Dân Việt

Thủ tướng gợi ý về quy định đối với môn Lịch sử

PVCT 04/06/2022 19:00 GMT+7
Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi ý có thể quy định theo hướng môn Lịch sử vừa có phần bắt buộc, vừa có phần tự chọn. Thủ tướng cũng cho biết, truyền thống văn hóa lịch sử cũng là một nguồn lực, đầu tư cho giáo dục văn hóa -lịch sử là đầu tư cho sự phát triển.

Môn Lịch sử có thể vừa có phần bắt buộc, vừa có phần tự chọn

Ngày 4/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022. Trong phát biểu kết luận phiên họp, đề cập tới lĩnh vực giáo dục, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu việc tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022, bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng.

Thủ tướng gợi ý về quy định đối với môn Lịch sử - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi ý về quy định đối với môn Lịch sử. Ảnh VGP

Thủ tướng cũng nêu rõ phải cân nhắc, thận trọng xây dựng lộ trình điều chỉnh học phí phù hợp, căn cứ thực tiễn, phù hợp với lợi ích của Nhà nước, tổ chức và học sinh, sinh viên.

Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, rà soát, nghiên cứu giải pháp phù hợp với các vấn đề liên quan sách giáo khoa theo hướng tạo thuận lợi, tiết kiệm, giảm chi phí, bảo đảm lợi ích chính đáng của học sinh, phụ huynh.

Cùng với đó, tiếp tục nghiêm túc, cầu thị lắng nghe ý kiến của người dân, chuyên gia, có giải pháp kịp thời về môn lịch sử.

Gợi ý có thể quy định theo hướng môn Lịch sử vừa có phần bắt buộc, vừa có phần tự chọn, người đứng đầu Chính phủ nhắc lại, truyền thống văn hóa lịch sử cũng là một nguồn lực, đầu tư cho giáo dục văn hóa -lịch sử là đầu tư cho sự phát triển.

Đẩy mạnh chống tham nhũng, xử lý các dự án tồn đọng

Bên cạnh đó, trong phát biểu kết luận, Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong các lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực (đất đai, tài chính, ngân hàng, chứng khoán...)

Thủ tướng nêu rõ, phải đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án, vụ việc tham nhũng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ cương, xử lý nghiêm các vi phạm.

Tiếp tục tập trung xử lý các vấn đề, dự án tồn đọng (7/12 doanh nghiệp yếu kém; các dự án như nhà máy nhiệt điện Long Phú I, cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai; các tổ chức tín dụng yếu kém...).

Ngoài ra, thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đẩy mạnh phòng, chống tội phạm.

Theo đánh giá tại phiên họp, tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng tiếp tục chuyển biến tích cực, các hoạt động kinh tế phục hồi mạnh mẽ, hầu hết các lĩnh vực đều tăng so với tháng trước và cùng kỳ.

Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng tăng 2,25% so với cùng kỳ (cao hơn mức tăng 1,29% của năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng giai đoạn 2017-2020.

Sản xuất công nghiệp tiếp đà phục hồi; sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định và tăng trưởng; thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản, lâm sản, thủy sản được khơi thông, mở rộng.

Xuất khẩu 5 tháng tăng 16,3%, nhập khẩu tăng 14,9%, xuất siêu khoảng 516 triệu USD. Khách quốc tế tháng 5 gấp 12,8 lần cùng kỳ; 5 tháng tăng 4,5 lần.Số doanh nghiệp gia nhập, tái gia nhập thị trường đạt khoảng 100.000, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui…