Dân Việt

Từng "làm mưa làm gió", giờ đây nông dân nơi này của Bà Rịa-Vũng Tàu đành xót xa múc bỏ hàng loạt cây thanh long

Hồng Phúc 05/06/2022 19:00 GMT+7
Lợi nhuận không đủ để trang trải chi phí sản xuất, nhiều nông dân huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đang phá bỏ thanh long, chuyển đổi sang loại cây trồng khác.

Trồng thanh long thời thua lỗ triền miên

Gắn bó với nghề trồng thanh long hơn 5 năm qua, song gia đình ông Nguyễn Bá Phước (ấp 2, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc) đang phải thuê máy múc phá bỏ đi vườn thanh long với diện tích 3ha.

5 năm trước, ông Phước đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây dựng 3.500 trụ, giống, béc tưới tự động, đường dây điện, bóng đèn với kỳ vọng sẽ có thu nhập ổn định từ loại cây này. Tuy nhiên, chỉ duy nhất năm đầu tiên ông thu về 300-400 triệu đồng. Những năm sau đó, vườn thanh long chìm trong thua lỗ, số tiền đầu tư ban đầu vẫn chưa thu đủ.

Từng "làm mưa làm gió", giờ đây nông dân nơi này của Bà Rịa-Vũng Tàu đành xót xa múc bỏ hàng loạt cây thanh long - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Bá Phước (ấp 2, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) quyết định phá bỏ vườn thanh long do thua lỗ nặng.

2 năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 thanh long rớt giá thê thảm, có thời điểm chỉ còn 2.000 đồng/kg, nhiều lứa thanh long không tiêu thụ được. Chỉ riêng từ đầu năm 2022 tới nay, ông Phước đã lỗ gần 300 triệu đồng bởi chi phí các loại vật tư liên tục tăng.

“Để phá bỏ vườn thanh long này, gia đình tôi cũng phải bỏ ra 35 triệu đồng để thuê người, máy móc về làm. Mặc dù tiếc công, tiếc của, nhưng bây giờ càng đầu tư càng lỗ nặng, do đó tôi quyết định bỏ để chuyển sang trồng loại khác”, ông Phước chia sẻ.

Từng biết đến là hộ đi đầu trong việc đầu tư trồng thanh long công nghệ cao tại xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc, thế nhưng bây giờ, vườn thanh long của gia đình ông Trần Quang Hải rơi vào tình trạng suy kiệt, dịch bệnh tấn công do không được chăm sóc. Thanh long chín đỏ, rụng đầy gốc.

Năm 2018, ông Hải đầu tư 500 triệu đồng để xây dựng vườn thanh long gần 1ha theo hướng công nghệ cao. 

Được xem là mô hình điểm lúc bấy giờ. Đầu tư lớn nhưng thanh long mất giá, không có đầu ra ổn định, gia đình ông rơi vào cảnh thua lỗ. Trong đó, vụ thanh long năm ngoái, ông Hải lỗ 120 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay cũng đã lỗ 62 triệu đồng, khiến ông rơi vào cảnh trắng tay phải bán đất để trả nợ ngân hàng. Diện tích đất còn lại, ông cải tạo để chuẩn bị chuyển đổi sang trồng tràm ngay sát trụ thanh long.

“Tôi từng rất tâm huyết đầu tư thanh long, tuy nhiên đầu ra thiếu ổn định, việc phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc khiến vùng trồng thanh long tại địa phương thiếu bền vững. Dù rất buồn và xót xa khi phải bỏ đi vườn thanh long mình đã đầu tư, gắn bó, nhưng chúng tôi không có sự lựa chọn khác khi liên tục thua lỗ trong 2 năm qua”, ông Hải cho biết thêm.

Chất lượng thanh long giảm

Tại xã Bông Trang, vùng trồng thanh long lớn của huyện Xuyên Mộc cũng như của tỉnh cũng diễn ra tình trạng nhiều hộ trồng thanh long phá bỏ để trồng các loại cây trồng khác. Do dịch bệnh tấn công gây hại, khiến năng suất, chất lượng của cây thanh long bị giảm sút nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Huy Hoàng (ấp Trang Định, xã Bông Trang) vừa phá bỏ 4 sào thanh long ruột đỏ đã trồng được 7 năm tuổi. Theo tính toán của ông Hoàng, với giá đầu vào tăng, giá bán thanh long ruột đỏ phải được 20 ngàn đồng/kg mới hòa vốn. Thế nhưng, nhiều năm nay, hiếm khi nhà vườn bán được giá này, có thời điểm giá rớt xuống chỉ còn 7-8 ngàn đồng/kg, thậm chí chỉ còn 2 ngàn đồng/kg mà không có ai mua.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, tổng diện tích trồng thanh long trên địa bàn tỉnh hiện khoảng 684ha, tập trung chủ yếu tại huyện Xuyên Mộc và Châu Đức.

“6 sào thanh long còn lại, tôi cũng dự kiến sẽ phá bỏ trong năm tới để chuyển sang trồng nhãn. Với tình hình như hiện nay, khó có thể duy trì trồng thanh long tiếp được”, ông Hoàng cho hay.

2 năm trở lại đây, giá thanh long liên tục ở mức thấp, dưới giá thành sản xuất do xuất khẩu gặp khó khăn. Trong khi đó, mọi chi phí vật tư đầu vào, nhất là giá phân, thuốc lại tăng cao. Người trồng thanh long do đó không đủ chi phí để tái đầu tư, nhiều vườn thanh long do không được chăm sóc xuất hiện dịch bệnh, cây trồng suy kiệt, kém hiệu quả bị nông dân chặt bỏ.

Diện tích trồng thanh long tại 2 xã lớn nhất tỉnh cũng giảm mạnh; xã Bưng Riềng khoảng 700ha hiện chỉ còn khoảng 420ha, xã Bông Trang từ 140ha hiện chỉ còn khoảng 120ha.

Hiện đang vào rộ vụ thu hoạch, sản lượng tăng cao, thanh long có nguy cơ ùn ứ, đổ bỏ. Trong khi nguồn hàng đạt chuẩn xuất khẩu lại khan hiếm do tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu về chất lượng ngày càng cao, nhiều nhà vườn không đáp ứng được, bởi e ngại đầu tư chăm sóc vì lo giá rẻ. 

Điều này dẫn đến tình trạng thanh long không xuất khẩu được, thậm chí cả thị trường dễ tính như Trung Quốc cũng đang siết chặt các quy định về các tiêu chuẩn ATTP, nguồn gốc xuất xứ...