Ngày 2/6, tại huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ bí xanh thơm và các sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Kạn năm 2022.
Đây là hoạt động được kỳ vọng sẽ giải quyết được những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, HTX, các tổ sản xuất cũng như kết nối, quảng bá hiệu quả các sản phẩm nông sản của tỉnh Bắc Kạn.
Theo Ban tổ chức, các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, nhất là nông, lâm sản đã được UBND tỉnh Bắc Kạn tập trung chỉ đạo, theo dõi, nắm bắt biến động thị trường để kịp thời bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân liên kết tiêu thụ nông sản thông qua tổ chức hội chợ, tham gia trưng bày, quảng bá sản phẩm.
Hoạt động thương mại điện tử tỉnh Bắc Kạn trong những năm qua cũng đã có những bước chuyển biến tương đối rõ nét. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động quản lý Nhà nước và doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.
Với nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bắc Kạn và sự hỗ trợ từ các bộ, ngành, 100% các doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn đã có giao dịch thương mại điện tử, 80% doanh nghiệp thường xuyên sử dụng thư điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh…
Phát biểu tại hội nghị, bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, tỉnh Bắc Kạn không quá xa xôi về khoảng cách nhưng một số lĩnh vực chưa khẳng định được thương hiệu.
"Cơ hội chưa bao giờ có được hiện nay đang dần hiện hữu khi hai cung đường gồm tuyến đường nối tiếp từ huyện Chợ Mới lên TP.Bắc Kạn và tuyến đường từ TP.Bắc Kạn đến hồ Ba Bể sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn khoảng cách, đưa sản phẩm nông sản Bắc Kạn đến được với thị trường lớn cũng như thuận lợi trong việc thu hút du lịch," bà Đỗ Thị Minh Hoa phát biểu.
Theo bà Hoa, trong chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội, đến năm 2023 và đến năm 2030 tỉnh Bắc Kạn vẫn đang xác định lấy nông nghiệp làm trọng tâm, đóng góp đến năm 2025, nông nghiệp sẽ chiếm 26% trong cơ cấu các ngành kinh tế; đến năm 2030 nông nghiệp sẽ đóng góp 20-22%. Ngành trọng điểm thứ hai là dịch vụ và du lịch sẽ là ngành trọng tâm chính.
Hiện nay ngành này đang đóng góp trong khu vực kinh tế khoảng 50%, xác định đến năm 2030 đóng góp khoảng 55-56%; bên cạnh đó ngành công nghiệp sẽ tăng từ 14% hiện nay lên 20-22% vào năm 2025-2030.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn chia sẻ, từ việc rất khó khăn cho bố trí một gian hàng (năm 2015-2016), đến nay tỉnh Bắc Kạn đã có 155 sản phẩm OCOP. Ngoài ra, còn có các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, cấp khu vực và Quốc gia. Đây là kết quả từ sự cố gắng của tỉnh Bắc Kạn.
Tỉnh Bắc Kạn có địa hình đặc thù, núi rất cao và chia cắt mạnh gây ra những khó khăn cho sản xuất, đặc biệt là tổ chức sản xuất lớn. Tuy nhiên, điều này cũng lại tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh Bắc Kạn phát triển những sản phẩm theo hướng đặc thù đặc hữu thông qua nguồn gen, khí hậu, chất đất riêng biệt.
Bà Hoa cho biết, Bắc Kạn đã nhìn được lợi thế trong những khó khăn để phát triển những sản phẩm đặc hữu mà điển hình là bí xanh thơm. Và từ đó khôi phục và phát triển sản phẩm đặc hữu bí xanh thơm Ba Bể, ngoài ra còn có các sản phẩm đặc hữu khác như khẩu nua lếch Ngân Sơn, chè shan tuyết Chợ Đồn, Chợ Mới…
Theo bà Hoa, chưa có nhiệm kỳ nào tỉnh Bắc Kạn làm xúc tiến mạnh mẽ như nhiệm kỳ này, tạo điều kiện tiếp cận các nhà phân phối, các doanh nghiệp, các hiệp hội… cho người nông dân, HTX và doanh nghiệp để sản phẩm nông sản Bắc Kạn tham gia vào hệ thống siêu thị của cả nước.
Ngoài thương mại truyền thống, tỉnh Bắc Kạn đã nỗ lực thực hiện xúc tiến kênh thương mại mới, đó là phát triển thương mại điện tử, thương mại số và đặc biệt là bán hàng tại chỗ, gắn với du lịch nông nghiệp và du lịch sinh thái.
Bà Hoa hi vọng sẽ đặt tiền đề đầu tiên để phát triển du lịch đưa vào các giá trị của sản phẩm nông nghiệp, trong đó có giá trị văn hóa của cộng đồng, giá trị sinh thái, giá trị môi trường…
Ông Vũ Hà Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) bày tỏ, với những gì tỉnh Bắc Kạn đã có, ông mong muốn tỉnh Bắc Kạn sẽ giành được sự quan tâm, hỗ trợ của nhiều địa phương hơn nữa, có sự liên kết trong chuỗi giá trị để tạo nên vùng nguyên liệu lớn hơn.
Tại hội nghị, bà Đinh Tuyết Nhung (Giám đốc HTX Nhung Lũy tại Ba Bể) cho biết: "Sau khi sự kiện diễn ra, chúng tôi đã tìm được một số đối tác mới kí kết bao tiêu sản phẩm. HTX sẽ lên kế hoạch củng cố vùng nguyên liệu về diện tích cũng như số lượng, củng cố hành lang pháp lý để HTX đi xa hơn trong thị trường."
Còn ông Nguyễn Quốc Cường - Giám đốc kinh doanh dược mỹ phẩm Hoàng Lâm (trụ sở tại Hà Nội) nhận định, tỉnh Bắc Kạn đã khẳng định được tiềm năng về vùng dược liệu, cây ăn quả.
"Với việc định hướng và phát triển mạnh hơn, việc truyền thông quảng bá, tổ chức những sự kiện như thế này là rất cần thiết; quảng bá theo mô hình du lịch thực tế, là cơ hội cho doanh nghiệp đang sản xuất tìm kiếm đối tác phân phối trong nước cũng như quốc tế khi các sản phẩm đạt tiêu chuẩn không những trong nước mà còn ở nước ngoài", ông Cường cho biết thêm.
Cũng tại hội nghị, 10 bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của các HTX trong tỉnh và các doanh nghiệp đến từ Hà Nội, Hải Phòng đã được kí kết.