ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu: Nên cấm bán sách tham khảo trong nhà trường

PVCT Thứ năm, ngày 02/06/2022 11:09 AM (GMT+7)
Theo ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu, nhiều nhà giáo dục có kinh nghiệm chỉ ra rằng, sách tham khảo ở các nước trên thế giới chỉ dùng cho các thầy cô giáo để phong phú bài giảng, còn học sinh tiểu học không cần phải sách tham khảo, nên cấm bán sách tham khảo trong nhà trường.
Bình luận 0

Tăng truyền thông để phụ huynh hiểu sách tham khảo không bắt buộc mua

Sáng 2/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế -xã hội. Phát biểu ý kiến ĐBQH Thái Văn Thành (Nghệ An) trao đổi 3 ý, ông nói:

"Thứ nhất, Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo có trao đổi trình Chính phủ để định khung giá sách giáo khoa, chúng tôi rất đồng tình với Bộ trưởng. "Phải đưa sách giáo khoa vào danh mục quản lý giá và hướng theo bảo đảm quyền lợi của học sinh và điều kiện kinh tế xã hội của người dân".

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu: Nên cấm bán sách tham khảo trong nhà trường - Ảnh 1.

ĐBQH Thái Văn Thành đề nghị tăng truyền thông để phụ huynh học sinh hiểu sách tham khảo không bắt buộc phải mua. Ảnh Quốc hội

Thứ hai, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chỉ đạo các trường tăng cường công tác truyền thông để nhân dân phụ huynh học sinh hiểu là sách giáo khoa có 2 loại gồm: sách bắt buộc học sinh phải có để học và loại bổ trợ tham khảo thì tùy vào điều kiện vào nhu cầu của phụ huynh và học sinh, loại sách này không bắt buộc phải mua.

Vị ĐBQH này lấy ví dụ thực tiễn tại địa phương (Nghệ An), đó ngành giáo dục tại đây đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng mô hình thư viện sách giáo khoa trên phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm, theo đó tỉnh sẽ dành một phần kinh phí để trang bị sách giáo khoa cho nhà trường.

Cùng với đó kêu gọi, huy động doanh nghiệp, các nhà xuất bản sách giáo khoa cho nhà trường, kêu gọi học sinh khóa trước học xong tặng lại sách để xây dựng thư viện sách giáo khoa. Việc làm này giúp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có sách để học và sách dùng nhiều lần sẽ tránh được lãng phí.

"Việc làm này có ý nghĩa giúp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc các cháu vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi có sách để học và sách dùng được nhiều lần và tránh lãng phí", ĐB Thành nói và đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nhân rộng mô hình này trong các địa phương trên cả nước.

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu: Nên cấm bán sách tham khảo trong nhà trường - Ảnh 2.

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu: Nên cấm bán sách tham khảo trong nhà trường. Ảnh Quốc hội

Số lượng đầu sách giáo khoa cho học sinh quá nhiều

Phát biểu tranh luận về ý kiến của ĐBQH Thái Văn Thành "cần nói cho người dân hiểu loại sách tham khảo không cần phải mua", ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Đại học Y Hà Nội cho rằng: Ai cũng hiểu điều này bởi ngay tên gọi là sách tham khảo là không cần phải mua. Nhưng nếu có sách tham khảo bán thì tất cả phụ huynh học sinh đều mua cho con mình để bằng bạn.

Theo ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu, sách tham khảo là nguồn lợi rất lớn cho nhà xuất bản, chính vì vậy cần phải hạn chế tối đa loại hình sách này. "Rất nhiều nhà giáo dục có kinh nghiệm chỉ ra rằng, sách tham khảo ở các nước trên thế giới chỉ dùng cho các thầy cô giáo để phong phú bài giảng, còn học sinh tiểu học không cần phải sách tham khảo, nên cấm bán sách tham khảo trong nhà trường", ông nói.

Vẫn theo ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu, việc đổi mới sách giáo khoa là đúng đắn nhưng cách làm chưa tạo sự cạnh tranh lành mạnh để có những sản phẩm tốt, rẻ hơn, đỡ tốn thời gian, cần chọn cách làm tường minh, khoa học thì sách giáo khoa sẽ trở lại đúng vị trí trang trọng.

Cũng đề cập tới vấn đề sách giáo khoa, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) khi phát biểu đã đề nghị Chính phủ căn cứ vào đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có những biện pháp hữu hiệu quản lý giá sách giáo khoa - một mặt hàng rất đặc biệt, thiết yếu, tránh việc tăng giá tùy tiện tạo dư luận không tốt và tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân.

"Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát và tinh giản sách giáo khoa theo hướng thống kê danh mục sách giao khoa bắt buộc đối với từng lớp học, cấp học. Ngoài số sách giáo khoa bắt buộc phải có, số sách còn lại, học sinh có thể tham khảo, tùy và điều kiện, nhu cầu cụ thể để chọn lựa mua hoặc không mua. Hiện nay số lượng đầu sách giáo khoa cho học sinh, kể cả học sinh tiểu học là quá nhiều, trong đó có những cuốn sách mang tính chất tham khảo. Do không có sự hướng dẫn nên nhiều bậc cha mẹ học sinh hoàn toàn không rõ sẽ phải lựa chọn đầu sách nào", ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem