Ngày 31/5, trả lời phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng kỹ thuật Công ty CP đường sắt Hà Hải, đơn vị quản lý, duy tu, bảo dưỡng cầu Long Biên thông tin, đơn vị đã xác định nguyên nhân ban đầu dẫn đến mặt đường bị thủng.
"Sự cố do xe ba gác chở nặng chạy qua, cộng với thời tiết mưa nhiều ngày khiến kết cấu mặt đường yếu. Sự cố này là hy hữu, lần đầu tiên xảy ra", ông Phương nói và cho hay lực lượng tuần cầu đã phát hiện, kịp thời khắc phục.
Để phòng ngừa sự cố tương tự, trước mắt Công ty đường sắt Hà Hải đang rà soát tất cả các điểm trên phần đường bộ cầu Long Biên có nguy cơ sụt lún. Đơn vị cũng đã đề nghị Sở Giao thông vận tải, Công an TP Hà Nội phối hợp kiểm soát lượng xe qua cầu, ngăn xe thô, xe ba gác trọng tải lớn.
Về giải pháp lâu dài, Tổng công ty đường sắt Việt Nam, Công ty đường sắt Hà Hải đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải lên phương án đợt sửa chữa lớn hai phần đường bộ, đảm bảo an toàn.
Theo đại diện Công ty CP đường sắt Hà Hải, kinh phí bảo đưỡng, duy tu cầu Long Biên mỗi năm là 7 tỷ đồng.
Trong đó, phần kinh phí dành cho bảo dưỡng đường bộ là hơn 200 triệu đồng. Công tác bảo dưỡng đường bộ được thực hiện định kỳ hàng tháng, chủ yếu tập trung trám vá ổ gà, điểm nứt hở.
"Với hơn 3.200m đường bộ, chi phí như vậy rất thấp. Chúng tôi đã nỗ lực hết sức để lập phương án sao cho đúng, trúng, kịp thời", đại diện đơn vị quản lý cầu Long Biên nói.
Trước đó, trưa ngày 28/5, mặt đường cầu Long Biên làn dành cho xe máy, chiều đi từ Trần Nhật Duật - Ngọc Thụy bị thủng một khoảng rộng hơn 1m2. Đến 12 giờ cùng ngày, Công ty CP đường sắt Hà Hải, đơn vị quản lý bảo trì cầu Long Biên, đã cử 10 công nhân đến thay một tấm bê tông khác vào mặt đường.
Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, khởi công từ tháng 9/1898, do hãng Daydé-Pillié (Pháp) thiết kế và khánh thành năm 1902. Cầu dài hơn 1.691 m, có kết cấu ban đầu là cầu dàn thép, đường sắt chạy ở giữa và hai bên dành cho phương tiện đường bộ.
Trải qua 120 năm tuổi nên các kết cầu dần xuống cấp và hư hỏng, nhiều khung sắt hoen gỉ. Giai đoạn 1995 - 2010 cầu Long Biên đã được gia cố sửa chữa với tổng mức đầu tư là 116 tỷ đồng.
Năm 2015, ngân sách Nhà nước chi 300 tỷ đồng để đại tu cây cầu. Sáu năm qua cầu chỉ được bảo dưỡng định kỳ và hiện chưa có thông tin về đợt sửa chữa lớn.
Từ năm 1986, Công ty cổ phần đường sắt Hà Hải được Tổng công ty đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) giao nhiệm vụ quản lý và duy tu, bảo dưỡng cầu Long Biên. Đợt bảo trì gần đây nhất của đơn vị là vào tháng 4/2021.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.