Liên quan tới phương án trùng tu tổng thể cầu Long Biên đang bị xuống cấp nghiêm trọng, ông Lê Hoàng Minh, Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) thông tin, cầu Long Biên vẫn đảm bảo việc an toàn chạy tàu và đi lại của người dân trong bối cảnh khó khăn về kinh phí nâng cấp, sửa chữa.
Hiện, Bộ GTVT đã yêu cầu các đơn vị quản lý thực hiện ngay việc bảo trì, vá ổ gà làm thêm hoặc có những cảnh báo để người dân biết được thực trạng của cầu.
Về lâu dài cần phải khắc phục sự cố triệt để, ông Minh cho rằng, Bộ GTVT sẽ ưu tiên cấp thêm kinh phí để sửa chữa những đoạn hư hỏng trong phần dành cho đường bộ tại cầu Long Biên. Tuy nhiên. về lâu dài, phải có kế hoạch, phương án trùng tu tổng thể cầu Long Biên.
Trong kế hoạch năm 2022, Bộ GTVT sẽ triển khai gói kiểm định chất lượng toàn bộ cầu Long Biên. Sau khi có kết quả kiểm định mới có thể đề xuất phương án trùng tu tổng thể cầu Long Biên đang bị xuống cấp nghiêm trọng được.
Đối với việc sửa chữa, trùng tu cầu Long Biên một cách tổng thể, toàn diện, chúng ta phải cần nguồn kinh phí rất lớn. Chẳng hạn, việc sơn lại toàn bộ cầu Long Biên cũng cần kinh phí lên tới 70 tỷ đồng. Hiện nay, việc duy tu, bảo trì cầu Long Biên vẫn đang sử dụng nguồn tiền kinh tế sự nghiệp đường sắt với kinh phí nhỏ giọt nên không thể cải thiện hình ảnh cầu Long Biên, ông Minh cho biết.
Được biết, năm 2021, kinh phí bảo trì cầu Long Biên là 8,5 tỷ đồng, năm 2022 kinh phí này có được khoảng hơn 9,7 tỷ đồng bao gồm cả kinh phí bảo dưỡng cầu đường sắt, kinh phí bảo dưỡng cầu đường bộ và kinh phí tuần cầu, bảo vệ cầu.
Trong đó, tỷ trọng cho vật tư là hơn 1,3 tỷ đồng, gồm cả phần đường sắt và đường bộ. Kinh phí cho cả hai bên đường bộ chỉ được hơn 400 triệu đồng, trong đó vật tư trực tiếp khoảng 250 triệu đồng cho lan can, tấm đan...
"Với kinh phí ít như vậy nên rất khó khăn cho công tác bảo trì trùng tu tổng thể cầu Long Biên trong trạng thái cầu đã khai thác hơn 120 năm, xuống cấp như vậy. Khi cần thay thế, sửa chữa khẩn, chúng tôi lại phải dồn kinh phí chỗ chưa khẩn cấp cho chỗ ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn"-ông Minh nói.
Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, với cầu Long Biên, không chỉ có vấn đề giao thông đường bộ mà còn vấn đề an toàn giao thông đường thủy. Các trụ cầu hiện đã yếu, nếu các phương tiện thủy va phải thì nguy cơ mất an toàn đường sắt, đường bộ rất cao.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang thực hiện kiểm định tổng thể cầu trước khi đề xuất giải pháp lâu dài, trong đó lập dự án sửa chữa đồng bộ, nguồn vốn đầu tư phát triển.
Cầu Long Biên đã trải qua 121 năm kể từ khi đưa vào khai thác đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Mặc dù hàng năm Bộ GTVT đều quan tâm dành kinh phí cho bảo trì cầu nhưng do lượng phương tiện qua lại đông, quá tải nên phần đường bộ xuống cấp nhanh.
Với những sự cố xảy ra trên cầu Long Biên vừa qua vẫn có thể xảy ra khi kinh phí dành cho duy tuy bảo trì cây cầu rất hạn hẹp, thậm chí trong kinh phí hạn hẹp đó, phần lớn dành cho việc duy tuy, bảo trì phần đường dành cho đường sắt, còn phần đường dành cho đường bộ là chấp vá, hỏng đâu sửa đấy...