xấu, học lực giỏi. Năm tôi 8 tuổi, gia đình chuyển vào TP. HCM sinh sống, khi đi học tôi bị bạn bè chế giễu, xa lánh chỉ vì tôi quá gầy gò, ngoại hình và nước da đen bị bạn bè miệt thị. 

Đến năm học lớp 10, tôi nhớ nhất là lần bị cô bạn cao lớn gần như nhất trường có tên Mai Anh cho 2 bạt tay nhưng tôi giấu bố mẹ, thầy cô giáo chủ nhiệm.

Vì giấu chuyện không kể với ai, tôi tiếp tục bị cô bạn này xô ngã, đánh đập. Cụ thể, thời điểm bị bạn đó đánh, tôi chỉ biết lấy tay ôm đầu, bị ngã xuống lớp sỏi đá ở gần bãi gửi xe của trường khiến chân tay tôi trầy xước, chảy máu, thậm chí, tôi bị bạn xé toang áo dài...

Sau lần này, tôi quyết định báo với cô chủ nhiệm. Nhà trường mời phụ huynh hai bên đến làm việc và kết quả bạn nữ đánh tôi phải viết bản kiểm điểm. Cũng từ lần đó, tôi không còn bị bạn này đánh nữa.

Phi Thanh Vân: “Tôi từng bị bạn đánh tại trường, không dễ để triệt tiêu bạo lực học đường” - Ảnh 2.

Phi Thanh Vân hiện đang đảm nhận vai trò Phó trưởng Văn phòng đại diện Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam (VACHE). (Ảnh: NVCC)

Một học sinh khi là nạn nhân của bạo lực học đường sẽ phải trải qua cung bậc cảm xúc, tâm lý bất ổn thế nào, thưa chị?

- Chắc chắn khi bị bạn bè bắt nạt, dọa đánh hoặc bị bạn đánh sẽ khiến tinh thần, tâm lý . Học sinh đó sẽ buồn, khóc, sợ hãi và kết quả học tập có thể bị ảnh hưởng ít nhiều.

Là người từng trải qua cảm xúc đó, tôi hiểu tâm lý của đứa trẻ bị bạn bắt nạt, sợ không dám kể với thầy cô giáo, bố mẹ vì lo lắng bị bạn sẽ chặn đánh trên đường đi học về, chặn đánh trong nhà vệ sinh, chặn đánh ở sau sân trường, bị đánh ở nhà xe hoặc những nơi vắng người…

Chưa kể, bạo lực học đường xảy ra theo hình thức "đánh hội đồng", không đơn thuần là 1 học sinh người bắt nạt, đánh đập 1 học sinh nữa mà nhiều người cùng thực hiện hành động này.

Thời điểm tôi bị bạn bè bắt nạt, đánh đập thì bố mẹ tôi cũng không biết chuyện đó. Bởi, bố mẹ bận rộn với công việc của mình và nhất là do tôi ban đầu giấu kín mọi chuyện không chia sẻ với bố mẹ.

Theo chị, có những nguyên nhân nào khiến cho các vụ việc bạo lực học đường xảy ra "không hồi kết"?

- Tôi nghĩ có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường. Có thể xuất phát từ tâm lý, suy nghĩ, tính tình khác biệt dẫn đến việc học sinh mâu thuẫn với nhau. Có thể do sự ghen tị về nhan sắc, lực học hay tình cảm bạn bè hoặc thầy cô thương người này hơn so với người khác… Tất cả những điều đó tạo ra sự ganh ghét, mâu thuẫn dẫn đến chuyện bắt nạt, đánh đập học sinh khác.  

Thậm chí, chuyện học sinh bị bắt nạt chỉ đơn thuần xuất phát từ việc bạn học sinh đó học rất giỏi, ngoan, hiền và được thầy cô "cưng". Trong khi những học sinh học kém hơn, cá biệt thì lại muốn "xưng hùng, xưng bá" nên bắt nạt, đánh bạn học sinh ngoan hiền kia cho bõ tức, bõ ghét.

