Dân Việt

"Phản ứng" của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khi ĐBQH nói "bao cấp" trong cấp hạn mức tín dụng

PVKT 09/06/2022 09:22 GMT+7
"Nếu đáp ứng hết hạn mức mong muốn của ngân hàng thương mại thì sẽ không ổn định được vĩ mô như hiện nay". Đó là chia sẻ của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tại phiên chất vấn sáng nay 9/6.

Như Dân Việt đưa tin, chiều 8/6, phát biểu tranh luận đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) nói, ông rất chia sẻ với Thống đốc là đối với lĩnh vực tín dụng và đặc biệt ngân hàng chúng ta phải an toàn và tránh những rủi ro.

Tuy nhiên, với câu hỏi đại biểu đặt ra đó là cơ chế cấp hạn mức tín dụng hàng năm cho các ngân hàng thương mại hiện nay, đại biểu cho rằng cơ chế này còn dáng dấp của quản lý theo kiểu bao cấp và có lẽ không phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

"Phản ứng" của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khi ĐBQH nói "bao cấp" trong cấp hạn mức tín dụng - Ảnh 1.

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) chất vấn Thống đốc Nguyễn Thị Hồng về cấp hạn mức tín dụng. (Ảnh: QH)

Cũng theo đại biểu, việc cấp hạn mức tín dụng hàng năm dẫn đến chuyện năm nào cũng phải cấp lại, khi cần thiết các ngân hàng lại phải đi xin để nới room.

Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi chúng ta đang triển khai gói 2% của 40.000 tỷ, ngân hàng có tiền mà lại không cho vay được, các ngân hàng muốn cho vay cũng khó, trong khi đó mục tiêu đề ra là cần cấp bách cho Nghị quyết 43.

"Tôi nghĩ rằng đề xuất của các ngân hàng thương mại là có lý và có cơ sở, cũng trân trọng đề nghị với Thống đốc nghiên cứu thật kỹ cơ chế này, chúng ta có nên chăng thực hiện nó trong thời gian tới nữa hay không, để chúng ta bắt nhịp được với những xu hướng chung của thế giới. Tôi không biết trên thế giới còn đất nước nào làm cách thức như chúng ta trong việc cấp tín dụng, tức là cấp quota như Việt Nam đang làm hay không?", đại biểu đặt vấn đề.

Tổ chức tín dụng nào cũng mong là tăng trưởng tín dụng nhiều

Trả lời thêm đại biểu An tại phiên chất vấn sáng nay, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng giải thích, Việt Nam có đặc thù riêng. "Ngân hàng Thế giới đánh giá, Việt Nam là nước lệ thuộc vốn ngân hàng lớn nhất thế giới. Điều này có nguy cơ rủi ro, nên công cụ cấp hạn mức tín dụng này vừa qua hiệu quả, chặn được các cuộc đua lãi suất, huy động tín dụng cao. Có những năm tín dụng nền kinh tế tăng tới 53,8%", bà nói.

Trước quan điểm cho rằng việc cấp hạn mức tín dụng này "chặn" dòng vốn rẻ tới người vay, Thống đốc nhận xét, ngân hàng nào khi thành lập đều muốn tăng trưởng tín dụng nhiều, nhưng ở "vai" Ngân hàng Nhà nước phải nhìn ở góc độ điều hành vĩ mô.

"Tổ chức tín dụng nào cũng mong là tăng trưởng tín dụng nhiều. Nếu đáp ứng hết hạn mức mong muốn của ngân hàng thương mại thì sẽ không ổn định được vĩ mô như hiện nay", bà khẳng định.

Lo 2 triệu tỷ đồng vay cấp bù lãi suất "rót" vào lĩnh vực rủi ro

Liên quan đến gói tín dụng 40.000 tỷ như đai biểu An nhắc đến, trong phiên chất vấn sáng nay đại biểu Hoàng Văn Cường- Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách cũng đặt câu hỏi chất vấn Thống đốc Nguyễn Thị Hồng.

Đại biểu cho biết, Thống đốc có giải pháp như thế nào để kiểm soát chương trình cho vay cấp bù hỗ trợ lãi suất 2% trong gói phục hồi kinh tế, để tránh tình trạng dòng vốn đi vào khu vực không cần thiết, đặc biệt là trục lợi chính sách? Sau đại dịch, có nhiều doanh nghiệp đang còn có khoản vay đang phải hoãn giãn, chưa phải trả nợ và không có tài sản đảm bảo thêm nữa để thế chấp. Những doanh nghiệp này có phương án kinh doanh tốt, thuộc nhóm cần được phục hồi. Thống đốc cho biết làm thế nào để doanh nghiệp này tiếp cận được gói hỗ trợ?

Tức là sẽ có khoảng 2 triệu tỷ đồng được giải ngân từ chương trình vay này. Ông hỏi về giải pháp để kiểm soát dòng vốn này, ngăn nó đi vào các lĩnh vực rủi ro.

"Phản ứng" của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khi ĐBQH nói "bao cấp" trong cấp hạn mức tín dụng - Ảnh 3.

Đại biểu Hoàng Văn Cường- Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách. (Ảnh: QH)

Ông cũng muốn biết Ngân hàng Nhà nước có giải pháp nào để các doanh nghiệp có khoản nợ cũ, hiện không có tài sản đảm bảo, nhưng có phương án kinh doanh tốt, thuộc nhóm cần được phục hồi... tiếp cận được gói hỗ trợ cấp bù lãi suất này.

"Phản ứng" của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khi ĐBQH nói "bao cấp" trong cấp hạn mức tín dụng - Ảnh 4.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng. (Ảnh: QH)

Giải trình sau đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng giải thích, gói hỗ trợ lãi suất 2% được người dân, để thiết kế các quy định đảm bảo triển khai thuận lợi, hạn chế khó khăn, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, cùng các bộ, ngành đã họp bàn nhiều cuộc.

Hai nhóm đối tượng được vay: Một là doanh nghiệp, tổ chức thuộc một số ngành, lĩnh vực theo Nghị định 27 của Chính phủ. Hai là đối tượng có nhu cầu vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân...

Các bộ, ngành liên quan tham gia trong khâu quyết toán, và sự tham gia của Kiểm toán Nhà nước trước khi Bộ Tài chính quyết toán khoản vay này.

Doanh nghiệp có khoản nợ cũ, hiện không có tài sản đảm bảo, các nào tiếp cận gói hỗ trợ này hay không? Bà Hồng thông tin, gói cho vay hỗ trợ này nằm trong chương trình phục hồi, phát triển kinh tế thì phải là doanh nghiệp có khả năng trả nợ, phục hồi. Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng phải cho vay đúng đối tượng. Tức là dù trong ngành, lĩnh vực được vay nhưng doanh nghiệp đó sẽ không thể vay nếu không có khả năng trả nợ và phục hồi. Việc này nhằm đảm bảo dòng vốn đi vào đúng đối tượng cần.