Ngày 24/2/2022 là một dấu mốc lịch sử đối với thế giới nói chung và đặc biệt đối với châu Âu khi chiến sự ở Ukraine giữa Nga và Ukraine bắt đầu. Nga gọi đấy là một "chiến dịch quân sự đặc biệt". Trên thực tế và trong thực chất, những gì xảy ra trong 100 ngày qua ở Ukraine giữa Nga và Ukraine không chỉ là một cuộc chiến tranh thực thụ mà còn là một cuộc chiến tranh kiểu mới đặc trưng cho thế giới hiện đại là sử dụng vũ khí hiện đại mới và ứng dụng công nghệ mới.
Sau 100 ngày chiến sự ở Ucraine, trên thế giới có nhiều đánh giá rất khác nhau về bản chất sự kiện này, về diễn biến và triển vọng, về ai thắng ai thua, về ý đồ của các bên liên quan và về tác động, hệ luỵ và hậu quả của cuộc chiến đối với Nga và Ukraine, đối với châu Âu và thế giới. Có thể thấy được ba điều nổi bật đáng chú ý từ 100 ngày chiến sự vừa qua ở Ukraine.
Thứ nhất, cả Nga lẫn Ukraine đều vừa có thắng vừa bị thua. Nga tiến quân và rồi phải rút lui, đánh chiếm được mục tiêu ở Ukraine rồi lại phải buông bỏ, nhiều lần phải thay đổi mưu tính chiến lược và sách lược, không thể đánh nhanh thắng nhanh. Ukraine hiện bị Nga chiếm giữ khoảng 20% lãnh thổ và trực diện nguy cơ bị mất cả vùng Donbass vào tay Nga cho dù chặn được bước tiến quân của Nga. Cả hai bên đều bị thiệt hại lớn. Cục diện chiến sự này báo hiệu chiến sự sẽ còn dai dẳng và không giảm mức độ quyết liệt. Câu hỏi được đặt ra là bên nào có đủ khả năng thực tế về nhân lực và vật lực, đặc biệt về chính trị đối nội, để duy trì lâu dài chiến sự ở Ukraine.
Thứ hai là sự thay đổi cơ bản bản chất của vụ việc. Ở Ukraine, chiến sự diễn ra trực tiếp giữa Nga và Ukraine. Nhưng rồi chiến sự này trở thành sự biểu hiện ra bên ngoài của cuộc đối địch giữa Mỹ, EU, Nato và đồng minh với Nga. Phe kia không đưa quân đội vào Ukraine chiến tranh trực tiếp với quân đội Nga nhưng hậu thuẫn Ukraine về chính trị, trừng phạt Nga về kinh tế, thương mại và tài chính để làm Nga suy kiệt mọi nguồn lực phục vụ cho cuộc chiến ở Ukraine, và đặc biệt là viện trợ tài chính và cung cấp vũ khí cho Ukraine chiến tranh với Nga.
Mỹ, EU, Nato và đồng minh dùng Ukraine để làm cho Nga lụi bại về mọi phương diện đến mức rồi đây không còn có thể trở thành thách thức và đe doạ an ninh đối với họ ở châu Âu, cụ thể là sẽ không còn có khả năng dùng quân sự thay đổi thực trạng địa chính trị ở châu Âu. Họ chấp nhận trả mọi giá và sẵn sàng sử dụng mọi cách. Từ đó có thể thấy, cuộc chiến gián tiếp giữa Mỹ, EU, Nato và đồng minh với Nga sẽ quyết định kết cục cuối cùng của chiến sự ở Ukraine chứ không phải ngược lại.
Thứ ba là chiến sự ở Ukraine vì thế sẽ còn kéo dài và câu hỏi về ai rồi đây sẽ thắng hay thua vẫn chưa thể có được câu trả lời. Không có sự chống lưng của Mỹ, EU, NATO và đồng minh thì Ukraine không thể thắng Nga ở Ukraine. Nhưng chừng nào phe kia còn đổ tiền của và vũ khí vào Ucraine cũng như chừng nào vẫn còn theo đuổi mục tiêu nói trên về Nga thì chừng đấy Nga cũng không thể thắng được ở Ukraine. Việc đạt được giải pháp chính trị hoà bình cho Ukraine hiện tại bất khả thi và cả ở trong thời gian tới cũng vậy bởi Nga sẽ không buông bỏ những vùng lãnh thổ Ukraine hiện đang kiểm soát trong khi Ukraine không chấp nhận chịu mất mát lãnh thổ và phe Mỹ, EU, Nato cùng đồng minh chưa đẩy được Nga đến tình trạng khánh kiệt về chính trị và quân sự ở châu Âu. Sau 100 ngày chiến sự ở Ukraine, cả ba phía này hiên đều trong tình thế không còn có đường lùi và đã đâm lao thì phải theo lao. Cho nên chiến sự còn dai dẳng, kết cục còn bất định mà sự đối địch giữa Mỹ, EU, Nato và đồng minh với Nga còn gia tăng mức độ quyết liệt.
Chiến sự ở Ukraine đã và đang tiếp tục làm thay đổi cơ bản châu Âu và thế giới. Châu Âu lâm vào khủng hoảng thực sự về chính trị an ninh. Những vấn đề lớn mới nảy sinh là tỵ nạn, an ninh lương thực và an ninh năng lượng với tác động tiêu cực vượt ra ngoài phạm vi khuôn khổ châu Âu. Nato và EU củng cố sự thống nhất nội bộ và Mỹ xác lập, tăng cường vai trò lãnh đạo khối các nước Phương Tây. Các cấu trúc và cơ chế an ninh chung lâu nay ở châu Âu đã tan vỡ. Tăng trưởng kinh tế suy giảm và lạm phát gia tăng ở nhiều nước châu Âu. Ukraine trở thành nơi nhiều loại vũ khí mới được sử dụng và cách thức tiến hành chiến tranh mới được thử nghiệm.
Chiến sự ở Ukraine đã biến châu Âu trở thành điểm nóng mới của thế giới về chính trị an ninh, về bất an bất ổn trong quan hệ giữa các quốc gia. 100 ngày chiến sự vừa qua ở Ukraine khiến châu Âu không thể không lo ngại và bi quan về triển vọng hoà bình và an ninh cho châu lục trong thời gian tới.