Một điểm chung ở những học sinh bị bắt nạt là vì các em không có lợi thế về sắc vóc, cơ thể ốm, gầy, nhỏ con, yếu ớt hoặc không biết về võ. Cho nên, các em bị những bạn lớn hơn bắt nạt.

Thực tế, trường hợp học sinh có thân hình cao lớn, được học võ bài bản và có khả năng bảo vệ bản thân thì sẽ không dễ bị người khác bắt nạt.

Tôi thấy rất hiếm các trường hợp học sinh được học tập võ thuật bài bản từ những thầy dạy võ chuyên nghiệp nhưng sau đó họ lại sử dụng võ để đi bắt nạt, đánh đập một học sinh yếu thế hơn mình. Bởi, học võ ở những người thầy uy tín họ không chỉ dạy võ mà họ còn dạy cả đạo lý, cách đối nhân xử thế. Bản thân tôi cũng học được rất nhiều điều khi học võ sau những lần bị bạn bè bắt nạt, đánh đập.

"Nhổ cỏ tận gốc" bạo lực học đường là điều đáng bàn

Gần đây dư luận xôn xao vụ phụ huynh trường quốc tế American Academy ở TP.HCM (ISHCMC-AA) tố con bị bạn đánh. Nếu gặp trường hợp tương tự thì cách xử lý của chị thế nào?

- Nếu phải đối mặt với trường hợp tương tự thì tôi cũng sẽ lên tiếng để bảo vệ con mình. Tôi nghĩ không chỉ riêng tôi mà nhiều người mẹ khác cũng sẵn sàng lên tiếng. Tuy nhiên, hậu quả của bạo lực học đường mới là vấn đề đáng lo ngại vì ảnh hưởng đến tâm lý của cả học sinh, phụ huynh.

Dù có chuyển cho con sang học tại một ngôi trường mới sau khi con bị bạn bè bắt nạt, đánh đập… nhưng chúng ta có chắc không xảy ra những chuyện tương tự. Cho nên, tôi nghĩ để "nhổ cỏ tận gốc" tình trạng này là điều đáng bàn.

Phi Thanh Vân: “Tôi từng bị bạn đánh tại trường, không dễ để triệt tiêu bạo lực học đường” - Ảnh 3.

"Nhổ cỏ tận gốc" bạo lực học đường là điều đáng bàn", Phi Thanh Vân chia sẻ với Dân Việt. (Ảnh: NVCC)

So sánh với quá khứ, chị nghĩ hướng giải quyết của vụ bạo lực học đường hiện tại đã đủ sức răn đe?

- Tôi cho rằng, chính việc thiếu những môn học thực tế và những kiến thức đối nhân xử thế trong học đường, thiếu đi sự răn đe một cách mạnh mẽ mang tính kỷ luật đã khiến cho vấn nạn bạo lực học đường tồn tại. Hình thức, mức độ xử phạt những vụ bạo lực học đường dường như vẫn chưa quyết liệt, chưa đủ để răn đe.

Trước đây những vụ bạo lực học đường xảy ra trong trường học chỉ đơn thuần dừng lại ở mức độ thầy cô giáo gọi học sinh đó lên văn phòng, phạt vài roi, hoặc gọi phụ huynh đến trường làm việc với ban giám hiệu. Học sinh gây ra sự việc sẽ bị cảnh cáo tùy theo mức độ nặng nhẹ của sự việc và dường như chưa đến mức phải đuổi học.

Tôi cho rằng, cần phải làm mạnh tay hơn nữa với các mức phạt những vụ bạo lực học đường ngay từ lần đầu để tránh tình trạng này tiếp tục xảy ra đối với một học sinh đến lần thứ 2, thứ 3…

Cảm ơn chị đã chia sẻ thông tin!

(Còn tiếp)