Dân Việt

Ký ức Hà Nội: Khu tập thể Văn Chương qua lời kể của ông ngoại

Thanh Hà 07/06/2022 09:16 GMT+7
Hà Nội - đất chật người đông, từ xưa đến nay chẳng bao giờ thay đổi. Biết là vậy nhưng thành phố này đã gắn liền với ký ức tuổi thơ, đó từng là khát khao, từng là ước ao của biết bao đứa trẻ miền quê như tôi được một lần đến thăm lăng Bác, được ngắm cảnh cầu Thê Húc...

Cách đây hơn chục năm, tôi đã từng là một con bé hàng ngày lẽo đẽo chạy theo ông ngoại, đòi ông kể cho nghe về Hà Nội, bởi đơn giản, tôi biết người làm nghề giáo nghèo ấy đã hiểu quá rõ về chốn phố thị Hà thành. Ông đi nhiều, biết nhiều rồi lại chia sẻ những trải nghiệm mình đã tích lũy được thời còn trẻ cho đứa cháu gái 9 tuổi. 

Ông kể: "Nghèo đói lắm con ạ! Ông đã sống ba mươi mấy năm trong khu tập thể chật kín người từ những năm 60. Thời đó đất nước ta còn chưa đổi mới, đã làm gì có nhiều tiền. Cứ 4 người thì được xếp vào một căn hộ nhỏ chỉ 20 mét vuông, phòng nào có chó, mèo, lợn, gà thì cũng quy hoạch hết vào ngần ấy diện tích.  

Túng thì túng thật, nhưng nghĩ lại kể ra thì cũng vui quá đi chứ. Ngày xưa ông cũng nhiều bạn lắm, chỉ khác cha khác mẹ chứ đứa nào cũng nghèo như nhau… ". Nói một hồi tôi thấy ánh mắt ông trầm tư hẳn, vừa gật gù kể chuyện, vừa mỉm cười vẻ đầy tiếc nuối. 

Đến bây giờ, tôi đã trở thành một cô sinh viên Học viện Ngoại giao, đã sống ở Hà Nội suốt một khoảng thời gian khá dài và cũng đã khám phá được nhiều địa danh, nhiều nếp sống văn hóa của con người Thủ đô. 

Chỉ tiếc rằng, đến lúc tôi có thể chia sẻ những trải nghiệm tuổi trẻ của mình thì ông tôi đã đi xa lắm rồi. Tôi tìm đến địa chỉ mà ông từng sống, và cũng chính là tôi mang trong mình một cảm giác rất đặc biệt.

Đó là khu tập thể Văn Chương (Đống Đa), không cách quá xa chỗ ở hiện tại của tôi. Mọi người hiện giờ không còn ở đây nữa, chỉ có một số bạn trẻ đến để chụp ảnh những concept cổ điển hay các ông, bà, cô, bác,... đến tham quan, nhắc nhớ lại ký ức. Đi dạo quanh thăm thú, tôi nhận ra khu tập thể Văn Chương của 2022 đã "già đi" so với lời kể năm 2011 của ông ngoại. Vẫn là một dãy nhà cũ kỹ 5 tầng nhưng tường vàng đầy rêu hơn và những hình vẽ bậy,... 

Ký ức Hà Nội: Ký ức về khu tập Văn Chương qua lời kể của ông ngoại - Ảnh 2.

Một khu tập thể ở Hà Nội. Ảnh: Thu Hà

Nhìn những dòng chữ nguệch ngoạc từ ngày xưa, những hình vẽ về gia đình, về bữa cơm, rồi cả những viên gạch đã từng được xếp lên để thay cho bếp đun,... tất cả đã khiến tôi hiểu được cuộc sống của ông, của những thế hệ ngày trước quá khổ, quá nghèo nhưng niềm vui và niềm hy vọng về tương lai của họ lại luôn rực cháy. Tôi đã được bác bảo vệ chỉ đường lên cầu thang, vào từng ngách nhỏ và cả sân thể thao thì biết các cô lao công vẫn dọn dẹp thường xuyên để đảm bảo nguyên vẹn như một di tích gợi nhớ cho những thế hệ đi trước mỗi dịp trở về. 

Hà Nội ngày nay đã quá hiện đại và phát triển, dường như ai cũng có thể làm một tour du lịch quanh toàn thành phố chỉ bởi một chiếc smartphone. Thực sự mà nói thì tôi thấy vui và tự hào vì đất nước đang ngày càng phát triển, giàu mạnh hơn và có thể khẳng định vị thế của ta trên trường quốc tế. Nhưng điều mà tôi tôn trọng hơn cả là tinh thần rất người Việt, không chỉ những khu tập thể, từ những hẻm nhỏ của phố cổ đến những cung đường lớn giữa lòng Thủ đô, đâu đâu cũng thấy văn hóa truyền thống.  

36 phố phường Hà Nội vẫn từng đó loại hàng hóa, mùa nào thức ấy, phố nào hàng ấy, tấp nập, sầm uất và thân thuộc. 

Đã có những gia đình, những làng nghề bao đời vẫn giữ nguyên truyền thống đan cót, dệt vải hay nặn gốm sứ,...; vẫn còn đó nhiều cung đường lúc nào cũng trải dài những gánh hàng hoa đầy màu sắc sặc sỡ trên đôi vai hao mòn của các bà, các mẹ,...; rồi đến cả những ngôi làng cổ mái ngói xô nghiêng, bức tường đầy rêu phong xanh tím,... nhưng đó là mới chính là điểm thu hút của Hà Nội. 

Tôi thích sự xô bồ của Hà Nội, thích cả sự nhẹ nhàng lãng mạn của Hà Nội. Tôi thích sáng sớm ngồi nhâm nhi một tách cà phê trứng của Giảng ngắm đường xá, phố phường, thích nghe cả những bản nhạc du dương thời 8x, tạm gác những lo toan, bộn bề của tuổi trẻ để hòa vào nhịp sống Thủ đô... Tôi thích nhiều. Bởi giữa cái cũ và cái mới đã và đang và sẽ mãi có sự giao thoa, kết hợp một cách tình cờ mà lại tinh tế và hết sức đặc biệt. Và chỉ Hà Nội mới có thể. 

Bài viết Ký ức về khu tập Văn Chương qua lời kể của ông ngoại dự thi Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội trên Chuyên mục Hà Nội Hôm nay (Báo Điện tử Dân Việt). Kính mời độc giả gửi bài viết dự thi về địa chỉ email cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc gửi thư đến địa chỉ Ban Bạn đọc, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Tác phẩm gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 10 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 01 Giải nhì trị giá 7 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 02 Giải ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận và 05 Giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận.