Đại biểu Tạ Thị Yên (đại biểu Quốc hội Điện Biên) cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động và ảnh hưởng bất lợi đến nước ta do xung đột Nga, Ukraine và phục hồi chậm chạp sau đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, các chủ trương, quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những nỗ lực vượt bậc trong chỉ đạo, điều hành, kịp thời đề xuất với Quốc hội nhiều cơ chế, chính sách đặc thù.
Đặc biệt để giải quyết nhanh những vấn đề của nền kinh tế, đời sống của nhân dân nên đã đạt được những kết quả tích cực trong năm 2021 cũng như những tháng đầu năm 2022 như Báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã nêu.
Thứ nhất, về vấn đề chậm giải ngân thực hiện các gói hỗ trợ theo Nghị quyết 43 có quy mô gần 350 nghìn tỷ, chúng ta thảo luận thông qua Nghị quyết này nhanh nhất, khẩn trương nhất nhưng đến nay vẫn chưa qua được vòng thủ tục mặc dù có cơ chế đặc thù.
Hai là, giải ngân vốn đầu tư công chậm, báo cáo nói rõ hơn 71.600 tỷ vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa giải ngân, trong đó 16.000 tỷ là các mục tiêu quốc gia chưa được phân bổ giải ngân trong năm 2021. Trong khi đó, đồng báo dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa lại trông mong vào các chương trình mục tiêu quốc gia này. Bên cạnh đó, tiền đầu tư chủ yếu là đi vay, nên gây lãng phí và kém hiệu quả đầu tư, sử dụng vốn. Do đó, việc tăng cường kiểm soát chỉ ra tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm cho việc chậm trễ này là cần thiết.
Ba là, có nhiều biểu hiện lệch lạc trong lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, phát hành trái phiếu, mua sắm thiết bị y tế, do một số tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật, thao túng thị trường không minh bạch thông tin. Vấn đề là khi các cá nhân này lâm vào vòng lao lý lại dẫn theo nhiều cán bộ quản lý nhà nước chuyên ngành, ở các lĩnh vực đó.
Cử tri thắc mắc các tổ chức, cá nhân làm cách nào "qua mặt" được các cơ quan quản lý dễ dàng như vậy trong khi cả xã hội nhìn thấy không bình thường?!.
Thứ tư, với một quốc gia đông dân, các vấn đề về giao thông giải quyết quá chậm, nhất là những vấn đề lớn phải tính toán cho cả một giai đoạn vài chục năm như đường sắt tốc độ cao, đường sắt nội đô Metro, các tuyến đường vành đai ở các đô thị trên 10 triệu dân như Hà Nội, TP.HCM; các tuyến đường cao tốc trục ngang liên vùng, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long, trung du miền núi phía Bắc.
Đây là những vấn đề mang tính chiến lược, tầm nhìn dài hạn, nếu không bắt tay vào ngay thì sẽ không biết bao giờ mới có được hạ tầng giao thông hiện đại để phát triển. Đại biểu cho rằng cần khẩn trương nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thiết kế, dự kiến cân đối các nguồn lực nhà nước trong trung, dài hạn và thu hút đầu tư của khu vực tư nhân trong và ngoài nước.
Thứ năm, về việc mở rộng, nâng cấp sân bay Điện Biên là chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa rất quan trọng đối với vùng kinh tế Tây Bắc, có tác động tích cực đến liên kết phát triển vùng phát triển tiểu vùng quốc tế. Điện Biên là tỉnh duy nhất trong cả nước có đường biên giới giáp với hai nước Lào và Trung Quốc. Để thực hiện mục tiêu đưa Điện Biên trở thành cửa ngõ kết nối khu vực Tây Bắc Việt Nam với các tỉnh Bắc Lào, khu vực Đông Bắc Thái Lan và Tây Nam Trung Quốc phát triển hành lang kinh tế Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên theo Nghị quyết số 11 ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị Chính phủ cho phép dự án xây dựng cao tốc Sơn La - Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang được triển khai thực hiện trước năm 2030.
Ngoài ra, tỉnh Điện Biên đang tích cực chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị Chính phủ quan tâm cho phép phân bổ số vốn còn lại trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 là 1.689 tỷ đồng di dân, tái định cư, ổn định dân cư, phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào tái định cư thủy điện Sơn La.
Đánh giá cao kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022, đại biểu Huỳnh Thanh Phương nhấn mạnh, chủ trương, chính sách, giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ ban hành rất kịp thời, đủ mạnh, đúng hướng, có hiệu quả trên thực tế.
Tuy nhiên, theo đại biểu, vẫn còn một số hạn chế, yếu kém như còn chậm trễ trong xây dựng, phê duyệt các quy hoạch; giải ngân vốn đầu tư công còn chậm so với yêu cầu; chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội đi vào thực tế sản xuất và đời sống còn bộc lộ khiếm khuyết; tính kịp thời, đồng bộ giữa các cấp, các ngành trong giải quyết vấn đề, thực hiện thủ tục vẫn còn bất cập.
Đại biểu đề nghị đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, nâng cao trách nhiệm và năng lực của bộ máy quản lý một cách thực chất, nhất là người đứng đầu; điều chỉnh bổ sung chính sách hợp lý, khuyến khích đổi mới kỹ thuật công nghệ, phát triển doanh nghiệp, cơ sở kinh tế dựa trên thành tựu mới của Cách mạng công nghiệp 4.0; có giải pháp thích hợp mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa, thị trường vốn quốc tế và trong nước; tiếp tục có biện pháp pháp luật, tổ chức, hành chính, kinh tế đủ mạnh nhằm ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả với tham nhũng, tiêu cực, làm lành mạnh hóa bộ máy quản lý nhà nước.