Và chính lối đi riêng này, mô hình trồng lúa kết hợp nuôi cá đồng đã giúp gia đình anh Nguyễn Văn Phong có nguồn thu nhập ổn định quanh năm.
Khi chính quyền địa phương có chủ trương chuyển đổi mô hình sản xuất từ độc canh cây lúa sang mô hình luân canh tôm - lúa, anh Phong cũng như nhiều bà con trong xóm rất phấn khởi.
Nhờ sự chuyển đổi mô hình sản xuất mà đời sống của người dân trong ấp phát triển ổn định, trong đó có gia đình anh. Thế nhưng, sau nhiều vụ sản xuất lúa - tôm, anh Phong nhận thấy nguồn lợi thủy sản thiên nhiên là cá đồng vốn có rất nhiều ở địa phương trước đây, nay đã dần cạn kiệt do không có nơi trú ngụ, phát triển. Trong khi đó, giá cá đồng thì ngày một tăng cao.
Nhận thấy có thể phát triển mô nuôi cá đồng kết hợp trồng lúa thay vì canh tác lúa - tôm như thời gian qua. Nghĩ là làm, bắt đầu từ năm 2019, anh Phong thuê cơ giới vào nạo vét tạo kênh bao quanh hơn 5 công đất ruộng của gia đình.
Tiếp đó, tranh thủ mùa cá sinh sản, anh Phong làm các ống bọng có hom 1 chiều đặt dọc theo các tuyến kênh quanh ruộng nhà để dẫn cá vào trú ngụ. Nhờ cách làm này mà anh Phong không phải tốn tiền mua cá giống. Ngay từ năm đầu áp dụng mô hình lúa - cá đồng tự nhiên, gia đình anh đã thu được gần 20 triệu đồng từ cá thiên nhiên.
Nhờ cách sản xuất “thuận thiên” mà lúa canh tác của gia đình anh cũng được thương lái đến thu mua với giá cao, thu nhập của gia đình cũng nhờ đó mà tăng lên đáng kể.
Anh Phong chia sẻ: “Nếu nuôi tôm thì nông dân mình phải tốn khoản chi phí mua con giống, kỹ thuật chăm sóc cũng khó vì không phải ai cũng biết nuôi tôm. Nhưng với cá đồng thì khác, mình không phải lo chuyện chúng phát sinh dịch bệnh mà giá bán thì luôn ổn định ở mức có lợi cho nông dân. Chính vì vậy tôi đã chuyển hẳn từ mô hình lúa - tôm sang lúa - cá”.
Nhờ sự nhạy bén trong tư duy sản xuất, mạnh dạn mở ra lối đi riêng mà kinh tế gia đình anh Nguyễn Văn Phong đã ổn định và vươn lên khá giả với mô hình trồng lúa kết hợp nuôi cá đồng.